Để nghệ thuật biểu diễn truyền thống “sống khỏe” và đến gần hơn với công chúng

Với giá trị văn hóa tốt đẹp, tính thẩm mỹ cao, nghệ thuật truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn là “lá chắn” bảo vệ mỗi người trước sự tấn công của văn hóa phẩm độc hại. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội, không gian thưởng thức văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng đã có nhiều thay đổi. Điều đó, đồng nghĩa với việc, những tiêu chuẩn thưởng thức nghệ  thuật cũng sẽ cao hơn, khắt khe hơn và rõ tính đặc thù hơn. Vậy, làm thế nào để nghệ thuật truyền thống “sống khỏe” và đến gần hơn với công chúng, thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng? Đó chính là trăn trở của những người làm nghệ thuật và cũng là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL).

P.V: Thưa ông, năm 2022, có thể đánh giá là năm “được mùa” của hoạt động văn hóa nghệ thuật Hà Nam?

Ông Ngô Thanh Tuân: Đúng như vậy. Có thể nói, năm 2022 là năm “được mùa” của hoạt động văn hóa nghệ thuật Hà Nam. Rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở đã được tổ chức khá thành công và rất nhiều giải thưởng đã được trao. Nổi bật phải kể đến chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân; liên hoan các câu lạc bộ (CLB) Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam; ra mắt CLB Dân ca và Chèo, CLB Tiếng hát Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam năm 2022; khởi dựng và tập luyện vở mới “Những vì sao không tắt”, luyện tập, củng cố vở “Khóc giữa trời xanh”; tham dự Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại Kon Tum; hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022 tại An Giang; liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách do Bộ VH, TT&DL tổ chức; dàn dựng, tập luyện các chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Nam lần thứ VI năm 2022 và nhiều chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các ngành, địa phương… Đặc biệt, việc đăng cai và tổ chức thành công các chương trình văn hóa, thể thao quy mô lớn như: Hội diễn “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 và mới đây là Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022; Chương trình Lễ hội đường phố Carnival - Phủ Lý năm 2022; cuộc thi ảnh đẹp du lịch Hà Nam được coi là điểm nhấn trong hoạt động văn hóa  nghệ thuật của tỉnh năm 2022. Thông qua các hoạt động trên góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, vùng đất, con người và các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nam, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Để nghệ thuật biểu diễn truyền thống “sống khỏe” và đến gần hơn với công chúng
Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nam.

P.V: Trỗi dậy sau 2 năm “đóng băng” bởi đại dịch Covid- 19, sân khấu biểu diễn của các loại hình nghệ thuật đã thay đổi theo hướng đến gần hơn với công chúng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Ngô Thanh Tuân: Nếu như trước đây, muốn xem biểu diễn nghệ thuật, công chúng phải tìm đến nhà hát hay các sân khấu lớn nhỏ thì ngày nay, công chúng có rất nhiều phương tiện để tiếp cận với văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, trước sự lấn át của các loại hình giải trí thời thượng, để đưa các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, đòi hỏi ngành văn hóa nói chung và các đơn vị, tổ chức nghệ thuật biểu diễn nói riêng cần phải thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận với công chúng. Đó là một cách để “giữ lửa” và tiếp sức cho nghệ thuật truyền thống. Ở đây tôi muốn đề cập đến Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022. Với vai trò là đoàn chủ nhà, ngoài việc lựa chọn và dựng vở để tham gia liên hoan phải bảo đảm các tiêu chí: đặc sắc, có chất lượng chuyên môn cao, tạo được ấn tượng sâu sắc với Hội đồng nghệ thuật, các đoàn bạn thì công tác khán giả cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Ngoài các khán giả truyền thống, tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022, ngành văn hóa đã phối hợp với ngành giáo dục, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tiếp cận và thưởng thức bộ môn nghệ thuật chèo, từng bước đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.

Có thể khẳng định, năm 2022, với việc đăng cai, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật có quy mô, chất lượng, chuyên nghiệp và hiện đại… chính là cách thu hút khán giả,  hướng gần hơn tới công chúng.

P.V: Đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống xuống phố, đăng cai tổ chức Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022...đã đem lại những hiệu ứng tích cực từ phía người dân. Điều đó, có nghĩa nghệ thuật truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng, thưa ông?

Để nghệ thuật biểu diễn truyền thống “sống khỏe” và đến gần hơn với công chúng
Một tiết mục tại lễ khai mạc Lễ hội đường phố Carnival Hà Nam năm 2022.

Ông Ngô Thanh Tuân: Hà Nam là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo và người dân Hà Nam vốn rất mê chèo. Liên hoan lần này là một minh chứng. Lượng khán giả đến xem và cổ vũ mỗi buổi diễn rất đông. Khán giả ở nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên những người đam mê chèo của Hà Nam có cơ hội được thưởng thức những vở diễn có chất lượng cao đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.

Đặc biệt, từ 30/4/2022, ngay sau khi tuyến phố đi bộ ở TP Phủ Lý được khởi động, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được tổ chức. Các tiết mục nghệ thuật truyền thống như: dân ca, chèo, diễn xướng dân gian... luôn thu hút và hấp dẫn đông đảo khán giả. Điều đó có nghĩa – nghệ thuật truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng.

P.V: Được biết, Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022, do Hà Nam đăng cai tổ chức không chỉ là nơi để các nghệ sỹ giao lưu, học hỏi và cháy hết mình với sân khấu truyền thống  mà còn là giờ học ngoại khóa bổ ích đối với học sinh các nhà trường. Phải chăng đó là bước khởi động cho mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống vào trong các nhà trường, thưa ông?

Để nghệ thuật biểu diễn truyền thống “sống khỏe” và đến gần hơn với công chúng
Một tiết mục biểu diễn tại Lễ khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. Ảnh: Thế Trang

Ông Ngô Thanh Tuân: Liên hoan lần này trước tiên là cơ hội để các nghệ sỹ, diễn viên chèo của tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh bạn trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống vào trong trường học, hướng tới thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Sở VH, TT&DL đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện cho các em học sinh THPT trên địa bàn tỉnh đến xem, cổ vũ và coi đây như là một buổi học ngoại khóa tìm hiểu về nghệ thuật chèo truyền thống. Đây cũng có thể coi là bước khởi động cho mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống vào trong các nhà trường.

P.V: Tuy nhiên, để văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng được giữ gìn và phát huy trong xã hội hiện đại, theo ông, đâu là vấn đề căn cốt hiện nay?

Ông Ngô Thanh Tuân: Đây chính là vấn đề trăn trở của những người làm công tác quản lý văn hóa nói chung, của anh chị em nghệ sỹ nói riêng. Để văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng được giữ gìn và phát huy trong xã hội hiện đại, cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề trước tiên, là cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về những giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng. Tiếp đó, tăng cường đầu tư nguồn lực để tuyên truyền, quảng bá, đổi mới phương thức tiếp cận nhằm đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn nữa với công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật cần thêm sự tìm tòi, nhạy bén về thị hiếu, thị trường, hiểu được tâm lý và nguyện vọng của khán giả để từ đó xây dựng các vở diễn có chất lượng cao, phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của khán giả. Tiếp tục khai thác các đề tài sự kiện, nhân vật lịch sử của tỉnh và đất nước để đưa vào các vở diễn bởi đây là đề tài luôn được khán giả quan tâm đón nhận, đồng thời cũng là cách để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Minh Thu (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy