Khó khăn trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm

Do đại dịch Covid-19, các hoạt động sáng tác, nghiên cứu sưu tầm của văn nghệ sỹ Hà Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Không được tham gia trại sáng tác, không được di chuyển rộng rãi, không có đủ sức khỏe, phương tiện, thậm chí không có nhiều kinh phí,… những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam luôn gặp khó trong hoạt động nghiệp vụ của mình.

Là người viết khỏe nhất trong số những hội viên Bộ môn Nghiên cứu sưu tầm của Hội VHNT lúc này, ông Mai Hồng Khánh cũng thấy "ngại" với việc đi, khảo sát, tổng hợp tư liệu… Vùng đất Hà Nam xưa nay vốn được coi là nơi có bề dày truyền thống, nơi lưu chứa một trầm tích văn hóa phong phú, đa dạng và hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Ở "thời đại xe đạp", nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã bị lôi cuốn vào các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Hà, Hà Nam. Họ đạp xe cả tháng trời đến những ngõ hẻm, làng xa để thu thập tư liệu, gặp gỡ và ghi chép thông tin về những vấn đề văn hóa mà họ quan tâm. Chẳng hạn như văn hóa Liễu Đôi, như hát Lải Lê, Lải Lèn, dấu tích về các nữ tướng thời Hai Bà Trưng trên đất Hà Nam… Tiền ít, đi đến đâu dựa vào dân đến đó, những nhà nghiên cứu tuổi chừng 40 lúc đó, như: Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Bùi Đình Thảo quên ngày, quên tháng, làm việc tận tụy, cẩn trọng để có những tư liệu cần thiết. Thành quả làm ra trong những tháng ngày vất vả, thiếu thốn ấy là những công trình nghiên cứu sưu tầm có giá trị văn hóa, như: Tuyển tập ca dao tục ngữ Nam Hà, Giai thoại Nguyễn Khuyến, Hát Văn, Hát Lải Lê, Truyện cổ Liễu Đôi, Khảo sát văn hóa Liễu Đôi, Hoàn Vương ca tích… 

Khó khăn trong lĩnh vực nghiên cứu sưu tầm
Nhà nghiên cứu sưu tầm Nguyễn Văn Điềm và Bùi Văn Cường trong lễ nhận Giải thưởng Nguyễn Khuyến lần thứ VII với tác phẩm “Hoàn Vương ca tích”.

Nhà nghiên cứu Mai Hồng Khánh ít tuổi hơn thế hệ những nhà nghiên cứu này, nhưng ông được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn vững vàng, tham gia công tác quản lý văn hóa, lĩnh vực bảo tàng, do đó ông có nhiều thuận lợi để có những công trình nghiên cứu, sưu tầm mang tính hệ thống. Nhà nghiên cứu Mai Hồng Khánh nói, ông đã dành thời gian cho công việc chuyên môn quá nhiều, đến khi nghỉ chế độ, sức khỏe không còn tốt, điều kiện đi lại chẳng thuận lắm, môi trường hoạt động nghiên cứu, sưu tầm hẹp dần, cạn dần nên khó khăn. Nhìn chung, khó trăm bề.

Ông Mai Hồng Khánh thành thật chia sẻ: "Nói thật là làm nghiên cứu, sưu tầm bây giờ rất khó. Để làm được cần ba thứ, cần kinh phí, cần môi trường, cần sức khỏe và năng lực. Nếu có tiền, có điều kiện thuận lợi để "lên đường" mà không có sức khỏe, già cả hết rồi, không có năng lực chuyên môn thì cũng khó có kết quả tốt. Khi môi trường làm việc bị hạn chế nhiều thứ càng đòi hỏi năng lực chuyên môn vững hơn. Anh phải có tư duy khoa học, có chiều sâu kiến thức, có kinh nghiệm và vốn sống mới đủ để hoàn thành công việc"…

Nói như vậy, xem ra bộ môn nghiên cứu, sưu tầm của Hội VHNT Hà Nam rõ ràng đang gặp khó khăn. Hầu hết hội viên bộ môn này đều tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn. Hoạt động chuyên môn của họ hiện nay chủ yếu làm việc tại nhà, tổng hợp lại những tư liệu đã sưu tầm trước đây, biên soạn lại thành những tác phẩm, công trình mới. Tuy nhiên, để có cái nhìn mới về những vấn đề văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại cần có sự hòa nhập thực tiễn. Thiếu cái này sẽ thiếu đi sức sống của tác phẩm.

Trong điều kiện khó khăn, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm Hà Nam đã có những cống hiến lớn cho văn hóa Hà Nam, khơi dậy các di sản của tổ tiên, ông cha để lại, làm nổi bật các giá trị truyền thống nhiều phong tục, tư duy sáng tạo của con người Hà Nam suốt chiều dài lịch sử nghìn năm. Hầu hết những hội viên của bộ môn này đều là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu ra đời sau hàng vài chục năm miệt mài, công phu trở thành những tác phẩm, công trình "để đời" cho hậu thế, như: "Lễ hội cổ truyền Hà Nam" của Lê Hữu Bách; "Hát Văn Nam Hà" của Bùi Đình Thảo; "Kho tàng truyện cổ Liễu Đôi", "Trăn trở ngàn năm", "Khảo sát văn hóa Liễu Đôi" tập 1, 2 và "Hoàn Vương ca tích" của nhóm tác giả Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Điềm, Nguyễn Tế Nhị; "Giai thoại Nguyễn Khuyến", "Ca dao tục ngữ Nam Hà" của nhóm tác giả Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị; "Hát Dậm Quyển Sơn", "Hát Giao duyên Ngã Ba Sông Móng", "Dân ca Hà Nam" của Phạm Trọng Lực; những công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh của Nguyễn Thế Nữu… 

Mới đây, công trình nghiên cứu sưu tầm "Hoàn Vương ca tích", "Khảo sát văn hóa Liễu Đôi" đã được trình Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đánh dấu một sự phát triển mới cho VHNT Hà Nam. Đây là những công trình được nhóm tác giả thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay. Một hành trình thời gian dài bằng cả đời người cuốn theo những đam mê và cống hiến đã giúp nhóm tác giả thành công, xứng đáng với công sức, trí tuệ và tài năng của họ, và giờ đây đã được đưa vào danh sách đề nghị xét tặng giải thưởng lớn, danh giá ấy. 
Vấn đề cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm thời gian qua ở Hà Nam còn thiếu và yếu. Đa số các tác phẩm, công trình muốn ra đời tự thân tác giả phải bỏ tiền in ấn, hoặc thông qua dự án của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam để được in. Vai trò của ngành văn hóa chưa thực sự nổi bật trong việc xử lý hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Hội VHNT còn lúng túng và thậm chí là bế tắc trong việc phát triển đội ngũ, khơi dậy tình yêu đối với nghiên cứu sưu tầm cho hội viên thông qua hoạt động chuyên môn, tạo nguồn kinh phí… So với các tỉnh, thành trong cả nước, số lượng tác phẩm, công trình nghiên cứu sưu tầm của Hà Nam đáng kể vô cùng, nhưng cho đến nay, số hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian quá ít !

Nếu không có cơ chế cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm, nếu không biết phát huy tiềm năng vốn có của đội ngũ những người làm công tác này thì không lâu nữa, Hà Nam sẽ không có người để làm công việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật. Đội ngũ những người trẻ tuổi có chuyên môn lĩnh vực này không còn thiết tha và tình yêu đối với công việc nghiên cứu sưu tầm. Và như thế, hoạt động VHNT Hà Nam càng lộ rõ những khoảng trống khó lấp khi nhiều năm đã trắng mảng Lý luận phê bình, giờ lại thêm Văn nghệ dân gian. Lớn hơn cả, nó sẽ tác động mờ nhạt đến việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa du lịch của Hà Nam…

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy