Những vần thơ hay về thầy, cô giáo

Ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tri ân, tôn vinh đội ngũ thầy cô giáo. Ai đã từng một thời cắp sách đến trường, dù đã trưởng thành, bôn ba trên khắp các nẻo đường nhưng mỗi khi nhớ về tuổi học trò, nhớ về trường xưa, thầy cô giáo cũ lòng lại thấy buâng khuâng, nhung nhớ. Đặc biệt, rời ghế nhà trường đã hàng chục năm nhưng có những bài thơ hay về thầy cô giáo được học từ thuở lên bảy, lên mười nhiều người vẫn còn nhớ... 

Những vần thơ hay về thầy cô giáo
Cô dạy các em làm quen với chữ cái.

“Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi/ Đáp lời “Chào cô ạ!”/ Cô mỉm cười thật tươi/ Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/Xem chúng em học bài/ Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho/ Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm mười cô cho” - Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, với thể thơ 5 chữ ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã khắc họa thành công hình ảnh cô giáo yêu và tận tâm với nghề qua bài thơ “Cô giáo lớp em”. “Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi” -  Hai câu thơ là lời kể hết sức tự nhiên, dung dị và chân thực của bạn học sinh nhỏ tuổi nhưng lại khiến trái tim người đọc thổn thức, lòng thấy nao nao. Chỉ với hai câu thơ thôi, bao thế học trò, bao thế hệ bạn đọc đều cảm nhận được sự tận tậm, tận lực, đầy trách nhiệm với nghề của thầy, cô giáo. Trời nắng hay trời mưa, mặc mưa dầm, nắng đổ... ngày nào thầy, cô cũng đến trường, đến lớp trước giờ để chuẩn bị tốt nhất cho từng buổi học. Yêu nghề, yêu học trò, thầy cô kiên trì cầm tay chỉ dạy từng nét chữ, kiên trì dạy các em tập đọc, ghép vần… Ngày qua ngày, được sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, từng nét chữ đẹp dần, giọng đọc cũng dần to, rõ ràng, mạch lạc hơn… Cứ như thế, năm nối năm, khởi đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất cô dạy, từ những “điểm mười” cô cho bao thế hệ học sinh dần khôn lớn trưởng thành. Bài thơ “Cô giáo lớp em” được rất nhiều thế hệ học sinh yêu thích, thuộc lòng và nhớ mãi dù một thời học trò đã rời xa theo năm tháng. 

Cũng viết về cô giáo, cũng là lời kể của một bạn học sinh nhỏ tuổi, nhưng bài thơ “Cô giáo với mùa thu” của nhà thơ Vũ Hạnh Thắm lại đưa bạn đọc trở lại miền tuổi thơ đẹp như miền cổ tích. “Cô giáo em/ Hiền như cô Tấm/ Giọng cô đầm ấm/ Như lời mẹ ru/ Cô giáo đưa mùa thu/ Đến với những quả vàng chín mọng/ Một mùa thu hy vọng/ Tiếng chim ca ríu rít sân trường”. Ở miền tuổi thơ đầy vô tư trong trẻo đó, hằng ngày, cô dạy em học, dạy em đọc với tấm lòng rộng mở, yêu thương, nhân hậu như “cô Tấm”, như người mẹ hiền. Nhận được sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, mỗi mùa thu chúng em tới trường, tới lớp sẽ là mùa thu của tình yêu thương, mùa thu của niềm hy vọng, mùa thu chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão, khát vọng tuổi thơ bay xa, vươn xa trên bầu trời tri thức... 

“Em nghe thầy đọc bao ngày/ Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà/ Mái chèo nghe vọng sông xa/ Bâng khuâng nghe tiếng của bà năm xưa/ Nghe trăng thở động tàu dừa/ Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời/ Thêm yêu tiếng hát nụ cười/ Nghe thơ em thấy đất trời đẹp ra”. Bài thơ “Nghe thầy đọc thơ” của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng là bài thơ được rất nhiều thế hệ học trò yêu thích và thuộc lòng. Sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, lời thơ mượt mà, sâu lắng, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khắc họa được hình ảnh người thầy đầy nhiệt huyết, say mê với việc truyền dạy kiến thức cho các thế hệ học trò. Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn dạy chúng em biết cảm nhận, biết yêu thương con người, cảnh sắc nơi làng quê. Nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của thầy, em dần khôn lớn, biết cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, thêm gắn bó, yêu thương với những người dân quê chân thật, hiền hành, chịu thương chịu khó... 

Tháng 11 đã về, ngày 20 đã kề cận, theo năm tháng, có rất nhiều vần thơ hay về thầy cô giáo được viết ra, nhưng những vần thơ viết về thầy cô giáo trong bài “Cô giáo lớp em”, “Cô giáo với mùa thu”, “Nghe thầy đọc thơ” vẫn được nhiều thế hệ học trò yêu thích và ghi nhớ. 

Trong cái nắng hanh vàng của những ngày chớm đông, các thế hệ học trò lại hẹn nhau về thăm lại thầy, cô giáo cũ để cùng toàn xã hội tri ân, tôn vinh những “Người lái đò” thầm lặng đã chắp cánh cho muôn vàn ước mơ tuổi trẻ bay cao, vươn xa.   

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.