Giữ gìn, phát huy giá trị đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến

Những đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến (gồm: đài chiến thắng, bia căm thù, bia ghi danh sự kiện...) phân bố rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh đều gắn liền với một số sự kiện, giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của đảng bộ, nhân dân và các LLVT Hà Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tiếc rằng, nhiều năm nay, những công trình này chưa được quan tâm gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị vốn có, nhất là giá trị về lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, giáo dục truyền thống quê hương.

Giữ gìn phát huy giá trị đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến
Cảnh tượng nhếch nhác tại Đài Chiến thắng Bốt Quắn (Hưng Công, Bình Lục).

Trong số đài bia ghi danh lịch sử gắn liền với những di tích, sự kiện lịch sử kháng chiến của đảng bộ, nhân dân và LLVT trong tỉnh có thể kể đến một số đài bia tiêu biểu, như: Đài Chiến thắng Bốt Quắn (Chợ Quắn, Hưng Công, Bình Lục); Bia Chiến thắng Ngô Khê (Bình Nghĩa, Bình Lục); Bia Chiến thắng, Bia Căm thù Cống Vùa (Xuân Khê, Lý Nhân); Bia Căm thù (Kim Thượng, Kim Bình, Phủ Lý)… Những đài bia có quy mô kích thước và thời điểm xây dựng lần đầu khác nhau (một số đã từng được nâng cấp, trùng tu, tôn tạo), từ lâu đã trở thành công trình biểu tượng ghi dấu tội ác dã man của quân xâm lược gây ra với nhân dân, ghi dấu những chiến công, thành tích của quân dân các địa phương trong kháng chiến, có tác dụng cổ động trực quan và giáo dục lịch sử truyền thống quê hương.  Tuy nhiên, điều đáng buồn là một số năm gần đây những “địa chỉ lịch sử văn hóa” trên lại đang rơi vào tình trạng không thuộc trách nhiệm quản lý của một ngành chuyên môn nào. Phần lớn hệ thống văn bia hoặc do các địa phương dựng lên, hoặc do một số đơn vị bộ đội chủ lực, nhóm cựu chiến binh… vì nặng nghĩa tình với mảnh đất đã từng cưu mang, đùm bọc, nặng ân nghĩa với những người dân, với những đồng đội đã dũng cảm hy sinh mà tìm về “chiến trường xưa” cùng chính quyền địa phương dựng lên đài bia ghi danh, ghi nhớ... Chính vì thế, theo thời gian, dưới tác động của khí hậu và những điều kiện ngoại cảnh khác nên hàng loạt đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến rơi vào tình trạng xuống cấp, cảnh quan đìu hiu, nhếch nhác. Bia Căm thù (Kim Thượng, Kim Bình, Phủ Lý) ghi dấu tội ác của không quân Mỹ gây ra với nhân dân và LLVT địa phương trong thời kỳ chiến tranh giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, được dựng lên bên triền đê Tả Đáy, không gian thoáng rộng, gần kề trục đường giao thông chính, nhiều người qua lại nên phát huy tác dụng rất tốt trong công tác giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, công trình này không được tôn tạo, sửa sang, thăm viếng, rơi vào tình cảnh gần như trở thành phế tích.

Tương tự như vậy, Đài Chiến thắng Bốt Quắn (Chợ Quắn, Hưng Công, Bình Lục) ghi danh chiến công của LLVT Hưng Công và bộ đội chủ lực tại trận đánh bốt Quắn trong kháng chiến chống Pháp, được dựng lên ở vị trí ngã tư đường khu vực trung tâm xã. Nhiều năm trước đây đài bia được chính quyền địa phương coi sóc chu đáo, cảnh quan sạch sẽ, trang nghiêm. Một số năm gần đây, do các loại dịch vụ quanh khu vực phát triển, nhiều chủ hàng chiếm dụng diện tích liền kề đài bia làm chỗ bán hàng khiến cho cảnh quan của công trình này trở nên nhếch nhác với đủ thứ biển hiệu quảng cáo, mái che, sạp hàng, dây chăng… Bia Chiến thắng Ngô Khê (Bình Nghĩa, Bình Lục), ghi danh sự kiện lịch sử “Trận tiêu diệt vị trí Ngô Khê”, ngày 11/12/1951, nhân dân và LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tập kích một vị trí đóng quân của giặc Pháp, diệt 50 tên, bắt sống 70 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Lớp sơn quét bên ngoài đài bia lâu ngày không được thay mới, khiến diện mạo đài bia loang lổ vết rêu mốc. Không biết từ bao giờ một mảng tường bao quanh đài bia đã bị sụp đổ, chưa được phục dựng, sửa chữa. Liền kề phía sau đài bia là một cửa hàng cơ khí với đủ thứ vật liệu, phế loại bừa bãi, ngổn ngang, trông rất phản cảm.

Theo ý kiến của Đại tá Nguyễn Văn Đúng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hệ thống tượng đài, bia ghi danh lịch sử kháng chiến là những công trình rất có giá trị cả về khía cạnh lưu giữ tư liệu lịch sử, cả về khía cạnh tuyên truyền, cổ động trực quan trong giáo dục truyền thống. Vì vậy rất cần có sự thống nhất trong phân cấp quản lý cũng như thống nhất trong công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương lập hồ sơ về hiện trạng, đưa vào quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị. Cũng theo ý kiến của Đại tá Nguyễn Văn Đúng, cùng với việc khẩn trương thống kê số lượng, khảo sát hiện trạng và triển khai biện pháp bảo vệ, trùng tu, tôn tạo những đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến đã có, ngành chức năng cũng cần phối hợp nghiên cứu xây dựng đài bia ghi danh lịch sử tại một số địa phương trong tỉnh. Hiện nay trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh còn khá nhiều địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử rất cần được dựng bia ghi danh, để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Đó là địa danh lịch sử thôn Đức Bản (Nhân Nghĩa, Lý Nhân) nơi ghi dấu tấm gương hy sinh vô cùng dũng cảm của 32 cụ già, thanh thiếu niên quyết bảo vệ bí mật cơ sở cách mạng. Đó là vùng đất Chanh Chè (Thanh Tâm, Thanh Liêm) với trận “Chiến thắng Chanh Chè” lịch sử trong kháng chiến chống Pháp… Và còn nhiều những địa danh lịch sử cần được ghi danh để thế hệ nối tiếp hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử quê hương, từ đó thêm tự hào về truyền thống, thêm trân quý giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do hôm nay.

Giá trị của những công trình đài bia ghi danh lịch sử kháng chiến thì đã rõ. Vấn đề còn lại là để có thể thống nhất về quản lý, định hướng trong công tác giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị vốn có từ những “địa chỉ lịch sử, văn hoá” này rất cần sự tham mưu tích cực của cơ quan chuyên môn cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.