Độc đáo tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn

Văn hóa Hà Nam do nhiều tiểu vùng văn hóa tạo thành, trong đó nổi bật nhất là tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn.

Xã Đọi Sơn xưa sau sáp nhập thành xã Tiên Sơn nay thuộc thị xã Duy Tiên. Núi Đọi nằm trên địa bàn Đọi Sơn, được thiêng hóa, được chọn là biểu tượng của Hà Nam.

Núi Đọi thiêng bởi nơi đây được người Việt cổ chọn làm nơi tụ cư; là vùng đất nằm trong nền văn minh rực rỡ - văn minh Đông Sơn với thời đại của các vua Hùng. Đất đồng Đọi Sơn ở thế kỷ thứ X đã được nhà vua đầu tiên triều Tiền Lê chọn cày ruộng Tịch điền – một lễ hội nông nghiệp cổ nhất còn giữ được đến ngày nay.

Trên đỉnh núi Đọi, văn bia Sùng Thiện Diên Linh nói về việc xây chùa Đọi của các nhà vua triều Lý vẫn còn, chân móng tháp Sùng Thiện Diên Linh và các cổ vật mang đậm dấu ấn tâm linh triều Lý cũng đã phát lộ… Tất cả đã chứng minh cho sự  độc đáo về tiểu vùng văn hóa này.

Độc đáo tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn
Cổng tam quan chùa Long Đọi Sơn.

Tìm hiểu từ các tư liệu tại Bảo tàng tỉnh, được biết cách nay trên 2.000 năm, Đọi Sơn đã trở thành điểm tụ cư của người Việt cổ. Tại di chỉ Đọi Sơn, các nhà khảo cổ phát hiện được nhiều sọ người còn khá nguyên vẹn.

Qua nghiên cứu, kết quả khẳng định họ là chủ nhân của nền văn minh Đông Sơn. Năm 1984, dưới chân núi Đọi, các nhà khảo cổ học tiếp tục phát hiện được rất nhiều mộ cổ, trong đó độc đáo nhất là các ngôi mộ thuyền. Đồ tùy táng chôn theo người chết trong các ngôi mộ đó là đồ đồng Đông Sơn muộn. Hiện những đồ đồng như: giáo, rìu, mũi lao, dao gặt, nhíp gặt lúa, dọi xe chỉ, một số quan tài hình thuyền… được Bảo tàng tỉnh bảo quản, lưu giữ. 

Sau khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý đã sớm ý thức đến ngọn núi Đọi – ngọn núi án ngữ phía nam kinh thành Thăng Long, bởi theo ý nghĩa phong thủy núi Đọi trấn giữ bảo đảm cho Thăng Long vững mạnh. Vì vậy, năm 1118 chùa Long Đọi - tên chữ là Diên Linh tự được vua Lý Nhân Tông cho khởi dựng lại, xây ngôi bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh đã làm cho núi Đọi càng trở nên một vùng linh sơn, linh địa.

Cảnh chùa được miêu tả trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Đọi hiện lên như một đại danh lam: “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng dòng sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng. Bên hữu khống chế bình nguyên trông tới lũy cũ Càn Hưng. Bên tả men theo sông nhỏ, quanh Hán thủy để ra khơi”. Thời đó, chùa Đọi được coi là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Nơi đây còn là hành cung của nhà Lý ở miền Sơn Nam. Chùa cũ, tháp cũ còn lại nhiều dấu tích, chùa mới đã được xây dựng lại, đến nay vẫn là một trong những trung tâm Phật giáo của Hà Nam.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể hữu hình, những di sản văn hóa phi vật thể ở vùng Đọi Sơn cũng vô cùng độc đáo. Đó là lễ hội Tịch điền – lễ hội nông nghiệp cổ xưa nhất Việt Nam. Lễ Tịch điền ở nước ta cử hành đầu tiên vào thế kỷ thứ X thời Tiền Lê bởi Lê Hoàn – vua Lê Đại Hành. Ông đã chọn miền đất ruộng ở chân núi Đọi của Hà Nam cũng là quê cha đất tổ làm nơi tiến hành nghi lễ Tịch điền – mở sá cày đầu tiên cho dân vào vụ đầu năm. Với ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, các triều đại sau đều noi theo phong tục vào đầu xuân duy trì nghi lễ Tịch điền.

Điển hình tiếp nối ngay sau nhà Tiền Lê, nhà Lý không chỉ cày Tịch điền còn lập đàn Xã Tắc (đàn tế thần Đất và thần Nông – hai vị thần của nền văn minh lúa nước), tổ chức hội chọi trâu cầu được mùa, kinh lý xem dân gặt lúa… Sau một thời gian gián đoạn, năm 2009, Lễ hội Tịch điền đã được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng. Lễ hội hằng năm diễn ra ngay cánh đồng dưới chân núi Đọi, nơi vào mùa xuân năm 987 vua Lê Đại Hành đã đi những sá cày đầu tiên mở ra một lễ hội khuyến nông sâu sắc với ý nghĩa “Dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc).

Độc đáo tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn
Bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn. Ảnh: T.L

Gắn với chùa Đọi là lễ hội chùa Đọi, một lễ hội Phật giáo lớn trong vùng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hằng năm, thu hút hàng nghìn Phật tử và du khách bốn phương về lễ bái, vãng cảnh chùa. Lễ hội chùa có các nghi thức rước kiệu, rước nước, tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn trời Phật, tưởng nhớ các vị vua Lý những người đã có công mở mang xây dựng chùa, tháp. Về phần hội, có nhiều trò chơi dân gian và các giải thể thao quần chúng. Lễ hội chùa Đọi đã góp phần tôn thêm sự linh thiêng của núi Đọi để sông Châu – núi Đọi mãi là biểu tượng của Hà Nam.

Bia Sùng Thiện Diên Linh cùng thời với bảo tháp và chùa Diên Hựu là tấm bia cổ nhất nước ta. Bia Sùng Thiện Diên Linh được tạo tác để khắc bài bi ký của Thượng thư Nguyễn Công Bật phụng soạn theo chỉ dụ của vua Lý Nhân Tông. Nội dung văn bia ca ngợi công lao, tài trí của vua Lý Nhân Tông trong việc cai trị, xây dựng, kiến thiết đất nước, đánh giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, ca ngợi cuộc sống thanh bình, kể lại việc vua Lý Nhân Tông cho xây chùa Long Đọi và bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, mô tả ngày khánh thành chùa, tháp. Mặt sau bia còn ghi việc Thái hậu Phù Thánh Linh (tức Ỷ Lan phu nhân – mẹ đẻ vua Lý Nhân Tông) đã cúng vào chùa 72 mẫu ruộng là ruộng đèn nhang và bài thơ cùng mấy lời tựa của vua Lê Thánh Tông.

Với những giá trị vô cùng quý giá và độc đáo như trên, tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn với điểm nhấn là chùa Đọi cùng toàn bộ khu vực bao quanh đã được tỉnh Hà Nam quy hoạch là điểm du lịch của tỉnh. Hiện tại, nơi đây các loại hình du lịch như du lịch lễ hội, du lịch tâm linh và du lịch làng nghề thu hút khá đông du khách đến tham gia và trải nghiệm. Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, tới đây đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp khảo cổ học để tìm hiểu sâu hơn nữa về những trầm tích văn hóa còn nằm sâu trong lòng đất trên đỉnh núi Đọi để giúp hậu thế hiểu rõ hơn nữa về tiểu vùng văn hóa độc đáo Đọi Sơn.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.