Nét văn hoá, tín ngưỡng độc đáo của người Tày qua kiến trúc và cách bài trí ở đình Tân Trào

Đình Tân Trào (Tuyên Quang) từ lâu đã được biết đến là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội – tiền thân của Quốc hội nước ta hiện nay. Ngoài mang trong mình giá trị lịch sử vô cùng trọng đại, đình Tân Trào còn thể hiện nét văn hoá, tín ngưỡng độc đáo của người dân nơi đây thông qua kiến trúc và cách bài trí ở trong và ngoài ngôi đình.

Hướng dẫn viên Khu du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào giới thiệu về đình Tân Trào cho du khách. Ảnh Việt Hoà (Báo Tuyên Quang)

Trước đây đình Tân Trào còn có một tên gọi khác là đình Kim Long, được gọi theo tên của ngôi làng. Đình là một trong những di tích nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đình được khởi dựng lần đầu tiên vào năm 1853, thời vua Tự Đức thứ 6. Năm Quý Hợi 1923, đình được tu sửa theo lối kiến trúc nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống.

Cho đến ngày nay, đình Tân Trào mới chỉ phải tu sửa lại phần mái, 3 cột trụ ở bên ngoài và tôn cao nền đình để nước mưa phía ngoài không tràn vào. Còn lại kiến trúc chính của ngôi đình vẫn giữ được nguyên bản từ năm 1923.

Đình hiện thờ thành hoàng làng và 7 vị sơn thần quanh khu vực làng Kim Long. Phần thờ cúng chính của đình được đặt ở gian giữa trên một sàn lửng, áp sát với mái. Phía bên trong những bức gỗ được gọi là vọng cung – nơi để đồ tế khí. Còn phía bên ngoài, được bầy rất nhiều bát hương theo hàng ngang.

Hằng năm, vào những ngày lễ chính của đình, chỉ những người có chức sắc của làng mới được phép lên trên sàn lửng để thắp hương và đặt đồ cúng tế.

Phía trước cửa đình có một phiến đá phẳng, hình tròn, nằm nổi ngay trên bề mặt cỏ ở sân trước cửa đình được người dân địa phương coi như là mâm thiêng, mâm trời để đặt đồ cúng tế các vị thần linh, thổ địa trước khi vào bên trong ngôi đình để làm lễ.

Đình Tân Trào nhìn từ phía trước.

“Đây mặc dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng lại là nét văn hoá, tín ngưỡng riêng của người dân địa phương mà Bác Hồ của chúng ta đã rất tinh ý khi hiểu được ý nghĩa của hòn đá thiêng đó, nên ngay trong ngày ra mắt Quốc dân Đại hội (17/8/1945), Bác cùng với các đồng chí trong Uỷ ban dân tộc giải phóng đã đứng ngay bên cạnh phiến đá thiêng đó để đọc lời tuyên thệ.” Chị Hoàng Phương Thảo, cán bộ Phòng hướng dẫn du lịch của Khu du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái Tân Trào (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang) cho biết.

Từ đó người dân ở đây còn gọi phiến đá này với một tên gọi khác là phiến đá thề.

Cũng là một nét tín ngưỡng văn hoá khác của người Tày được bày trí ở đình Tân Trào, đó là ngay chính cửa ra vào đình còn có một hòn đá nhỏ được chôn nổi một chút trên bề mặt.

Được biết, ý nghĩa của hòn đá này, một là nó cũng mang ý nghĩa giống như nhà của người Kinh dưới xuôi, thường hay có ngưỡng cửa để mọi người bước qua. Còn đối với nhà sàn của dân tộc Tày có một hòn đá nhỏ, để khi ai đó đi qua, mọi người phải nhìn xuống. Điều đó cũng giống như sự kính ngưỡng đối với chủ nhà.

Ngoài ra còn ý nghĩa nữa về mặt tâm linh. Không giống như người Kinh vẫn thường tung 2 đồng xu trên một chiếc đĩa để xin âm dương, thì người Tày lại tung 2 cái thẻ trình của mình ở trên hòn đá này để xin âm dương. Hòn đá này đối chiếu thẳng với bát hương của đình. Nó còn được gọi là hòn đá tâm của đình

Hằng năm, tại đình Tân Trào diễn ra 3 ngày lễ, trong đó lễ hội chính là lễ Cầu mùa (4 tháng Giêng). Trong lễ này, dân làng rước kiệu các vị thần về đình và tổ chức nhiều trò chơi như tung còn, đẩy gậy, hát then...Hai ngày lễ còn lại là lễ Hạ điền (4/5 âm lịch) và lễ Thượng điền (14/7 âm lịch).

Mỗi năm, đình Tân Trào đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.

Vũ Hà

Vũ Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy