Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Hải: Vào vai là sống với nhân vật

Hẹn mãi, cuối cùng cũng gặp được Đại tá, Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Nguyễn Hải, người làm cho khán giả chẳng thể nào quên dù phim “Bão ngầm” đã kết thúc. Vì anh quá bận, tham gia nhiều dự án mới, dù đã nghỉ hưu. Xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  và NSND Nguyễn Hải. 

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Hải Vào vai là sống với nhân vật
Đại tá - NSND Nguyễn Hải trò chuyện với phóng viên Báo Hà Nam.

P.V: “Bão ngầm” vừa mới kết thúc. Chắc anh cũng nghe được nhiều ý kiến xung quanh bộ phim này đúng không?

NSND Nguyễn Hải: Có chứ! Ngay từ lúc khởi phát phim, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi, khen có, chê có. Thú vị lắm! Nhưng vẫn có thể khẳng định, đây là phim truyền hình về tâm lý điều tra, hình sự đáng ghi nhận nhiều mặt.

P.V: Họ chê anh thế nào?
NSND Nguyễn Hải: Thực ra thì vai diễn nào cũng có sạn! Vai của mình – Trần Như Tuất cũng còn rất nhiều sạn. Tôi hỏi thật, ở góc độ nhà báo, bạn sẽ chê tôi ở điểm gì?

P.V: Tiếng nói của anh khi vào vai Tuất ở một số chỗ nghe không rõ, buộc người xem phải căng tai chú ý xem nhân vật nói gì… Một số diễn viên vào vai công an như Thiếu tướng Hoạch, Đại úy Hải Triều, Hạ Lam… có nhiều chỗ gượng, lên gân quá!

NSND Nguyễn Hải: Cái này là lỗi thường gặp! Ý thức của diễn viên khi tham gia vai diễn thì phải xác định tính cách nhân vật, phải sửa lời thoại. Trong mối quan hệ giữa nghiệp vụ, pháp luật công an nhân dân với đời sống xã hội thì những người diễn viên vào vai công an luôn phải học hỏi, tham khảo ý kiến của bạn bè, anh em trong ngành công an, diễn làm sao các biện pháp nghiệp vụ công an phải mềm, phải nhuần nhuyễn, không làm cho khán giả hiểu là nghiệp vụ bị lộ, bị lố quá! Có những cảnh diễn sinh hoạt bình thường thì diễn viên lại quan trọng hóa, làm cho căng thẳng như khi đánh án, khán giả xem thấy không giống đời thực, vai diễn sẽ rơi vào tình trạng khô cứng hoặc sân khấu quá. Hải Triều là vai xuyên suốt, đánh, vào – ra tổ chức tội phạm dễ quá, ngon quá… em có thấy không? Có ý kiến khán giả cho rằng, nó được lý tưởng hóa theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Tất nhiên, mình đề cao vai trò của cán bộ, chiến sỹ, nhưng vẫn phải giữ nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước. Biên kịch khéo hơn một chút nữa, phim sẽ hay hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều. 

P.V: Nhiều tờ báo dẫn lời công chúng phản ứng chuyện xưng hô “mày – tao” của cán bộ, chiến sỹ công an trong phim. Anh nghĩ thế nào về chuyện này? 

NSND Nguyễn Hải: Để xây dựng hình ảnh công an đẹp thì cố gắng bỏ bớt những từ ngữ ấy đi, đừng lợi dụng. Nếu ở tình huống nào đó, vì bực quá, căng thẳng quá, chỉ cần nói “ông làm thế… ông như thế là không được!” thì nó lại khác. Nói làm sao để thể hiện được tâm lý là do bản chất con người buột ra, nhưng nhìn thấy sắc áo màu cờ thì buộc phanh lại. Như thế mới gọi là diễn hai mặt. Phải tinh mới làm được!

P.V: Với bản thân anh, có khi nào phải tự mình sửa lỗi đó không?

NSND Nguyễn Hải:  Có chứ! Tôi phải tự biên tập lại chứ! Có những câu như “thần cậy cây đa, cây đa cậy thần”, tôi buộc phải diễn vai của tôi như con kỳ nhông vậy, đổi màu, trước mặt lãnh đạo mặc quân phục công an, thái độ rất nghiêm chỉnh và nhã nhặn, nhưng khi ra khỏi cơ quan, ở vị trí của một kẻ đi buôn, một kẻ du côn, nó bộc lộ luôn. Bạn để ý không, từ cái lắc tôi đeo ở tay, cái đồng hồ cho đến cái điện thoại, mình phải chọn, tự hóa trang nhân vật của mình. Về hình thức, quần áo không thể hóa trang hết được, có chăng chỉ là lúc mặc dân sự thôi. Còn khi vai diễn là công an, chỉ là bộ quân phục thôi. Vậy nên, lúc mặc dân sự thì phải làm cho nó đúng một kẻ chợ giời, mang tính mafia nữa. Mọi người bảo tôi cắt tóc ngắn đi. Tôi đồng ý, nhưng tôi phải làm cho nó hơi xoăn đi tý để ra một kẻ có số phận trầm luân, vất vả, khi có thăng quan tiến chức cũng vẫn vất vả.

P.V: Tôi đọc báo, thấy anh chia sẻ, để vào vai này, anh phải thâm nhập thực tế trại giam 20 lần. Có cần thiết phải như thế không, nhất là với một nghệ sỹ có kinh nghiệm như anh?

NSND Nguyễn Hải: Tôi chuyên đóng vai phản diện thì tôi phải vào trại giam thường xuyên. Trong trại giam là một xã hội thu nhỏ. Tiếp xúc với tội phạm công nghệ cao nó khác với tội phạm giết người, tội phạm kinh tế. Không vào làm sao biết được tâm lý. Vì thế, khi tôi diễn vai phản diện, nhiều người nói rằng “anh ấy chẳng giống ai”…

Câu chuyện đánh ma túy xuyên suốt bộ phim “Bão ngầm”, nhưng xung quanh cuộc chiến là các mối quan hệ chồng chéo nhau, rất nhiều vấn đề phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Nó là cuộc chiến cam go, quyết liệt, không ngừng, luôn luôn phải đề cao cảnh giác. Trong cuộc chiến ấy, xương máu của anh em đồng chí đổ, thậm chí tình đồng đội cũng bị mất. Một số cán bộ, chiến sỹ không giữ được phẩm chất của mình, bản lĩnh của mình, “tự chuyển hóa”, biến chất. Con người thật khó vượt qua những cám dỗ vật chất ấy, thực tế, chúng ta đang chứng kiến sự tha hóa của cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực, các vị trí xã hội khác nhau. 

P.V: Mặc dù chuyên đóng vai phản diện, nhưng anh còn có một tâm hồn rất thơ, rất nghệ sỹ, một con người tự trọng cả trong cuộc sống và nghề nghiệp…

NSND Nguyễn Hải: Ở vai diễn nào, khi vào vai đều phải thăng hoa! Tôi đã từng nói, phải diễn thế nào để các đồng chí còn chức, đã nghỉ hưu, đồng đội của tôi, kể cả những người em không thể coi thường tôi được. Tôi diễn, tôi phản ánh trong hình tượng Trần Như Tuất, một nhân vật hội tụ rất nhiều con người trong đó, được điển hình hóa, không cụ thể là ai, nhưng tôi phải diễn làm sao để không phải cảm thấy xấu hổ vì đã bôi xấu họ. Làm nghề phải có lương tâm. Đặc biệt, mỗi nghệ sỹ phải là một nhà văn hóa. 

P.V: Trước đây, tôi còn nhớ, khi anh đóng vai Trịnh Khả trong “Chuyện làng Nhô” anh và gia đình đã phải đối diện với rất nhiều áp lực từ bên ngoài. Giờ thì sao, khi anh tiếp tục những vai diễn còn kinh khủng hơn cả Trịnh Khả, chẳng hạn như Lão Cấn trong “Quỳnh Búp bê”, Trần Như Tuất trong “Bão ngầm”…?

NSND Nguyễn Hải: Mỗi giai đoạn, các xáo trộn trong cuộc sống gia đình của những nghệ sỹ chuyên đóng vai phản diện như tôi có nét riêng. Con tôi bây giờ lớn cả rồi, tiếp nhận đầy đủ thông tin, nên luôn tự hào về bố. Nó hiểu rằng, nếu bắt bố phải đóng vai chính diện thì đạo diễn nào mời đây? Vợ tôi thì chả ghen tuông gì đâu, thế nhưng mỗi lần tôi đóng những phim có cảnh này nọ, về nhà, mợ ấy kéo vào nhà vệ sinh, dí vào tay bánh xà phòng camay, nửa đùa nửa thật “thế đã rửa tay chưa?”.  Tôi bảo cô ấy: “Anh rửa hết rồi, mỗi tim chưa rửa!”. Đấy là động thái mà một nghệ sỹ cần phải làm để yên ổn gia đình.

Đọc kịch bản “Quỳnh Búp bê”, tôi phải mất 10 ngày thuê một phòng karaoke trên Đường Triệu Việt Vương, ngày nào cũng dắt cả nhà, cả bạn bè, họ hàng đến đây, 15, 16 người ý, đi từ 14h đến 0h30. Mọi người cứ ngồi đó hát thoải mái, cứ ăn uống, tôi trả tiền. Còn mình thì ra cửa nhà vệ sinh ngồi bệt xuống đó và nghe được đầy đủ những âm thanh vọng ra từ trong nhà vệ sinh. Từ đồng tiền bo cho các cô gái phục vụ trong quán rơi ra từ áo ngực, các cô ấy tìm không thấy liền chửi. Chửi hay đến mức không tưởng tượng được! Và những chuyện xảy ra ở phòng nam, những chiêu trò của gã chủ quán ăn chặn tiền của các cô phục vụ khi họ bị chuốc rượu say… nên tôi hiểu được mình vào vai phải thế nào. Tôi đóng vai lão Cấn – một tay chủ quán karaoke trá hình, kịch bản bắt tôi phải “xơi” cả 3 đứa: My sói, Quỳnh búp bê và Lan Cave… nhưng tôi phải giữ thân, giữ mình, không làm theo kịch bản đấy được. Để nhân vật có giá trị hơn, hay hơn, tôi biến lão Cấn thành tay “bất lực”, có của để ăn mà không ăn được mới cay đắng, mới làm người xem nhớ chứ! Sáng tạo là thế đấy!
Sau này, một số tay chủ quán karaoke ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… gọi cho tôi, nửa đùa nửa thật, đặt vấn đề thuê tôi đào tạo gái cho họ, họ trả tôi 300 triệu đồng/tháng! (cười...). 
Nói tóm lại thế này, với tôi, vào vai là sống với nhân vật chứ không phải là đóng phim, diễn kịch. Đã là nghệ sỹ, phải luôn có ý thức lao động và sáng tạo. Yêu cầu của nghệ thuật là luôn luôn mới, lạ, tạo được hiệu ứng văn hóa. Đừng nghĩ là đóng vai phản diện là không cần hiệu ứng văn hóa nhé!  Nó là một thông điệp cảnh tỉnh cho con người, cho xã hội, đừng tham tiền, tham quyền, đừng gây mất đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ bè phái. 

P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này! 

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.