Nguồn gốc lễ hội chạy ngựa làng Yên Trạch

Hằng năm, cứ vào 25 tháng Giêng, nhân dân làng Yên Trạch, xã Bắc Lý (Lý Nhân) lại tưng bừng tổ chức lễ hội. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được chiêm bái những lễ nghi thành kính mà còn được chứng kiến phong tục chạy ngựa nhằm ôn lại công lao của Triệu Việt Vương, vị anh hùng dân tộc có công trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương.

Theo truyền thuyết, làng Yên Trạch xưa kia là một vùng đầm lầy nằm cạnh sông Long Xuyên, thuộc vùng đất cổ được hình thành lâu đời do quá trình bồi đắp phù sa của sông Hồng. Năm Mậu Tý (1408), khi nơi đây còn là một bãi lầy sú vẹt hoang vu, cụ Trịnh Phát đem 20 người thuộc 8 dòng họ (Đào, Trịnh, Lê, Nguyễn, Trần, Ngô, Tống, Trương) từ Dạ Trạch, Khoái Châu (Hưng Yên) về khai khẩn vùng đất này, lập ấp An Triền. Sau khi ổn định cuộc sống, dân làng thấy làm ăn phát triển mới dựng nhà chính thức để ở, khi ấy tên làng cũng được đổi thành Yên Trạch và họ đã rước chân nhang thờ Triệu Việt Vương (được coi là vị thần đầm Dạ Trạch) về đây thờ phụng và suy tôn làm Thành hoàng làng.

Ngựa vàng tượng trưng cho Tả tướng quân tại lễ xuất quân trong lễ hội chạy ngựa làng Yên Trạch, xã Bắc Lý (Lý Nhân).

Triệu Việt Vương có tên húy là Triệu Quang Phục. Ông là một vị tướng tài của Lý Nam Đế có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc). Sau khi Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục xưng vương. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử (con cháu thuộc dòng họ Lý Nam Đế) đánh úp. Triệu Việt Vương đưa gia thế, binh lính chạy về phía Nam. Tuy nhiên, quân Triệu Việt Vương đi tới đâu cũng bị quân Lý Phật Tử đánh đuổi, theo sát. Đến ngày 25 tháng Giêng, khi đến cửa biển Đại Nha (cửa sông Đáy ngày nay), ông đã trẫm mình tự vẫn. Lễ hội chạy ngựa hằng năm ở làng Yên Trạch tái hiện hình ảnh đầy khí phách khi ông cùng ngựa trẫm mình xuống cửa biển Đại Nha.

Là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của làng nên mọi công việc đều được chuẩn bị rất công phu. Hằng năm, cứ ngày mồng 10 tháng Giêng, các cụ trong làng làm lễ “vào đám” hay còn gọi là lễ “giao đám”. Đây là lễ để các phe giáp nhận trách nhiệm làng giao, phục vụ cho việc tổ chức lễ hội. Sau lễ, các cụ trong làng sẽ đi đặt ngựa tre.

Theo tìm hiểu, cạnh làng Yên Trạch có thôn Văn Cống là thôn chuyên làm nghề đan lát và làm hàng mã. Các cụ cao niên trong làng sang thôn Văn Cống để đặt 3 cỗ ngựa chuẩn bị cho lễ hội. Gia đình được chọn để làm ngựa phải có kinh nghiệm, tay nghề cao và có phẩm chất đạo đức tốt được cộng đồng ghi nhận. 3 cỗ ngựa được đan bằng tre và được phủ ngoài bằng 3 lớp giấy màu, cao khoảng 1 mét. Thân ngựa được làm bằng cây tre dài khoảng 5-6 mét, óng, không có kiến, có ngọn sum suê để làm đuôi, còn cành tre chặt hết, phần gốc tre được gấp lên, bẻ cong để “đội” đầu ngựa.

Ngựa trắng tượng trưng cho Hữu tướng quân tại lễ xuất quân.

Đúng 6 giờ sáng ngày 25 tháng Giêng, 3 cỗ ngựa được “nghinh” ở sân đình ngay trước gian tiền tế. Sau khi thực hiện phần lễ thánh, đúng vào giờ Ngọ (từ 11-13 giờ), một cụ cao niên trong làng trong trang phục cổ (áo nâu, đầu chít khăn đỏ) đứng trước ban thờ đọc lễ khao quân. Lúc này, các thanh niên trong làng khỏe mạnh được tuyển chọn kỹ lưỡng đúng truyền thống “nữ trinh, trai tịnh” đứng cạnh một cụ cao niên trong làng cầm cờ hiệu của Triệu Việt Vương, chung quanh đầy đủ lương thực, vũ khí, cờ trống tạo khí phách sôi nổi cùng những vác mía, cỏ ngựa, dao, mác, gậy.

Khi bài văn tế kết thúc, lệnh tẩu mã (tức chạy ngựa) được phát ra. Hiệu lệnh vừa phát, trống chiêng nổi lên, các cỗ ngựa chạy 3 vòng quanh sân đình với mục đích vái lễ thần, sau đó chạy ra ao đình tiếp tục chạy 3 vòng trước khi lần lượt được ném xuống ao vào đúng 12 giờ trưa (chính Ngọ). Sau khi ném xuống ao, toàn bộ những thành viên trực tiếp tham gia lễ chạy ngựa quay trở lại đình thắp hương, báo cáo Thành hoàng làng đã hoàn thành nhiệm vụ và được các cụ cao niên trong làng ban lộc. Ngày 26, dân làng tiếp tục thực hiện một nghi lễ quan trọng với nhà nông đó là lễ tế Thần nông.

Các nghi lễ truyền thống của lễ hội được người dân địa phương giữ gìn và phát huy.

Tại lễ hội làng Yên Trạch, bên cạnh việc chuẩn bị cỗ ngựa là chuẩn bị các loại bánh, lương thực của quân lính Triệu Việt Vương gồm có bánh giầy, bánh cốm, bánh xu xê (bánh phu thê). Các loại bánh này đều được làm từ nông sản của địa phương như gạo nếp ngon, đỗ xanh, lạc, đường. Cùng với đó là các loại vũ khí như quả đạn làm bằng gạo nếp rang rồi tẩm với đường tạo thành hình của đạn pháo; con quăng là những đoạn mía dài 45-50cm được bó thành từng bó; cỏ được dùng là lá mía, bó vào để mang vác.

Ông Đỗ Đức Định, một cao niên trong làng cho biết: Việc duy trì tổ chức lễ hội hằng năm không chỉ để người dân địa phương tưởng nhớ đến công lao của Triệu Việt Vương, Thành hoàng làng, cầu ngài phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân được khỏe mạnh, bình an, no ấm mà còn là điểm tựa để mỗi người con xa quê về với gia đình, tập hợp và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy