Quan tâm đầu tư tôn tạo đình Triều Hội - Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đình Triều Hội thuộc thôn Triều Hội (nay là thôn 2) xã Bồ Đề, huyện Bình Lục thờ Cao Mang tôn thần và Tiến sĩ Trần Xuân Vinh.

Tương truyền, Cao Mang tôn thần là một vị tướng tài nhà Trần. Ông vừa là người tài đức lại có sức khỏe vô song nên được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tin dùng. Ông cũng là một trong các vị tướng tham gia và lập được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Lê triều đệ nhị giáp Tiến sĩ Trần Xuân Vinh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống văn võ toàn tài. Sau khi đỗ tiến sĩ, ông được bổ làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông là vị quan thanh liêm, chăm lo đến đời sống của người dân và có hiếu với cha mẹ. Ông mất trong một trận cuồng phong khi đi thuyền về thăm dân làng. Để tưởng nhớ bậc hiền tài của đất nước, nhân dân làng Bỉnh Trung (nay là xã Bồ Đề) lập miếu thờ. Sau  này, dân làng Triều Hội đã xin chân nhang về đình và tôn làm thành hoàng thứ hai. 

Quan tâm đầu tư tôn tạo đình Triều Hội  Di tích lịch sử cấp quốc gia
Đình Triều Hội, xã Bồ Đề (Bình Lục). Ảnh tư liệu

Đình Triều Hội nằm cạnh đê sông Châu, ngôi đình khá bề thế với bố cục mặt bằng kiểu chữ Tam gồm tiền đường 5 gian, cung đệ nhị 5 gian và chính tẩm 3 gian. Thức kiến trúc mang phong cách cổ truyền. Công trình còn lưu giữ những mảng chạm khắc với đề tài tứ linh, hoa lá cách điệu sắc nét, công phu và có giá trị nghệ thuật cao. Tuy vậy, đình Triều Hội được nhiều người biết đến và nổi tiếng bởi nơi đây vào ngày 20/10/1930 đã diễn ra cuộc biểu tình, tuần hành thị uy của nhân dân các xã trong vùng.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam có ghi: Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ về hưởng ứng phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải (Thái Bình) và Xô viết Nghệ Tĩnh, Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam đã họp bàn quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn, có tuần hành thị uy nhằm phát động quần chúng đấu tranh đòi bỏ hội đồng hương chính, giảm sưu thuế, ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải. Ngày tiến hành được ấn định vào 20/10/1930 vì hôm đó là phiên chợ Bỉnh Trung, cạnh chợ là đình Triều Hội. Theo đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 20/10, hàng trăm đảng viên và quần chúng cách mạng ở các nơi đã hòa vào dòng người đi chợ, kéo về địa điểm tập trung. Đúng giờ quy định, tiếng trống đình Triều Hội nổi lên dồn dập, theo sau là tiếng pháo giòn giã, cờ đỏ búa liềm xuất hiện. Hàng nghìn người đang mua bán nghe tiếng trống và thấy cờ đỏ búa liềm xuất hiện đã đứng vào hàng ngũ. Các cán bộ cách mạng đã thay mặt Tỉnh ủy đứng lên diễn thuyết, vạch tội ác của bọn đế quốc, phong kiến, kêu gọi quần chúng đứng lên theo Đảng làm cách mạng, đòi bãi bỏ hội đồng cải lương, đòi giảm sưu giảm thuế và ủng hộ các phong trào đấu tranh của công nông cả nước. Đoàn biểu tình theo đê Ất Hợi tiến về chợ Thành Thị và chợ Vọc (xã Vũ Bản) rồi giải tán.

Với hơn 1.000 lượt người tham gia trong thời gian 7 giờ liền trên địa bàn rộng, có diễn thuyết, biểu dương lực lượng, tán phát truyền đơn… cuộc biểu tình Bồ Đề thực sự là một cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất của nông dân Hà Nam, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nam thời kỳ 1930 – 1931. Với những giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa lịch sử cách mạng, ngày 18/1/1988, đình Triều Hội đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chợ Bồ Đề vẫn họp theo phiên, đình Triều Hội cổ kính vẫn nép mình dưới tán cây cổ thụ. Đình Triều Hội xưa nằm biệt lập, nay được quy hoạch với tổng diện tích 6.133m2. Toàn bộ sân đình được lát gạch đỏ, xung quanh có tường bao, bồn hoa cây cảnh, hồ nước trước đình được kè có bao lơn vây quanh. Trong khuôn viên đình hiện nay có thêm công trình mới, đó là Nhà bia tưởng niệm tiếng trống Bồ Đề năm 1930 của Hội Nông dân tỉnh tài trợ xây dựng. Thời gian tới, đơn vị này tiếp tục tài trợ xây dựng nhà trưng bày hiện vật cũng nằm trong khuôn viên đình Triều Hội để trưng bày các hiện vật kháng chiến của nhân dân Bồ Đề. 

Tuy nhiên bên cạnh những công trình mới với những màu sơn nổi bật, đình Triều Hội cổ kính trải qua hàng trăm năm tồn tại hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi đình được làm toàn bộ bằng gỗ lim nhưng do thời gian, ẩm thấp, mái ngói xô lệch, mưa dột nên những phần gỗ của ngôi đình đã hư hại khá nặng. Nhiều cột đình chân mối mọt, để bảo đảm an toàn, Ban Quản lý di tích đã phải thay bằng cột bê tông nối vào để chống đỡ. Các cấu kiện bằng gỗ như câu đầu, kẻ truyền, bẩy… đều bị long khỏi mộng, cong vênh nhiều chỗ, Ban Quản lý di tích đã phải trát tạm bằng xi măng để giữ. Những hàng gạch cửa đình, nơi giữ các cánh cửa bức bàn cũng long ra hàng mảng. Mặc dù ngôi đình cũng đã được ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện sửa chữa, như đợt gần đây nhất là vào cuối năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ 296 triệu đồng để thay toàn bộ mái, hoành, rui, đắp lại bờ nóc hậu cung 3 gian của đình nhưng cung đệ nhị và gian tiền tế hiện mỗi lần mưa to vẫn bị dột, nước đọng trên nền đình gây nên tình trạng mối mọt các cấu kiện gỗ ngày càng tăng. 

Ông Trần Huy Hồng, Trưởng ban Văn hóa xã Bồ Đề cho biết: Cán bộ và nhân dân trong xã mong muốn các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ tu bổ, tôn tạo đình Triều Hội để di tích cách mạng tiêu biểu này trường tồn với thời gian, tiếp tục phát huy vai trò, giá trị di tích, là niềm tự hào, là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng Tiếng trống Bồ Đề hơn 90 năm trước.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy