Lý Nhân xã hội hóa bảo tồn di sản

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) bảo tồn di tích là một trong những việc làm được ngành văn hóa phối hợp với các địa phương chú trọng thực hiện trong những năm qua ở Lý Nhân.

Chung sức giữ gìn, bảo tồn di tích

So với các địa phương trong tỉnh, Lý Nhân là huyện tập trung một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều giá trị tiêu biểu hơn cả. Toàn huyện có trên 500 di tích, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia (có một di tích Quốc gia đặc biệt), 27 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội đền Trần Thương và hát múa Lải Lèn xã Bắc Lý, 3 nghệ nhân dân gian được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Nhiều di tích trong số này có niên đại vài trăm năm, là niềm tự hào của nhân dân các địa phương.

Trải qua thời gian, thiên tai và chiến tranh, nhiều di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ và tôn tạo để kéo dài tuổi thọ cho công trình. Trong khi nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia còn hạn chế, chỉ chủ yếu dành cho những di tích được Nhà nước xếp hạng nên cần thiết phải có nguồn lực từ XHH bảo tồn di tích.

Ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện cho rằng: Đời sống kinh tế của nhân dân các địa phương hiện nay khá giả nên tạo thuận lợi cho công tác XHH bảo tồn di tích. Đặc biệt, với những người con xa quê, họ đã thể hiện tâm đức của mình với quê hương bằng nguồn vốn đầu tư tôn tạo di tích hàng tỷ đồng. Đây vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tinh thần tự hào về truyền thống quê hương của người dân…

Lý Nhân xã hội hóa bảo tồn di sản
Đền Trần Thương là di tích nhận được nhiều sự đóng góp, công đức của nhân dân cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Trong vòng 10 năm qua, từ năm 2010 đến 2020, số tiền thu được từ nguồn vốn XHH bảo tồn, trùng tu di tích của huyện trung bình 2,5 đến 3,5 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2020, số tiền thu được từ nguồn XHH cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích của huyện lên tới gần 30 tỷ đồng, trong đó số tiền huy động xây dựng chùa Đại Giác, thuộc cụm di tích quốc gia đền Trần Thương ngót 20 tỷ đồng, phủ Thượng Vĩ hơn 8 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhân dân càng ngày càng quan tâm đến xây dựng và tu bổ di tích.

Ông Phạm Văn Ảnh, người đã công đức 3,3 tỷ đồng tu bổ chùa Giáng, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân nói rằng: “Gia đình tôi muốn thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương thông qua việc công đức này, góp phần làm cho di tích thêm khang trang, củng cố niềm tự hào cho con cháu đối với quê hương”. Khi thực hiện công đức, hầu hết người dân đều mong muốn di tích sẽ phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của mình, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của tất cả mọi người trong làng, trong xóm, giúp bà con đoàn kết, gắn bó với nhau trong cuộc sống, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Một doanh nhân quê hương Lý Nhân đang sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ông cha ta hàng trăm năm nay đã có công xây dựng nên những di tích này để lại cho hậu thế một niềm tự hào, bây giờ đời sống kinh tế khá giả hơn các cụ ngày xưa tại sao không giữ gìn và làm đẹp hơn di tích để con cháu chúng ta sau này không quên công ơn tổ tiên, ông cha mình”.

Ý thức tôn trọng quá khứ, tự hào về tổ tiên của nhân dân đã tạo thuận lợi cho công tác XHH bảo tồn di tích.

Nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật Di sản văn hóa

XHH bảo tồn di tích thời gian qua đã góp phần không nhỏ chống xuống cấp nhiều di tích, khôi phục các lễ hội truyền thống, phát huy giá trị của di tích trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trong việc này vẫn còn quan niệm cứ có tiền muốn làm gì cũng được. Bằng số tiền thu được từ việc công đức, một số nơi đã tùy ý xây dựng và tu sửa di tích một cách sai luật, mang tính tự phát, không bảo đảm nguyên tắc kỹ thuật, mỹ thuật, kiểu dáng, phong cách nghệ thuật cổ truyền.

Ông Lê Xuân Huy, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch (hiện là Bí thư Huyện ủy Bình Lục) nhận xét: Việc đầu tư kinh phí của các địa phương chưa đúng mục đích, chưa chú trọng đến việc khắc phục những phần kiến trúc đang xuống cấp. Có nơi, việc trùng tu tôn tạo còn làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc, phá vỡ cảnh quan của di tích. Vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước chưa được thể hiện. Yếu tố quan trọng nhất là nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thực sự sâu sắc, toàn diện dẫn đến tình trạng vi phạm trong hoạt động bảo tồn không đúng trọng điểm hoặc làm sai lệch những yếu tố gốc. 

Thực tế cho thấy, có nơi, người dân sẵn sàng công đức hàng tỷ đồng nhưng lại yêu cầu phá bỏ di tích cũ, xây dựng di tích mới theo thiết kế, phong cách hiện đại. Hoặc, có người cúng tiến một số đồ vật có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng không hợp với văn hóa lịch sử của di tích... Không ít người cho rằng, nếu đã có tiền thì tu bổ, sửa chữa di tích thế nào cũng tốt mà không biết rằng theo quy định của Luật Di sản văn hóa, điều này không hoàn toàn phù hợp.

Nói như ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam: "XHH bảo tồn di tích không thể đồng nghĩa với việc tự do hóa và tư nhân hóa mọi hoạt động. Cần phải nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này bằng nhiều hình thức".    

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy