Nét độc đáo, cuốn hút du khách ở chùa Địa Tạng Phi Lai

Là một trong những cơ sở tôn giáo tin ngưỡng cổ kính, có bề dày lịch sử văn hóa, lại nằm trong cái nôi của vùng văn hóa Liễu Đôi (Thanh Liêm), chùa Địa Tạng Phi Lai được nhiều người biết đến, tìm về chiêm bái và ngắm cảnh. Nằm gọn trong vùng non xanh trầm tích Phi Lai, chùa Địa Tạng mở ra một không gian thiền tịnh đẹp mê lòng vạn du khách.

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Quang cảnh chùa ngày thường

Theo Bảo tàng Hà Nam, chùa Địa Tạng nằm bên dãy núi Khe Non xanh thẳm – một dãy núi nhỏ phía Bắc của sông Đáy, tên gọi dân gian là chùa Đùng, thuộc thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Đó là một ngôi chùa to, bề thế với hơn 100 gian

Chùa cũng có một tên khác gọi là chùa Ninh Trung, tên của ngôi làng. Theo truyền thuyết, nó có từ đầu thế kỷ thứ X, từng là nơi sinh sống của vua Trần Nghệ Tông, là điểm đến cầu tự của vua Tự Đức. Chính tên chùa ngày nay là do vua Tự Đức đặt với ý nghĩa sâu xa chỉ ngôi chùa thờ Bồ Tát Địa Tạng.

Tuy nhiên, trên thực địa, dấu tích về ngôi chùa và các tháp thuộc về quá khứ đều không còn tồn tại, có chăng chỉ là những dấu tích về vật chất, tức là các di vật trải qua thời gian, bị thiên nhiên, mưa lũ cuốn trôi xuống các khe suối nhỏ, rồi tích tụ lại ở những vùng trũng thấp.

Năm 2015, Đại đức Thích Minh Quang đã về tiếp nhận tu tạp xây dựng chùa và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai, tức là mảnh đất này ngài Địa Tạng  (một trong Tứ đại Bồ Tát là Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát thuộc tín ngưỡng Phật giáo Đông Nam Á, dùng pháp lực và lòng từ bi của mình để cứu độ những người bị sa vào địa ngục) thường xuyên đến, được ngài bảo hộ.

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Khu vực sân chùa.

Tháng 12 năm 2020, Bảo tàng Hà Nam cùng với đoàn cán bộ khảo sát của Viện Khảo Cổ học đã đến đây tìm hiểu, nghiên cứu bộ sưu tập hiện vật được phát lộ khi nhà chùa tổ chức các hoạt động xây dựng, tôn tạo chùa. Toàn bộ sưu tập có khoảng trên 500 hiện vật, gồm nhiều loại: vật liệu xây dựng (gạch, ngói, mảnh tháp, mô hình tháp,...), đồ dùng sinh hoạt (bát, đĩa, bình vôi, lọ hoa,...) có niên đại từ thời Trần (thế kỷ 13) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19), nhưng đậm đặc nhất, chiếm số lượng nhiều nhất là hệ thống các di vật của thời Trần (thế kỷ 13-14).

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, “Ở đây, chúng ta nhận ra được những dấu vết qua màu men, qua hoa văn trang trí thì thấy phần lớn thuộc về niên đại thời Trần, thế kỷ 13-14, nhưng vẫn không loại trừ nó xuất hiện những hiện vật tuy chưa thành hệ thống nhưng có niên đại Lý và một số nhỏ nữa có niên đại Lê. Tóm lại, chỉ qua những hiện vật như thế này cho thấy được cái khung thời gian tồn tại của nó cũng có nghĩa là cái khung tồn tại của địa điểm này, bắt đầu có nền móng từ thời Lý và còn kéo dài sự tồn tại đến thời Lê ở thế kỷ XV”

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Gạch trang trí hoa chanh thời Trần (Thế kỷ XIII - XIV).

Bước sang năm 2023, bắt đầu từ Tết Nguyên đán, chùa Địa Tạng thu hút một lượng phật tử, du khách khá đông ở khắp mọi nơi đến. Điều đầu tiên để lại cảm giác tự do, tự tại với mọi người chính là không gian chùa và cách phục vụ của nhà chùa. Du khách, phật tử dù đi bất kỳ phương tiện gì đến đây đều không phải mua vé vào tham quan, không mất tiền phí gửi xe …

Chị Nguyễn Thị Hiền, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đến chùa sáng 22/2 cho biết: “Chúng tôi đi ô tô gia đình. Từ Tết đến giờ chúng tôi đi nhiều nơi để du xuân rồi, nhưng đây có lẽ là điểm đến ấn tượng hơn cả. Chùa được xây dựng giữa một vùng non xanh, hoang dã, giữa một không gian mênh mông được bao bọc bởi những xóm làng hiền hòa của đồng quê chiêm trũng Hà Nam. Kiến trúc ngôi chùa rất tự nhiên, gần gũi và mang dánh nét truyền thống của chùa Việt”

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Du khách, phật tử vào chùa chỉ được đi trên những tảng đá.

Còn ông Dương Viết Đào, đến từ Hà Nội rất thích thú với phong cảnh chùa. Ông nói: “Tôi nghe người ta nói về chùa rất nhiều, hôm nay mới đến. Phải chọn ngày thường cho bớt đông. Nhưng không ngờ, phật tử và du khách đến đây vẫn đông như vậy. Tuy nhiên, ai đến đây cũng rất trật tự, quy củ và ý thức. Phải nói là chùa quá đẹp, mang không khí thiền tịnh và ấn tượng bởi sự hoang sơ mà gần gũi với nhân dân”.

Một nhóm du khách cũng đến từ Hà Nội bất ngờ trước vẻ đẹp thơ mộng của chùa Địa Tạng. Họ đi một vòng quanh chùa, lên núi thăm những ngọn tháp và ngắm nhìn những khe suối tự nhiên. Trở về khu vực Tam Bảo, họ chia sẻ với nhau về đôi tượng voi quỳ trước sân chùa với những lý lẽ và sự hiểu biết khác nhau. Nhưng theo Đại đức Thích Bảo Đăng, Phó trụ trì chùa Địa Tạng, việc đặt đôi voi ở ngoài, đôi rồng ở bên trong khu vực chùa, gọi là hai cặp long – tượng, hay còn gọi là Thạch – Trụ, với mong muốn vùng đất này sẽ xuất hiện những bậc trí tuệ, chân tu. Ngoài ra, với những thiết kế khéo léo, ngôi chùa dù có quy mô không lớn nhưng lại tạo những không gian quá đỗi an bình, bởi sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người; sự kết nối tinh tế giữa quá khứ và hiện tại bằng những mạch suối ngầm chảy dài theo năm tháng…

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Đại đức Thích Bảo Đăng lý giải: Chùa thiết kế như vậy không chỉ tạo tiểu cảnh cho đẹp mà sỏi trắng còn mang ý nghĩa của sự thiền định. Khi du khách dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên an yên, nhẹ nhàng hơn...

Điều thú vị nhất là phần sân dẫn người đi vào chùa được trải bằng sỏi màu trắng mà không phải là lát gạch đỏ như những cơ sở tôn giáo khác. Theo Đại đức Thích Bảo Đăng, những viên sỏi trắng mang bản chất cứng rắn, bền bỉ, trong sáng gợi ý nghĩa sâu sa trong lòng người về sự cố gắng, nỗ lực vượt qua. Nếu đứng trước cảnh vật này, con người sẽ tự có cảm giác thanh thoát, bỏ qua được những bộn bề, xô bồ của cuộc sống.

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Từ cửa Tam Bảo nhìn về phía trước chùa.

Một số du khách đến từ Ninh Bình cũng bất ngờ với cảnh đẹp của núi non, đồng ruộng Hà Nam. Họ không ngờ, đây chính là quê hương, nguồn cội của vua Lê Hoàn. Liêm Sơn là một trong số những xã thuộc vùng văn hóa Liễu Đôi. Trong lòng Liễu Đôi là những xóm làng cổ kính, trầm mặc, những phong tục tập quán, hội hè, sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm màu dân tộc.

Sử sách ghi lại, đại bộ phận đất đai vùng này trước kia đều chìm sâu dưới nước, chỉ có một số gò đống nổi lên giữa đồng, được con người tiếp tục bồi thêm, mở rộng thành nơi ở. Những làng xóm đầu tiên đều bắt đầu cắm chốt, trụ bám trên những đống cao ấy nên bây giờ sau những biến đổi của lịch sử, nhiều xóm làng ở đây vẫn mang những cái tên có tiếng “đống”, như: Đống Thượng, Đống Cầu, Đống Sấu. Đặc biệt, hầu như đại bộ phận di sản văn hóa của vùng đất này đều hướng vào một mũi nhọn: chống giặc xâm lược phương Bắc.

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Nhóm du khách đến từ Hà Nội, chiêm ngưỡng cảnh quan và tự tìm hiểu, lý giải bằng sự hiểu biết của mình về những vật thờ, kiến trúc chùa Địa Tạng.
Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Đôi voi quỳ trước cửa chùa mang ý nghĩa trấn đất, mong muốn vùng đất này sẽ xuất hiện những bậc trí tuệ, chân tu.

…Hòa mình vào dòng chảy của đoàn người đi du xuân, một ngày ở chùa Địa Tạng, cảm giác được gội rửa những ưu phiền của cuộc sống, được lắng nghe tiếng của tự nhiên, được hít thở không khí trong lành của đất trời với vọng về nghìn năm lịch sử.

Ngày thường ở Địa Tạng Phi Lai
Phật tử, du khách ra về trong an lành và hạnh phúc sau khi đến chùa...

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.