Lễ hội chùa Tiên

Chùa Tiên mở hội giữa mùa xuân

Gió đã nồm nam nắng ửng dần

Đứng dưới nhìn lên ngời cảnh Phật

Lên đồi trông xuống rợp nhà dân

Thông reo khúc nhạc say lòng khách

Kinh kệ câu thơ rũ bụi trần

Già trẻ dập dìu nơi thắng cảnh

Nam mô vui bước chẳng chồn chân

Nhớ những câu thơ của nhà thơ Trịnh Xuân Duyên, tháng Ba về, người dân tổ dân phố Đồi Ngang (xưa là thôn Đồi Ngang thuộc xã Thanh Lưu cũ, nay thuộc thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm) và du khách thập phương lại náo nức, rộn ràng trẩy hội chùa Tiên.

Xã Thanh Lưu cũ là vùng đất bán sơn địa với 50% diện tích là đồi núi. Chùa Tiên tọa lạc trên núi Đụn với phong cảnh nên thơ. Nơi núi này, xưa còn có một tảng đá phẳng nhẵn, nhân dân trong vùng vẫn kể cho nhau nghe vào những đêm trăng sáng thường có các vị thần tiên xuống đây chơi cờ và ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ. Chùa vì thế còn có tên là chùa Vọng Tiên.

Cũng theo tương truyền núi Đụn là vùng địa linh, nơi thông reo bạt ngàn, nơi đàn chim phượng 100 con thường về đậu, ngày kia khi trở về đây chỉ còn 99 ngọn thông, một con không có chỗ đậu, cả đàn bay đi và từ đó không trở lại. Rừng thông xanh mướt vẫn còn đó và vẫn lưu trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh phong phú và huyền bí.

Lễ hội chùa Tiên
Các tiết mục văn nghệ tại lễ khai hội chủa Tiên.

Chùa Tiên thờ Phật, Bồ tát, Ngọc Hoàng, Đức Ông và các nhân vật có liên quan đến Phật giáo, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông – linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm. Lễ hội truyền thống chùa Tiên diễn ra vào đầu tháng Ba âm lịch hằng năm. Theo tục lệ xưa, việc chuẩn bị được tiến hành trước đó cả tháng. Đồ tế được phân công cho từng giáp. Nếu giáp nào năm đó đến lượt thì phải chuẩn bị xôi gà, thịt lợn, hoa quả, trầu, rượu để đến ngày chính hội mang lên chùa. Gần ngày hội, không khí trong làng náo nhiệt, các gia đình nhộn nhịp sắm sửa đồ tế lễ, con em làm ăn ở xa cũng cố gắng về tham dự hội.

Ngày chính hội, ngay sáng sớm từ khắp các ngả đường từng dòng người nô nức kéo về chùa Tiên. Các cụ già áo the, khăn xếp; những người trong đội tế mặc trang phục lễ hội đủ màu sắc; thập khách trẩy hội với bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Trong nhịp trống của đội múa sư tử dẫn đầu, đoàn rước với đội cờ thần, bát âm, biểu lệnh, đoàn rước kiệu và đội tế lễ, già làng cùng khách thập phương di chuyển xuống dưới chân núi rước bát hương, hòm sắc đền Mẫu. Đoàn rước sau đó quay sang đình làng rước bát nhang, ngai kiếm của bản cảnh thành hoàng rồi cùng trở lên chùa. Rước kiệu Mẫu là 4 cô gái thanh tân mặc áo dài đỏ, quần trắng, đầu chít khăn đủ màu, chân quấn xà cạp. Khiêng kiệu của bản cảnh thành hoàng là 4 chàng trai trẻ mặc áo nâu tứ thân, đầu chít khăn nhiễu đỏ, mang thắt lưng xanh, mặc quần trắng, chân quấn xà cạp. Đoàn rước về đến chùa, một hồi trống khẩu vang lên. Các cụ già mang bát hương, hòm sắc, ngai thờ của thánh Mẫu và thành hoàng vào chùa. Sau đó các đội tế nam, tế nữ cử hành các nghi thức tế yên vị, làm lễ sái tịnh tượng và đồ thờ. Khi các nghi lễ kết thúc, đồ tế lễ được chia cho các gia đình thụ lộc.

Lễ hội chùa Tiên
Đông đảo nhân dân và du khách dự lễ hội chùa Tiên năm 2023. Ảnh: Bình Nguyên

Vui nhất trong lễ hội chùa Tiên chính là màn rước kiệu. Các trình tự rước kiệu vẫn theo lệ xưa. Lễ hội chùa Tiên cũng là một trong những lễ hội còn giữ được gần như nguyên vẹn các nghi lễ cổ truyền trong việc tế lễ, từ chủ tế, thông xướng, bồi tế, bộ nhạc và dẫn lễ đều thuần thục, nghiêm cẩn. Sau phần rước kiệu, phần vui không kém đó là các trò hội. Các trò chơi như đánh cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm thu hút nhiều người tham gia. Trong các trò hội ở chùa Tiên ngày nay thường là phần trình diễn ca múa nhạc, đánh trống hội của các câu lạc bộ dân ca của các tổ dân phố thị trấn Tân Thanh và các xã lân cận. Về thể thao, bắt đầu từ năm 2023, huyện Thanh Liêm duy trì giải cờ vua, cờ tướng trong lễ hội chùa Tiên để làm tăng thêm không khí vui vẻ và náo nhiệt cho lễ hội.

Tham dự lễ hội, thỏa mãn không gian văn hóa và tâm linh, du khách còn được thảnh thơi ngắm cảnh chùa, cảnh núi, cảnh xóm làng. Không gian chùa Tiên hiện đã được mở rộng, ngoài ngôi chùa cổ, hiện nhà thờ tổ đã được xây xong, giảng đường phía trước chùa được dựng với mái che có một bảo tháp 7 tầng cũng đã hình thành, gác chuông với các bức tượng Thích Ca, Quan Thế Âm càng làm cho không gian chùa đậm màu sắc linh thiêng. Xen giữa các công trình là các bồn hoa, tiểu cảnh mang màu sắc thiền định yên bình.

Lễ hội chùa Tiên
Múa trống hội tại lễ hội chùa Tiên.

Do tính chất của núi Đụn là núi đá vôi bởi các vỏ sò tạo thành, nên người dân nơi đây đã tận dụng trồng các loại cây để phát triển kinh tế, như tầng cao trồng thông và bạch đàn, tầng thứ hai là chè và sắn, tầng cuối cùng là dương xỉ. Ven sườn đồi lên chùa Tiên là những vườn chè trải dài tít tắp. Chè xanh chùa Tiên  là một đặc sản của Tân Thanh đã từng nổi tiếng xa gần và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Nhưng có lẽ thú vị nhất là những cây sim mọc dại ven sườn núi, mùa lễ hội hoa nở tím đường lên chùa.

Phía trên chùa xưa kia có bàn cờ tiên, theo lời kể của nhân dân địa phương, vào những năm 50 của thế kỷ XX, bàn cờ được kê trên nhiều phiến đá, xung quanh còn có những phiến đá khác, theo tương truyền để Tiên ngồi đánh cờ. Cuối thập niên 60, do chiến tranh, bàn cờ tiên đã bị phá. Cạnh bàn cờ tiên còn có giếng tiên, nước rất trong xanh. Trong lễ hội xưa, trước ngày chính hội có tục thi đắp cây xôi của các giáp. Để làm được một mâm xôi đem đi thi quả kỳ công, từ khâu chọn gạo phải là nếp cái hoa vàng hoặc giống nếp quýt. Khi gieo mạ phải chọn những thửa đất cao. Lúa chín đem về chỉ lấy những hạt ở phần ngọn. Lúa được làm sạch, phơi đủ nắng thì trộn với lá mây để khi giã được hạt gạo trắng mọng. Đến ngày thi đem gạo đó ngâm với nước giếng tiên, sau đó dùng chõ đất nung đặt trên nồi đáy bằng đồng và dùng gỗ mít để đồ xôi. Xôi đồ xong, cắt một tàu lá chuối rửa sạch, lau khô trải lên mâm son đơm xôi vào. Tiêu chuẩn của mâm xôi đạt giải là xôi không được ướt, không nhã, hạt xôi đều, trắng mọng, dẻo ngọt, mâm xôi phải tròn đầy không vỡ. Phần thưởng cho mâm xôi đoạt giải là một khoanh cổ lợn, còn xôi thì đem chia cho các già làng.

Phía sau nhà thờ tổ có một ban công rộng có thể nhìn toàn cảnh xóm làng bên dưới. Một vùng đất thanh bình, núi đồi in bóng, tiếng thông reo bốn mùa cùng lễ hội chùa Tiên linh thiêng là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách thập phương khi đến Thanh Liêm.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Mínhhdvb
    1 tháng trước

    Ta

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.