Những ca khúc rực cháy khát vọng thống nhất đất nước

Những năm tháng “cả nước cùng đánh Mỹ”(*), khát vọng thống nhất non sông âm thầm cháy bỏng, thiết tha như ngọn lửa trong trái tim mỗi người dân Việt Nam trên khắp các vùng quê hai miền Nam Bắc. Và âm nhạc luôn là nơi gửi gắm, chuyển tải niềm khát vọng thiêng liêng, cháy bỏng đó.

Đã gần nửa thế kỷ qua đi kể từ ngày giang sơn đất nước thu về một mối nhưng với nhiều người thuộc thế hệ từng trải lớp trước hẳn khó có thể nguôi quên khát vọng thống nhất mãnh liệt vọng vang, lay động từ âm hưởng của những ca khúc “đi cùng năm tháng” trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

“Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/Như những tâm hồn không bao giờ tắt/Như miền Nam hai mươi năm không đêm nào ngủ được/Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức”…, trong sâu thẳm tâm thức những người Việt Nam yêu nước nhiều thế hệ, giai điệu, ca từ giàu sức biểu cảm của bài hát “Ngọn đèn đứng gác” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Chính Hữu) luôn thổn thức, diết da âm hưởng về khát vọng thống nhất những năm tháng đất nước còn chia cắt. Âm hưởng thiêng liêng ấy luôn ngân lên tha thiết, cháy bỏng trong sâu thẳm nỗi nhớ, niềm thương của mỗi gia đình, miền quê, mỗi nẻo đường, mặt trận suốt hai mươi năm cả dân tộc ta bền gan, quyết chí tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Những ca khúc rực cháy khát vọng thống nhất đất nước
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Và đây, ai dễ có thể nguôi quên khát vọng thống nhất đất nước luôn cháy bỏng trong âm hưởng của ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Đằng Giao): “Bên ven bờ Hiền Lương/Chiều nay ra đứng trông về/Mắt đượm tình quê/Đôi mắt đượm tình quê”; “Nhắn ai luôn giữ câu nguyền/Qua cơn bão tố vững bền lòng son”. Âm hưởng của ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” có lẽ là sức biểu cảm đến tận cùng chiều sâu, tầm cao khát vọng thống nhất đất nước mà dân tộc ta đã không quản gian khổ, hy sinh để quyết tâm hiện thực hóa.

Hòa cùng niềm khát vọng thống nhất đất nước là “Nỗi nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (thơ Tố Hữu), là tình cảm thành kính, biết ơn của nhân dân hai miền Nam Bắc đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Ca khúc “Người sống mãi trong lòng miền Nam” (Nguyễn Đồng Nai) nói về tình cảm thiêng liêng ấy dẫu đã gần nửa thế kỷ qua đi vẫn lay động, thổn thức lòng người đến vậy: “Nguyện nhớ ơn đời đời/Cho dẫu máu xương rơi/Không ngừng bước chân tiến tới/Lòng hướng về Thủ đô/Miền Nam kính dâng vòng hoa chiến công lên Người”.

Và với những thế hệ người Việt Nam đã từng sống qua thời điểm hai miền Nam Bắc bị chia cắt hẳn không thể nguôi quên âm hưởng khát vọng thống nhất đất nước cháy bỏng thiết tha khi mỗi lần nghe ca khúc “Lời ca dâng Bác” (Trọng Loan): “Ai yêu miền Nam như tấm lòng miền Bắc/Có mối tình nào thủy chung, son sắt/Như tấm lòng miền Bắc hướng về miền Nam/Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình/Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình”. Tình cảm thiêng liêng ấy đã hóa thành lòng thủy chung sau trước vẹn tròn, thành ý chí sắt đá của mỗi người dân hai miền Nam Bắc cùng nỗ lực hướng đến ngày thống nhất non sông cho thỏa lòng Bác kính yêu vẫn hằng mong đợi: “Vang lên từ miền Nam, vang lên từ miền Bắc/Tiền tuyến thành đồng, hậu phương lũy thép/Nghe tiếng Người giục bước tới thắng lợi vẻ vang/Thống nhất non sông mới thỏa tấm lòng…”. 

Cùng với khát vọng thống nhất đất nước, những phong trào sục sôi khí thế cách mạng của các tầng lớp nhân dân khắp hai miền Nam Bắc cũng được thổi hồn vào những tác phẩm âm nhạc, tạo nên một nét riêng trong đời sống âm nhạc thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Âm hưởng về khát vọng thống nhất đất nước cùng những phong trào cách mạng sục sôi khí thế trong những ca khúc “đi cùng năm tháng” đó, cho đến hôm nay vẫn rưng rưng đằm nặng trong tâm thức nhiều người: “Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà/bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà/Dậy mà đi, dậy mà đi/Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” (“Dậy mà đi”, nhạc Nguyễn Xuân Tân, thơ Tố Hữu); “Rừng núi giang tay nối lại biển xa/Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam” (“Nối vòng tay lớn”, Trịnh Công Sơn): “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng/Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng/Thề cứu lấy nước nhà/Thề hy sinh đến cùng/Cầm gươm ôm súng xông tới/Vận nước đã đến rồi/Bình minh chiếu khắp nơi/Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời” (“Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng”, Huỳnh Minh Siêng)…

Mang niềm khát vọng chính nghĩa - thống nhất non sông, hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cả dân tộc Việt Nam đã dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mùa Xuân 1975. Và những sáng tác âm nhạc cách mạng trong thời điểm lịch sử vô cùng đáng nhớ ấy vì thế cũng luôn hừng hực khí thế tiến công giành chiến thắng để non sông sớm quy về một mối, để đồng bào hai miền Nam Bắc sớm đoàn tụ, sum vầy. Những “khúc sử ca” mang âm hưởng khát vọng cùng niềm hân hoan mừng đất nước thống nhất trong thời điểm lịch sử này có thể kể đến: “Sông Đăkrông mùa xuân về” (Tố Hải); “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” (Văn An): “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (nhạc Cao Việt Bách, thơ Đăng Trung); “Ta đã về Sài Gòn ơi” (Văn Dung); “Hát về thành phố tên vàng” (Cát Vận); “Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng” (Lưu Cầu); “Việt Nam ngày đại thắng” (Vũ Thanh); “Giữa Sài Gòn giải phóng” (Hồ Bắc), “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” (Dân Huyền)…

Đặc biệt, khát vọng thống nhất cháy bỏng cùng tinh thần yêu chuộng hòa bình tha thiết của dân tộc Việt Nam như cùng một dịp vỡ òa trong niềm vui đại thắng, trong náo nức của những khúc hoan ca “đi cùng năm tháng” như: “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà); “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng). Qua nét nhạc tươi vui, trải rộng phóng khoáng cùng tiết tấu dồn nhịp, tiếp nối liên tục, thành phố mang tên Bác trong khung cảnh khoáng đạt của dải đất miền Nam thành đồng Tổ quốc cũng như giang sơn gấm vóc Việt Nam trong ngày chung khúc khải  hoàn sum họp bỗng đột ngột hiện lên như một bức tranh toàn cảnh sống động, rộn ràng, tươi sáng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi sắt son đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng”; “Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/Cờ sao đang tung bay cao/Qua hết rồi những năm đau thương/Xa ba mươi năm nay mới gặp nhau/Vui sao nước mắt lại trào…”.

Hòa chung khúc khải hoàn mừng đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhạc sĩ Võ Văn Di trong “Bài ca thống nhất” lại chọn cách thể hiện bằng những nốt nhạc tài hoa mang đậm nhịp điệu hò khoan vùng biển miền Trung ngân vút lên giữa một không gian thoáng rộng, thanh bình: “Biển trời bao la/Đẹp như gấm hoa/Nước mây muôn mầu, những con tàu ra Bắc vào Nam/Biển trời quê ta/Rộn vang tiếng ca/Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan...”. Khát vọng thống nhất thiêng liêng, sâu thẳm sau bao năm kìm nén trong hy vọng chờ đợi, trong những nỗ lực phi thường và những hy sinh, mất mát vô bờ bến để đến hôm nay, niềm vui, niềm hạnh phúc Bắc Nam sum họp như cùng lúc vỡ òa, lan tỏa đến mọi nhà, mọi người, mọi miền quê đất nước: “Biển trời xuân sang/Bắc Nam sum họp một nhà đông vui tưng bừng/Khải hoàn ta ca, ta gạt mái chèo/Tự do ra khơi, tự do vô lộng/Đời tự do, gió xuân về…”.

Đồng điệu cùng “Bản hòa tấu lớn” thiêng liêng ấy, khúc khải hoàn ca mừng non sông thống nhất “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên) đã gần nửa thế kỷ qua vẫn như còn nóng hổi tính thời sự, như lời truyền tin, như tiếng reo vui đầy ngẫu hứng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”

Mỗi ca khúc mỗi hoàn cảnh, thời điểm ra đời khác nhau nhưng nét chung xuyên suốt nổi bật nhất trong âm hưởng cũng như trong mỗi ca từ, giai điệu là khát vọng thống nhất đất nước luôn da diết, cháy bỏng, cuộn trào mãnh liệt. Từ khát vọng thiết tha, cháy bỏng nhân lên từ các tác phẩm âm nhạc, từ cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ý nguyện thiêng liêng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân dân ta hằng mong đợi.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.