Quốc ca - “Tiến quân ca”, tác phẩm bất hủ đi cùng năm tháng

“Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền…” trong không khí trang nghiêm thuộc phần nghi thức của vô vàn những sự kiện diễn ra ở khắp mọi cấp, ngành, địa phương, mỗi khi âm hưởng bài Quốc ca vang lên hùng tráng ấy là lúc mọi người dân Việt Nam yêu nước đều dường như cùng hòa chung một niềm đồng cảm - niềm đồng cảm về sự thiêng liêng và lòng tự hào.

Quốc ca  “Tiến quân ca” tác phẩm bất hủ đi cùng năm tháng
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trao văn bản hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca” tại Lễ tiếp nhận và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: baochinhphu.vn

“Tiến quân ca” là một sáng tác để đời của người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao (*) và được ra đời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại Hà Nội khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945. Khi đó, nhạc sĩ Văn Cao 21 tuổi và đã từng có một số sáng tác thể hiện rõ lòng yêu nước, có ảnh hưởng rất tích cực trong công chúng và phong trào đấu tranh cách mạng như: “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”…

Nhận thức rõ về tài năng xuất chúng của Văn Cao, một cán bộ Việt Minh có tên là Vũ Quý đã động viên nhạc sĩ tham gia hoạt động cách mạng và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác bài hành khúc cho Mặt trận Việt Minh. Mùa đông năm 1944, “Tiến quân ca” ra đời, được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập và ngay lập tức được sử dụng là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng đứng vào hàng ngũ “Đoàn quân Việt Nam” để cùng “Chung lòng cứu quốc” chuẩn bị Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Gần một năm sau, tháng Tám năm 1945, nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định tổ chức Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Tuyên Quang) để phát động tổng khởi nghĩa. Trước khi mở Đại hội, Bác Hồ đã giao cho nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (lúc đó là thành viên Tổ Văn hóa Cứu quốc) nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu dự Đại hội và giới nhạc sĩ khi sưu tầm một số bài hát phù hợp thể hiện rõ tư tưởng tiến bộ và cách mạng báo cáo Bác để lựa chọn làm Quốc ca.

Ngày 15/8/1945, sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định mở Quốc dân Đại hội ngay vào buổi chiều 16/8 (sớm hơn dự kiến) để kịp với diễn biến tình hình. Buổi sáng ngày 16/8, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trình Bác Hồ ba bài hát: “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Chiến sĩ Việt Minh” và “Tiến quân ca” (cùng của Văn Cao) để Bác lựa chọn.

Sau khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tự trình bày từng ca khúc, Bác Hồ nhận xét: Bài “Diệt phát xít” rất hay, ngắn gọn, dễ hát nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rồi nên không còn phù hợp với tình hình. Bác cũng tỏ ý rất thích bài “Chiến sĩ Việt Minh”, nhất là đoạn kết: “Thề phục quốc/ Tiến lên Việt Nam/ Lập quyền dân/ Tiến lên Việt Nam/ Đài hạnh phúc đắp xây tự do/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm”. Tuy vậy, bài “Chiến sĩ Việt Minh” hơi dài, khó hát, nếu lựa chọn bài này làm Quốc ca, e rằng nhân dân đứng chào cờ sẽ mỏi chân.

Theo Bác, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao là phù hợp hơn cả, vừa ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ biến rộng rãi. Ngay sau đó, Bác Hồ đã quyết định chọn bài “Tiến quân ca” và giao cho nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khẩn trương cùng đội đồng ca tổ chức luyện tập để ngay trong buổi chiều ngày 16/8 có thể báo cáo trước Đại hội.

Chiều ngày 16/8, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch; đồng thời quyết định lựa chọn: lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, chọn bài “Tiến quân ca” là Quốc ca. Tiếp ngay sau đó, hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa, toàn dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 19/8/1945, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), trước hàng nghìn quần chúng cách mạng, nhạc sĩ Văn Cao chỉ huy đội đồng ca thiếu nhi tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào khôn tả. Từ đây, âm hưởng hào hùng của “Tiến quân ca” được dịp lan tỏa, trở thành hồi kèn xung trận, đồng hành, giục giã các tầng lớp quần chúng lao khổ khắp mọi miền đất nước cùng đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào, phấn khích tột độ. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới ánh Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bốn tháng sau, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử lịch sử lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra thành công trong cả nước. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên đã họp kỳ thứ nhất vào ngày 2/3/1946 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Và trong kỳ họp lịch sử này, “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, “Tiến quân ca” tiếp tục được Quốc hội lựa chọn là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Tiến quân ca” có hai lời, kết cấu, khúc thức đơn giản, dễ hát, dễ thuộc. So với thời điểm ra đời (1944), giai đoạn sau này, nhất là khi trở thành Quốc ca, nhạc phẩm “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao chỉnh sửa đôi chỗ về ca từ cho phù hợp hơn. Trong bản gốc khi mới ra đời, ở khổ đầu lời một, ca từ “Đoàn quân Việt Minh đi” sau này được sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”; trong đoạn tiếp theo, ca từ “Thề phanh thây, uống máu quân thù” được đổi thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”; và lời kết “Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được sửa thành “Tiến lên! Cùng tiến lên!/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Ở phần lời hai, đoạn cuối “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Vũ trang đâu lên đường/ Hỡi ai! Lòng chớ quên/ Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” cũng được nhạc sĩ Văn Cao sửa thành: “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Ra đời và đồng hành suốt chiều dài lịch sử cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Quốc ca - “Tiến quân ca” đã trở thành biểu tượng cho ý chí, khát vọng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trên chặng đường hội nhập, phát triển, trong không khí hào hùng của những ngày kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020), âm hưởng của Quốc ca - “Tiến quân ca” như càng thêm ngân vọng, lan tỏa, nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc.
______________________________________________                

(*) Nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923-10/7/1995), tên khai sinh: Nguyễn Văn Cao, quê gốc Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định; được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn học- nghệ thuật.

Bản gốc phần ca từ của “Tiến quân ca” khi ra đời năm 1944:

Lời một: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập gềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng đằng xa vang khúc quân hành ca/ Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu/ Thề phanh thây uống máu quân thù/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!”

Lời hai: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/ Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới/ Đứng đều lên gông xích ta đập tan/ Dù thây tan xương nát không sờn/ Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn/ Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Vũ trang đâu lên đường/ Hỡi ai!Lòng chớ quên/ Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”.

Ca từ của “Tiến quân ca” sau khi được chỉnh sửa và lưu hành đến nay:

Lời một: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập gềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/ Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên!/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lời hai: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/ Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/ Đứng đều lên gông xích ta đập tan/ Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Hoàng Bình
    2 năm trước

    Phần lời của Tiến quân ca do chính NS Văn Cao sửa lại chính thức được công nhận . Còn phần nhạc có bị ai sửa không ? Trong câu " Đường vinh quang xây xác quân thù " nguyên bản của tác giả là " Mì pha sol sol lá sol Rề " nhưng hiện nay bị dàn nhạc cử quốc thiều và các cầu thủ hát trên sân đấu lại là " Mì pha sol sol lá sol Mì " nghe rất ngang , chối tai , không đúng với bản lĩnh âm nhạc của Văn Cao ở cung Sol trưởng , không đúng với ý chí của toàn dân ! Thế Vĩnh xem lại nguyên văn bản nhạc gốc và trả lời tôi vào Gmail nhé !

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.