Đình Hạ Vỹ - Di tích kiến trúc nghệ thuật và văn hóa

Theo các thư tịch Hán - Nôm hiện còn được lưu giữ, đình Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân thờ hai vị thành hoàng là Cao Minh Đại Vương thiên thần và Thiên Quan Đại Vương thiên thần. Tương truyền, đây là hai vị có công lập làng, dạy dân cày cấy, phòng chống lũ lụt; giúp dân tiêu trừ dịch bệnh, phù hộ dân làng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Đình Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân).

Đưa chúng tôi đi tham quan ngôi đình cổ kính, linh thiêng, ông Nguyễn Hữu Tri, Trưởng ban khánh tiết đình Hạ Vỹ vui vẻ nói: Theo các cụ truyền lại, đình Hạ Vỹ được xây dựng từ thế kỷ XVIII, cách đây khoảng 300 năm. Năm 1932, đình được xây dựng lại, cách vị trí cũ khoảng 500m. Trong tư liệu Hán - Nôm có ghi rõ: Dựng cột, gác nóc, tu tạo vào giờ tốt ngày 10 đầu tháng 12 năm Giáp Tuất, triều vua Bảo Đại (1934), tức năm 1935 dương lịch, may mắn lớn.

Trải qua hàng trăm năm, đình Hạ Vỹ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân mà còn là “địa chỉ đỏ” trong công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Giai đoạn 1935-1945, đình và chùa Hạ Vỹ được chọn làm nơi nuôi giấu và che chở cán bộ Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, đình - chùa Hạ Vỹ được sử dụng làm lớp học bình dân xóa mù chữ, nơi đặt hũ gạo quyên góp lương thực ủng hộ đồng bào những nơi xảy ra nạn đói. Từ năm 1947-1950 đình là nơi hội họp của Chi bộ đảng xã Nhân Chính. Năm 1949 - 1951, đình là nơi để kho vũ khí của Huyện đội Lý Nhân, đây cũng là địa điểm hoạt động của du kích và bộ đội chủ lực của Tiểu đoàn 60 tỉnh Hà Nam. Trong những năm 1965-1969, đình là nơi sơ tán của Trường Nông nghiệp, cũng là nơi đưa tiễn những người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ... Đình được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật và Lịch sử cấp tỉnh năm 2010.

"Để tưởng nhớ công ơn của hai vị Đại Vương đã có công giúp dân, giúp nước lễ hội đình Hạ Vỹ được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch. Ngoài ngày 15/2, ngày 12/7 âm lịch đình cũng tổ chức lễ" - ông Nguyễn Hữu Tri cho biết thêm. Làng Hạ Vỹ xưa có 4 giáp là: Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi giáp đăng cai lễ hội một năm. 

Theo các cụ kể lại, ngày ấy làng có 5 mẫu ruộng công để cho các giáp đăng cai, hoa lợi ở 5 mẫu ruộng này dùng để phục vụ cho lễ hội. Trước lễ hội một tuần, mỗi giáp cử 10 người về đình lau chùi đồ thờ tự, dựng kiệu rước, dọn vệ sinh sạch sẽ, chăng đèn hoa rực rỡ... Chiều ngày 14, giáp nào đăng cai phải chuẩn bị sẵn đồ lễ mang ra đình để các vị chức sắc và đại diện dân làng làm lễ cáo yết xin thành hoàng làng cho phép mở hội. Đồ lễ gồm: Xôi trắng, sỏ lợn đen, trầu cau, rượu, bánh kẹo và hoa quả... Ba năm làng tổ chức rước kiệu một lần. Những năm tổ chức rước kiệu, từ sáng sớm ngày 15/2, trên khắp các nẻo đường thôn xóm nhân dân nô nức, phấn khởi tham gia đoàn rước. Đi đầu đoàn rước là ông tổng cờ (làng chọn người có uy tín, gia đình khá giả, con cái đề huề), theo sau là đội cờ thần, tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Tiếp đến là đội bát biểu, chấp kích do trai tráng đảm nhiệm. Sau đội bát biểu, chấp kích đến đội chiêng trống, bát âm. Theo sau là kiệu bát cống và kiệu đồ lễ. Khiêng kiệu bát cống là 8 chàng trai khỏe mạnh, mặc quần trắng, áo đỏ, lưng thắt khăn đỏ, đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp. Kiệu có ngai và bát hương thờ thành hoàng làng. Đi sau hai kiệu là đội tế mặc áo thụng xanh, chân đi hia. Trang phục chủ tế giống đội tế nhưng khác là màu đỏ. Đi cuối cùng là dân làng và du khách thập phương…

Nếu như phần lễ được tổ chức hết sức trang trọng, uy nghiêm thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các vị thành hoàng làng thì phần hội lại diễn ra vui tươi, sôi động, hào hứng với các trò chơi dân gian: Tổ tôm điếm, thổi cơm thi, chăn cóc, leo cầu kiều, bắt vịt trong ao, thả diều, chơi cờ người, kéo co...

Giữ nét đẹp văn hóa lễ hội xưa, ngày nay đình Hạ Vỹ vẫn duy trì tổ chức lễ hội vào ngày 15/2, thu hút đông đảo người dân tham gia. Vào các năm nhuận Hạ Vỹ tổ chức rước kiệu quanh làng, tới chùa lễ phật, sau đó rước trở về đình làm lễ tế. Không còn các giáp đăng cai như xưa, đồ lễ chính gồm: Xôi, thủ lợn, gà... do làng chuẩn bị. Đồ lễ chay như: Hoa quả, bánh kẹo... do các xóm chuẩn bị. Giống như trước kia, phần lễ ngày nay cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo, đầy đủ; diễn ra trang trọng, uy nghiêm, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của dân làng đối với các vị thành hoàng hết lòng vì dân, vì nước. 

Trong văn tế cũng thể hiện được mong cầu: Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, đầy đủ, hạnh phúc... Về phần hội, nhiều trò chơi dân gian xưa như: Bắt vịt, chăn cóc, tổ tôm điếm… không còn, thay vào đó là những môn thể thao: Bóng bàn, cầu lông... Đây là những môn thể thao được người dân luyện tập hàng ngày để luyện rèn sức khỏe.

Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở thế hệ tiếp nối ghi nhớ, trân trọng công ơn của các vị thành hoàng làng hết lòng vì dân, vì nước, lễ hội đình Hạ Vỹ ngày nay còn là dịp để những người con xa quê về với quê hương, về với nguồn cội. Đặc biệt, lễ hội còn là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xóm, thể hiện quyết tâm biến những khát vọng, mong cầu về một cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn trở thành hiện thực.

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy