Đình Cẩm Du

Cẩm Du là mảnh đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, nằm trong vùng đồi núi Thanh Liêm mà xa xưa người Việt cổ đã từng định cư. Cẩm Du trước thuộc xã Thanh Lưu, nay là tổ dân phố Cẩm Du thuộc thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm).

Đình Cẩm Du nằm ở chân núi Miễu, trước kia nơi đây là rừng cây rậm rạp, từng là căn cứ luyện quân của vua Lê Đại Hành cùng các tướng Huyền Minh, Nguyễn Minh (còn gọi là Quang Minh) thời Đinh-Lê. Đình Cẩm Du thờ vua Lê Đại Hành, Huyền Minh Đại vương, Quang Minh Đại vương và Nhữ Hoàng Đê công chúa (vợ Nguyễn Minh). Đây là những nhân vật lịch sử thế kỷ X có công lớn trong dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước; đánh bại giặc Tống xâm lược, giành độc lập cho dân tộc. 

Đình Cẩm Du
Đình Cẩm Du ngày nay.

Theo những tư liệu lịch sử còn lưu giữ tại đình: Xưa ở đất Trường Yên (vùng Hoa Lư, Ninh Bình) có ông Lê Lộc lấy bà Cao Thị Khương sinh được người con trai đặt tên là Hiền. Hồi đó quê hương mất mùa, gia cảnh túng thiếu, lại thêm trộm cắp nổi lên khiến ông bà phải bồng bế con tới vùng Bảo Thái, Thanh Liêm kiếm sống. Thấy địa hình nơi đây thấp trũng, lắm đầm hồ, sông ngòi, dễ bắt tôm cá, ông Lê Lộc làm nghề đơm đó để kiếm sống. Ông dựng một túp lều dưới chân núi để ở. Một hôm, tình cờ có con hổ nhỏ, sắc trắng tìm đến. Thấy hổ còn non, ông bèn cho ăn, dần dần tình cảm giữa ông và hổ trở nên thân thiết. Ông nuôi hổ, hổ giúp ông trông nom đó, đơm ở các khe suối. Ông còn dạy hổ không được hại người. Một hôm ông Lê Lộc đi đổ đó trong đêm ở khe núi Bông, hổ tưởng kẻ lạ đến lấy cắp đó nên đánh chết. Sau đó, hổ nhận ra sự nhầm lẫn bèn cõng ông về núi Cõi giấu xác (rồi mối đùn thành mộ), còn hổ bỏ đi nơi khác. 

Từ ngày cha mất, Lê Hiền bỏ vùng Bảo Thái vào miền trong làm ăn và lấy vợ họ Đặng. Ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu (941) bà họ Đặng sinh con trai khôi ngô tuấn tú. Ông bà cho là điều phúc trở lại với gia đình nên đặt tên con là Hoàn. Lê Hoàn có tư chất thông minh nhưng mới 7 tuổi cha mẹ đều mất, may nhờ có viên quan sát sứ họ Lê thương tình, thấy tướng mạo khác thường, hy vọng mai sau làm nên chuyện lớn, do đó chăm sóc cho Hoàn việc học hành và coi như con đẻ. Vốn thông minh, lại được cha nuôi tìm thầy về dạy dỗ nên ít năm sau Lê Hoàn đã am hiểu võ nghệ, binh pháp. Khi cha nuôi qua đời, tình hình đất nước rối ren, các phe cánh đánh lẫn nhau, Lê Hoàn quyết định trở về quê cũ thăm mộ ông nội theo lời cha mẹ dặn, đồng thời tìm hiền tài lo việc nước nhà. Về Bảo Thái, Thanh Liêm, Lê Hoàn mở lớp dạy chữ cho con em trong vùng, đồng thời tìm kiếm hiền tài kết bạn để mưu cầu việc lớn cho đất nước. Lê Hoàn biết Nguyễn Minh, Huyền Minh là người có ý chí đang luyện tập quân sĩ ở núi Voi, Thung Bằng thuộc Cẩm Du để mưu việc dẹp loạn thì mừng thầm, thường qua lại bàn bạc về cách luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo. Sau đó Lê Hoàn đã khuyên Nguyễn Minh, Huyền Minh cùng kéo quân từ Thanh Liêm vào Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Huyền Minh, Nguyễn Minh theo Lê Hoàn phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất nước nhà... Khi Lê Hoàn lên ngôi, Huyền Minh là tùy tướng giúp Lê Hoàn đánh quân Tống xâm lược, trong chiến đấu ông đã anh dũng hy sinh… 

Ghi nhớ và biết ơn công lao của các vị anh hùng, từ lâu đời, nhân dân Cẩm Du đã lập đền thờ các vị Lê Hoàn, Nguyễn Minh, Huyền Minh và Nhữ Hoàng Đê công chúa. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, của thời gian, ngôi đền cũ không còn. Với lòng thành kính đối với những người có công với dân, với nước, người dân Cẩm Du đã góp công, góp của xây dựng lên ngôi đình để thờ phụng. Qua nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, đình Cẩm Du ngày nay vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, trầm mặc với nhiều cây cổ thụ, cây lưu niên tỏa bóng mát. Đặc biệt, người dân đưa cả chùa Cẩm Du, phủ thờ Mẫu, đền thờ Đức thánh Trần về khu vực đình tạo thành một quần thể di tích, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. 

Ông Lê Văn Đáo, Tổ trưởng tổ dân phố Cẩm Du cho biết: Hằng năm, đình Cẩm Du mở hội vào ngày 14 và 15 tháng 2 âm lịch (2 năm tổ chức rước một lần). Trong lễ hội, người dân Cẩm Du tổ chức các nghi thức tưởng niệm các vị thành hoàng làng – những người có công trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, đem lại cuộc sống yên bình cho dân, cho nước. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp giáo dục các thế hệ tiếp nối về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha anh; qua đó động viên nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập, lao động sản xuất, góp công, góp sức xây dựng và đổi mới quê hương.

Ngoài lễ hội chính vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch, đình Cẩm Du còn có tục “lấy lửa” vào đêm giao thừa để cầu bình an, may mắn và thuận lợi trong năm mới. Ông Lương Quang Phấn, thủ từ đình Cẩm Du vui vẻ chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào đêm giao thừa, người dân có mặt tại sân đình rất đông. Đúng thời khắc giao thừa, thủ từ vào trong hậu cung xin lửa, sau đó truyền tay đưa ra ngoài sân đình. Người dân đã chuẩn bị sẵn đuốc xin lửa từ đình mang về nhà lấy may. Tục xưa cha ông để lại, bao năm qua, các thế hệ cháu con Cẩm Du luôn kế thừa, duy trì, bảo tồn và phát huy...  

Được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, những năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Cẩm Du luôn nêu cao ý thức trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích đình Cẩm Du. Với người dân Cẩm Du, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, góp phần làm đẹp cảnh sắc làng quê, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cha ông. Người dân Cẩm Du hôm nay nhận thức rõ, làm tốt công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đình làng chính là góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương tới các thế hệ mai sau.  

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy