Những ca khúc mang đậm niềm tự hào về nghề báo

So với một số ngành, giới khác, những ca khúc viết về nghề báo chỉ chiếm số lượng rất khiêm tốn, tuy nhiên, với các nhà báo nhiều thế hệ thì những ca khúc viết về “nghề nguy hiểm” cũng là rất đủ để mỗi người thêm tự hào, tự tin với cái nghề mình đã đam mê, theo đuổi.

Năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (Đà Nẵng) đã có món quà đặc biệt với báo giới bằng ca khúc mang tên “Tự hào nghề báo của tôi” (phổ thơ Thuận Hữu). Với nét nhạc chủ đạo tha thiết, trữ tình pha chút bùng nổ đầy ngẫu hứng ở cuối bài “Tự hào nghề báo của tôi” như làm đậm sâu thêm niềm tự hào, tự tin của những người làm báo với tờ báo của mình, với công việc làm báo mình đã chọn: “Tôi tự hào với nghề báo của tôi/ Ơi nghề báo đầy nhọc nhằn vất vả/ Ngày dài đêm thâu trải lòng trên con chữ/ Luôn cảm thấy mình mắc nợ với thời gian/ Tôi tự hào về đồng nghiệp anh em/ Cuộc đời phóng viên chân trời góc bể/ Thương bao đồng đội đêm đêm không nghỉ/ Để ngày mai trang báo đến tay người”. 

Những ca khúc mang đậm niềm tự hào về nghề báo
Tiết mục hát múa “Đảng cho chúng ta cả một mùa xuân” của Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020). Ảnh: TTXVN

Cùng chọn thủ pháp phát triển trên nền giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế, ca khúc “Nghề báo chúng tôi” (nhạc sĩ Ngọc Dương) lại có cách khắc họa rất ấn tượng, rất hình ảnh về sứ mệnh thiêng liêng của nghề làm báo: “Nghề báo chúng tôi, cây súng là cây bút/ Khối óc tinh thần là đạn, đường đạn ra đi chẳng hề cong/ Cây bút như cái cày trên ruộng, xới xáo gieo trồng, hoa thơm trái ngọt/ Bút là cán cân công lý, đo đếm cân đong, thêm thăng bằng…” và đây nữa: “Bút là ý thơ, là cả vầng trăng, lãng mạn mộng mơ, tin yêu cuộc sống/ Bút là trái tim, nghề báo, nghề báo chúng tôi, là niềm tin của nhân dân/ Bút là ý thơ, là cả vầng trăng lãng mạn mộng mơ, tin yêu cuộc sống/ Bút là trái tim, nghề báo, nghề báo chúng tôi, là niềm tin của nhân dân”.

Bên cạnh những ca khúc do các nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác, thật thú vị là còn có không ít những ca khúc viết về nghề báo do chính những nhà báo có “tay ngang nhạc sĩ” tự sáng tác và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với báo giới cũng như công chúng mộ điệu âm nhạc. Nhà báo, nhạc sĩ Xuân Nghĩa (Báo Sài Gòn Giải Phóng) là một trong số ít những nhà báo có tác phẩm âm nhạc về nghề báo từ khả năng “tay ngang” như vậy.

Ca khúc “Như hoa không tên” (viết năm 2010) của nhạc sĩ, nhà báo Xuân Nghĩa là một khúc hát trữ tình ngợi ca về những nhà báo luôn lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến, lặng thầm như loài hoa không tên đang từng ngày, từng giờ góp phần điểm tô cuộc sống. Có lẽ do là người trong nghề, làm nghề, nên nhà báo, nhạc sĩ Xuân Nghĩa viết về người trong nghề, viết về công việc làm nghề rất chân thực, tự nhiên như lời kể chuyện: “Giữa căn phòng, cô gái bước vào đám đông/ Bao vết loang bụi đường vẫn còn trên áo/ Cô gái âm thầm ngồi nơi cuối phòng/ Hỏi xung quanh về cuộc sống thăng trầm”.

Để rồi, thoắt đấy, anh lại như người của công chúng, thốt lên khi nhận ra: “Ôi tôi biết rồi, cô là người vừa viết tin sáng nay/ Bài viết chắt chiu từng nỗi niềm/ Về cuộc sống đổi thay theo mỗi ngày/ Bài viết nói thay từng số phận/ Vừa vượt qua từng giông tố thăng trầm/ Rồi hôm nay vẫn cây bút mọi ngày/ Quyển nhật ký viết chưa từng nhắc tên mình/ Tìm đến những nơi cần tiếng gọi/ Của con tim người làm báo chân thành”.

Và sự tự hào, tự tin, sự tôn vinh, ca ngợi của anh về nghề báo, về những con người làm báo cũng rất trữ tình, sâu lắng và đằm nặng ý nghĩa: “Như hoa không tên điểm tô bờ suối vắng/ Không lung lay dù gió táp và mưa gào/ Không kiêu sa khi bên cúc, lan, hồng/ Hòa mình vào mà không nhuốm thay màu/ Phải không cô, cô phóng viên xinh đẹp/ Dù sóng gió vẫn bước đi bằng chính mình/ Rồi sớm mai đây khi thức dậy/ Nhìn xung quanh kia cuộc sống đã chuyển mình”…

Thông qua “Như hoa không tên”, nhà báo, nhạc sĩ Xuân Nghĩa đã rất khéo léo, tinh tế gửi gắm vào ca khúc của mình những công việc, cùng nỗi vất vả, nhọc nhằn thầm lặng của người làm báo trong sứ mệnh chuyển tải nhanh nhất, kịp thời nhất những thông tin chân thực, sống động từ cuộc sống muôn màu đến với công chúng mỗi ngày.

Với “Khúc ca người làm báo”, nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Ninh (Cơ quan đại diện Đài Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) lại có cách biểu cảm về nghề báo theo một góc cạnh khác, rất duyên dáng và cũng rất ấn tượng: “Cùng nhau hòa nhịp sống với thông tin muôn sắc màu/ Cùng nhau ta chắp bút cho khát vọng muôn trái tim/ Vượt qua bao gian khó, chí không sờn, lòng vững bền/ Mãi sáng ngời với lý tưởng đường ta đi/ Vì nhân dân quên thân, vì đất nước ta tiến bước/ Ngòi bút sáng lấp lánh luôn ánh lên lời ca tha thiết trong lòng ta/ Biển xa ta đã đi, ngọn sóng thắm nét bút/ Đồng xanh ôi bao la, bao dấu chân của ta trên những con đường xa/ Dù mưa giông ta vẫn đi, dù bão tố ta vẫn đến/ Ngòi bút vẫn lấp lánh luôn ánh lên niềm tin/ Muôn trái tim chờ mong/ Bao khó khăn đường xa, ta quyết tâm vượt qua”. 

Hòa nhịp cùng “Khúc ca người làm báo”, những người làm báo như thấy thêm tự hào, tự tin hơn với nghề: “Dù mưa giông ta vẫn đi, dù bão tố ta vẫn đến/ Ngòi bút vẫn lấp lánh luôn ánh lên niềm tin/ Muôn trái tim chờ mong/ Bao khó khăn đường xa, ta mãi ngân lời ca, tự hào nhà báo Việt Nam”. Qua “Khúc ca người làm báo”, có lẽ những công chúng “ngoại đạo” sẽ có dịp hiểu rõ thêm về tính chất đặc thù, riêng có của nghề báo, về công việc của những người cầm bút vốn được coi là “chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá” đang lặng lẽ dấn thân trên mọi nẻo đường cuộc sống, chắp nối thông tin đến với mọi người, mọi nhà, chắp nối “ý Đảng” với “lòng Dân”.

“Em là phát thanh viên”, một sáng tác của nhà báo Y Jang Tuyn (Biên tập viên Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) lại khai thác vẻ đẹp của nghề báo, của những người làm báo ở một góc nhìn khác, đầy nghệ thuật và ngẫu hứng: “Em là phát thanh viên trên làn sóng đài/ Em là phát thanh viên làn sóng radio/ Mỗi sáng mọi người thức dậy/ Mỗi chiều mọi người tan ca/ Giọng em thánh thót như là chim hót/ Em là phát thanh viên trên làn sóng đài/ Em là phát thanh viên làn sóng radio/ Mỗi sớm từng bản tin ngày/ Mỗi chiều từng bài ca hay/ Là giọng em đó niềm vui của bao người/ Nắng mưa đêm ngày mà em vẫn đúng giờ/ Vào ca là niềm vui em yêu từ trái tim/ Thức dậy người nông dân/ Niềm vui anh lính trẻ/ Bạn đường anh lái xe an toàn những chuyến đi/ Khó khăn vất vả giọng em vẫn ấm nồng/ Niềm vui của riêng em là niềm vui bao người/ Tinh thần người công nhân/ Sinh viên bớt nhớ nhà/  Món quà em học sinh thêm nhiều kiến thức hay/ Nhờ giọng em kết nối/ Em là phát thanh viên”.

Chung dòng xúc cảm gửi vào tác phẩm âm nhạc, nhà báo, nhạc sĩ Trần Tuấn Dương (VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam) trong ca khúc “Dòng sông trên cao” (phổ thơ của nhà báo Tạ Toàn) lại dành nói về hình ảnh những cánh sóng phát thanh trên không trung, qua đó nói về niềm tự hào truyền thống lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như niềm tự hào của những người làm báo phát thanh: “Có một dòng sông, dòng sông trên cao/ Thanh bình như dòng sông quê mình/ Dịu dàng ru vành môi ngọt ngào/ Ru vần thơ theo gió, hòa nhịp cùng tiếng hát năm châu/ Có một dòng sông, dòng sông trên cao/ Ấm lòng người dân nước Việt/  Nhịp cầu nối muôn triệu trái tim/ Kiêu hãnh tự hào Tiếng nói Việt Nam...” trên nền nhạc nhẹ nhàng, da diết lúc mở đầu, để rồi mạnh mẽ dâng trào dần lên, vừa trữ tình sâu lắng, chất chứa tình yêu ở những khúc lắng trầm. Đây là những lời hát cất lên từ sự đồng cảm, từ một tình yêu chung của những con người đã gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như của sự nghiệp phát thanh trong giai đoạn bùng nổ thông tin hôm nay.

Trong số những gương mặt nhà báo bén duyên với lĩnh vực âm nhạc và có tác phẩm âm nhạc viết về nghề báo, không thể không nhắc đến nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp (Biên tập viên âm nhạc, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh). Với niềm đam mê âm nhạc, chị đã có riêng cho mình một album nhạc mang tên “Nụ hồng vàng” gồm một tập hợp các ca khúc mà chị phổ nhạc từ các tác phẩm thơ của các đồng nghiệp nhà báo, trong có ca khúc “Nghề báo tôi yêu”. “Tôi yêu nghề báo rất nhiều/ Nhọc nhằn thế nhưng đầy niềm vui/ Lòng thấy như mình mắc nợ/ Cùng thời gian bên trang báo thơm/ Yêu sao từng đêm không ngủ/ Để ngày mai báo ra thật sớm/ Nghề báo dẫu nhiều gian khổ/ Là bài ca phấn đấu không ngừng...”.

Như đã nói ở trên, dù số lượng không nhiều, nhưng những sáng tác âm nhạc về nghề báo đã và luôn là niềm tự hào, động viên thôi thúc các nhà báo thêm vững lòng, tự tin, không ngừng nỗ lực sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.