Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ, qua trò chơi còn giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, tạo sự hòa đồng, biết nhường nhịn nhau.

Có mặt tại Trường THCS Nam Cao, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân), sau tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi, học sinh từ các lớp ùa ra sân trường tham gia vào các trò chơi dân gian thật đông vui, náo nhiệt. Mỗi khoảng sân trường đều xuất hiện những nhóm học sinh quây quần bên nhau để chơi những trò chơi dân gian mà mình yêu thích. Phía góc sân này là một nhóm học sinh chơi trò ô ăn quan, cá ngựa, ở góc sân bên kia một nhóm chơi trò bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, nhóm khác thì lại chơi trò nhảy dây, kéo co... Những trò chơi này đều có tính tập thể cao, giúp các em học cách chia sẻ trong cuộc sống, rèn luyện kỹ năng tự tin, linh hoạt, nhanh nhẹn. 

Em Nguyễn Ngọc Phương Hà, học sinh lớp 7B chia sẻ: Em rất thích giờ ra chơi và cảm thấy rất vui vì em được vui chơi cùng các bạn những trò chơi dân gian hấp dẫn. Còn em Nguyễn Hoàng Linh, học sinh lớp 8A cho biết: Em thích nhất là trò chơi ô ăn quan. Trò chơi này mang tính trí tuệ, buộc chúng em phải suy nghĩ, tính toán.

Học sinh Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân) chơi trò chơi ô ăn quan.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm trước đây, khi mỗi giờ ra chơi nhà trường thường tổ chức cho các em tập thể dục giữa giờ. Tuy nhiên, từ năm học 2012-2013, nhà trường bắt đầu đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa và giờ ra chơi. Việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường góp phần giải tỏa cho học sinh sau mỗi giờ học căng thẳng, giúp học sinh đoàn kết, gắn bó, qua đó rèn luyện thể chất, tính linh hoạt cũng như giáo dục kỹ năng sống, nêu cao ý thức quý trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các cuộc thi trò chơi dân gian giữa các lớp nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Còn tại Trường Tiểu học xã Thanh Lưu (Thanh Liêm), việc đưa trò chơi dân gian vào mỗi giờ ra chơi và các hoạt động ngoại khóa được ban giám hiệu nhà trường áp dụng từ năm học 2015-2016 với các trò chơi như kéo co, nhảy dây, chơi lò cò, đánh đáo. Từ đó đến nay, mỗi giờ ra chơi sân trường như một ngày hội do các em học sinh tạo nên. 

Cô giáo Đỗ Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đây hỏi em nào cũng không biết trò chơi dân gian. Nhiều em chỉ biết điện thoại, game, tivi. Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm rèn luyện kỹ năng sống cần thiết cho học sinh như tính đoàn kết, tập thể, sự linh hoạt, khéo léo, tránh xa các trò chơi bạo lực trong các thiết bị điện tử.

Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ, qua trò chơi còn giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, tạo sự hòa đồng, biết nhường nhịn nhau. Thông qua những phút giây vui chơi thoải mái, lành mạnh, sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập, sống hồn nhiên hơn cùng nhau xây dựng môi trường học tập thân thiện. 

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường còn giúp các em tránh xa những trò chơi có tính bạo lực gây hậu quả về sức khỏe, tinh thần. Trò chơi dân gian còn giúp cho các em có nhận thức đúng hơn về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó biết bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy