Một số thông tin liên quan ấn triện thời Nguyễn ở phủ Lý Nhân xưa

Ấn triện phủ Lý Nhân phát hiện gần đây (do người dân thị trấn Vĩnh Trụ mua từ người chuyên mua đồ cũ), khi xem xét thì đây là ấn triện của phủ Lý Nhân vào thời Nguyễn đã gần 200 năm.

Phủ Lý Nhân xưa (tỉnh Hà Nam nay), từ thời Lý - Trần về trước là châu Lị Nhân, đến thời thuộc Minh là huyện Lị Nhân (thuộc phủ Giao Châu). Đời Lê Thánh Tông (1460 -1497) đổi là phủ Lị Nhân (thuộc Sơn Nam thừa tuyên), các triều sau vẫn theo thế. Đến đời Minh Mệnh năm thứ ba (1822) đổi tên phủ Lị Nhân thành phủ Lý Nhân. Nếu tính thời niên ghi trên ấn triện mới tìm thấy thì đây là thời điểm vua Minh Mệnh ban ấn cho phủ Lý Nhân và nhiều nơi trên cả nước.

Ấn triện phủ Lý Nhân.

Về ấn triện đồng ở phủ Lý Nhân

Ấn được làm bằng đồng đỏ, mặt hình vuông, kích thước 7x7 cm, chiều cao (cả núm) 7 cm; độ dầy bản đồng khắc chữ (mặt ấn) 1,2cm, ấn nặng 0,035 kg. Mặt chính của ấn gồm: bo nổi (chỉ viền) 7mm, bên trong khắc nổi 4 chữ triện âm bản (chữ ngược), đọc từ phải qua trái, từ trên xuống dưới là: "LÝ NHÂN PHỦ ẤN", bo ấn còn khắc 2 chữ rất nhỏ đã mờ. Lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán-Việt kiểu khải thư (còn gọi chữ "chân") dọc hai bên núm ấn, chữ nhỏ nhưng rất tinh xảo. Nội dung dòng chữ bên phải là: "Minh Mệnh tam niên cát nguyệt nhật", tức là triều vua Minh Mệnh thứ ba (Nhâm Ngọ-1822), tháng tốt, ngày tốt ban ấn. Nội dung dòng chữ bên trái là: "Vũ khố phụng tạo", tức là cơ quan Vũ khố vâng lệnh vua làm ấn.

Nói về Vũ khố (khố là kho), đây là cơ quan hành chính cấp trung ương của nhà Nguyễn, phụ trách kho tàng, quân nhu cùng với Phủ Nội vụ và Thương trường, là nha môn chuyên sản xuất, bảo quản vũ khí, tích chứa nguyên liệu, vật liệu của nhà nước phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Thời vua Gia Long, Vũ khố là cơ quan "Ngoại đồ gia". Đến năm Minh Mệnh 1 (1820) đổi tên là "Vũ khố", biên chế gồm: các thuộc viên và kho hàng. Điều hành phủ gồm: Một vị quan Thị lang (đứng đầu các viện hoặc phủ như Nội vụ hoặc Vũ khố); một Lang trung (dưới quan Thị lang và là cấp trên của Viên ngoại lang đứng đầu một ty hoặc các ty Thanh lại của một bộ); hai vị quan Viên ngoại lang (là phó quan dưới Lang trung); một "Từ trát tào" (quản lý văn thư).

Viên ngoại lang quản lý 8 kho Giáp và Ất (phương Đông) gồm 4 kho Giáp và 4 kho Ất. Để duy trì nền quân chủ chuyên chế tập quyền, cơ quan Vũ khố nhà Nguyễn được triều đình giao việc sản xuất vũ khí và coi giữ kho. Thời Lê, Vũ khố là một cơ quan nội thuộc Bộ Binh, thời Nguyễn là cơ quan quản lý hành chính độc lập. Nơi đúc các loại ấn triện đồng là cục chế tạo thuộc Vũ khố, tất cả ấn triện của quân đội, chính quyền trung ương, địa phương triều Nguyễn đều do Vũ khố thực hiện.

Thông tin thêm về ấn triện đồng thời Nguyễn

Do tầm quan trọng của ấn triện, nhà Nguyễn quy định rất chặt chẽ thể thức cấp phát và sử dụng ấn triện. Ấn triện phải thu hồi sẽ bị hủy ngay. Mọi quy định về việc dùng ấn triện trong "Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ", chuyên ghi chép riêng về việc dùng ấn triện cũng như định luật về việc coi giữ ấn tín. Dụ của Minh Mệnh (1823) còn ghi: “…đến như việc riêng của mình, không được đem ấn triện, dấu kiềm được ban cấp tự tiện mà dùng, ai vi phạm sẽ xử tội “trái lệnh”.

Từ dữ liệu khắc trên ấn triện đồng của phủ Lý Nhân thì thời điểm vua Minh Mệnh năm thứ ba (1822) giao cho cơ quan Vũ khố khắc ấn đồng và ban cho phủ Lý Nhân cũng như nhiều nơi khác trên cả nước. Việc vua cấp ấn triện cho những quan tri phủ là ủy quyền thay mặt vua cai trị dân. Chất liệu của ấn triện chính là thể hiện quyền lực, uy tín của chủ nhân, vì vậy tùy theo chức vụ hoặc theo quy định mà ấn triện được chế tạo bằng ngọc, kim loại, ngà, xương, bằng gỗ… thậm chí bằng gốm. Chất liệu vàng, bạc, ngà, ngọc chỉ dành cho hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng thái tử, hay để cấp cho hoàng tộc khi phong chức tước.

Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân. Ảnh: T.L

Ấn triện đồng thời Nguyễn được đúc nhiều nhất cho các quan chức từ cấp cao ở trung ương đến cấp thấp ở địa phương. Trong một số trường hợp ấn triện đồng được dùng cho cả hoàng thân. Theo quy định của vua Tự Đức (phê chuẩn năm 1869): “Các loại ngân sách, ấn, quan, quan phòng của các hoàng thân... đổi đúc lại bằng đồng để tiện cho đời đời lưu giữ”. Ấn triện có nhiều tên gọi khác nhau, trước năm 1832 gọi là chương, tín chương; sau là ấn, quan phòng, đồ ký, kiềm ký. Núm ấn đồng có hình: kỳ lân, sư tử, hổ, núm khắc rau tảo (quan phòng), núm tròn dài, núm vòng bán cầu, hình thẳng, hình vòng và không thể có rồng. Riêng núm thẳng là được sử dụng nhiều nhất.

Tuy nhiên, để phân biệt thì ấn triện có tên gọi như: "Tỷ, Bảo" là ấn triện của vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng thái tử… núm ấn có đúc rồng to nhỏ theo địa vị. Còn về kích thước thì Tỷ, Bảo của vua bao giờ cũng lớn hơn ấn triện của quan chức (ấn, quan phòng). Ấn triện bằng đồng của quan chức cao cấp cũng lớn hơn quan cấp thấp. Ấn của quan cấp trung và cấp thấp làm bằng đồng hoặc bằng gỗ gọi là "đồ ký, kiềm ký". Các chức vụ cao ngoài ấn triện chính còn có triện nhỏ gọi là "dấu kiềm" đi theo thành một cặp. Chữ khắc ở triện nhỏ như triện lớn nhưng rút gọn hơn. Một số quan lại cấp xã thấp nhất là cai tổng, lý trưởng được làm bằng gỗ và đóng mực đen.

Thời Minh Mệnh, các loại ấn triện quy định tên nhóm như: Nhóm gọi là Ấn gồm các chức quan hoặc cơ quan có ấn triện bằng đồng. Nhóm gọi là Quan phòng là các cơ quan có ấn triện bằng đồng. Nhóm gọi là Đồ ký dùng cho các quan dưới quan chính ngạch. Nhóm gọi là Kiềm ký gồm các tấn, thủ, vịnh, sở, thủ hộ Ngọ môn, thủ hộ Đại cung... Có chức quan nhận ấn được quy định về núm và thân ấn, cũng có chức quan không được quy định về núm và thân ấn.

Về chữ khắc trên ấn triện có 3 loại gồm: chữ triện, chữ khải (còn gọi chữ chân), cả chữ triện và chữ khải. Chữ triện (triện thư) là kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ, là chữ tượng hình từ nguồn gốc chữ giáp cốt thời nhà Chu, phát triển ở nước Tần (thời chiến quốc). Chữ triện chủ yếu được sử dụng để khắc ấn tín vì độ phức tạp cao và đặc tính hình dáng khiến rất khó giả mạo. Ngoài ra, do tính mỹ tự nên chữ triện dùng để viết thư pháp.

Có thể nói, ấn triện bằng đồng triều Nguyễn rất đa dạng, có số lượng rất lớn và cấp theo các chức quan, phẩm trật trên cả nước nói chung, phủ Lý Nhân nói riêng. Đến nay, ấn triện đồng triều Nguyễn vẫn còn nhưng tìm thấy rất ít, ngay ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng chỉ có số lượng rất ít. Qua những tư liệu ấn triện triều Nguyễn, xem xét ấn phủ Lý Nhân thì giá trị của nó tuy không phải là đồ cổ đặc biệt quý hiếm nhưng rất có giá trị về chứng tích lịch sử. Nội dung bài viết chỉ xin khái nét để góp lời giới thiệu về phát hiện ấn triện thời Nguyễn ở phủ Lý Nhân xưa.

Quốc Toản

Quốc Toản

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.