Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 – Thành công và những trăn trở

Ngày hội chèo với 27 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp diễn ra tại tỉnh Hà Nam đã khép lại. Với 14 ngày, hai buổi sáng - tối, sân khấu đỏ đèn đã mang đến một không gian văn hóa sôi động, nơi các nghệ sĩ, diễn viên, các thành phần sáng tạo được thể hiện mình, được “cháy” với đam mê nghề và làm nức lòng người hâm mộ chèo Hà Nam. Liên hoan thành công tốt đẹp, đã có nhiều nghệ sĩ, diễn viên và vở diễn được vinh danh, nhưng vẫn còn đó những trăn trở về nghề, về việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật chèo trong đời sống hiện nay.

PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 khẳng định: Thông qua 14 ngày đêm thi tài, điều dễ nhận thấy là dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam vẫn là những công trình mĩ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ở đó đã vang lên những bài ca về tình đời, tình người, tình nghề nghiệp sâu sắc, làm người xem được lớn hơn bản thân mình vốn có, được vươn cao hơn trong cuộc sống, để hướng tới những giá trị tốt đẹp cho bản thân. Do đó, có thể khẳng định 27 vở diễn của liên hoan là 27 bài ca về chân, thiện, mĩ của làng chèo Việt Nam.

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 – Thành công và những trăn trở
Tạo hình 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ trong vở chèo “Những vì sao không tắt” của Trung tâm VHNT Hà Nam. Ảnh: Bình Nguyên

Với đề tài phong phú, đa dạng về nội dung, phần lớn các nghệ sĩ đều hướng tới kết cấu tự sự, kịch tính, trữ tình và có hậu với thủ pháp miếng trò nối tiếp miếng trò, tả thực gắn với ước lệ tạo cho các vở diễn đa dạng sắc màu. Các tác giả đã đắm mình vào trong cuộc sống, từ đó trăn trở, suy tư về cuộc sống để tạo ra những hình tượng đậm tính hiện thực, hữu ích cho khán giả. Từ những tác phẩm, các đạo diễn đã tạo nên nhiều vở diễn chỉn chu, hoành tráng. Cùng với đạo diễn, các họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa đã có nhiều sáng tạo. Các nhạc sĩ sáng tạo theo thủ pháp ca truyền thống kết hợp với ca cách tân, cùng dàn nhạc đa âm thanh, đa nhạc cụ, thể hiện được không khí, tình cảm, tiết tấu của tác phẩm. Cũng theo hướng cách tân, các biên đạo múa đã kết hợp giữa múa dân gian với múa hiện đại vào những lớp mở màn hay kết vở, phù hợp âm nhạc, tạo được cảm xúc của nhân vật cũng như cảm thụ của khán giả.

Nhưng bên cạnh những điều đã làm được của Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, theo dõi khá kỹ các vở diễn với vai trò Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan, PGS, TS Trần Trí Trắc vẫn có những trăn trở, ông cho biết: Trước hết về tác giả, tuy xuất hiện những gương mặt mới, nhưng đội ngũ biên kịch chưa đông, chưa mạnh nên qua 14 ngày đêm biểu diễn chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có tích hay, trò lạ, hình thức mới mẻ. Nhiều vở diễn kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu, thiếu giao đãi nhân vật giữa các tuyến. Nhiều vở mang phong cách “kịch cắm ca” vì phần lớn các vở bị chuyển thể từ kịch nói sang chèo nên chất kịch khó thay đổi. Đối với diễn viên, vẫn còn không ít diễn viên mắc những lỗi trong diễn xuất, trang phục và đạo cụ. Chúng tôi quan niệm trong sáng tạo không có chủ nghĩa đề tài, nhưng ở liên hoan lần này, chúng tôi thấy các vở diễn chưa mang đề tài đương thời mà đều mang đề tài thuộc về quá khứ. Tất nhiên, thể hiện đề tài cuộc sống đương thời đối với chèo là khó, nhưng các vở diễn mang đề tài đương thời rất cần thiết để các nghệ sĩ xứng danh là những “thư ký thời đại” và sẽ là giải pháp quan trọng cho chèo có được khán giả của mình.

Tuy còn không ít trăn trở về nghề, về việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống sôi động và chuyển dịch ngày nay, nhưng một trong những điều làm nên thành công của Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 là khán giả và đặc biệt là khán giả Hà Nam vẫn còn rất mê chèo, mê xem hát chèo. Với 27 vở diễn, không buổi nào vắng khán giả. Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam hơn 1.000 chỗ ngồi nhưng những buổi diễn ít nhất cũng kín 700 – 800 chỗ ngồi. Đặc biệt, có những buổi diễn, có tới gần 1.200 khán giả đến xem khiến Ban tổ chức phải bố trí thêm ghế nhựa. Có được lực lượng khán giả đông đảo bên cạnh những người yêu chèo, yêu nghệ thuật truyền thống còn chính là chủ trương đào tạo khán giả theo hình thức “sân khấu học đường” của lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Đó là, các em học sinh, sinh viên của các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh sẽ lần lượt được đến xem chèo và đây được coi như là một trong những hoạt động ngoại khóa của các em. Các trường THPT như: Lý Thường Kiệt; A, C Kim Bảng; A, C Bình Lục; C Thanh Liêm; Lê Hoàn, Lý Nhân…; Trường Đại học Thương mại, Cao đẳng Y tế Hà Nam… đều có khoảng 300 em học sinh, sinh viên đến xem cổ vũ cho các nghệ sĩ. Cùng với đó còn có hơn 600 câu lạc bộ, điểm, nhóm dân ca và chèo với hàng ngàn hội viên trên địa bàn tỉnh, đây cũng là lực lượng khán giả đến xem khá đều vì họ hiểu và yêu mến nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Mỗi buổi biểu diễn đều có từ 120 – 150  hội viên của các câu lạc bộ đến xem.

Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cũng là lực lượng khán giả đông đảo của nhiều vở diễn. Trước khi Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có nói: Chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi. Trong thời đại phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức liên hoan là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể của chèo và khán giả chính là một phần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa chèo… Mong muốn đó đã được đáp ứng bởi đông đảo khán giả Hà Nam dành cho cả 27 vở diễn của liên hoan.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.