Miệt mài “giữ lửa” nghệ thuật chèo

Là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trải qua nhiều thăng trầm, chèo vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với niềm đam mê chèo, các "nghệ sĩ nông dân" đã và đang góp phần quan trọng bảo lưu vốn văn hóa quý giá của dân tộc.

Miệt mài “giữ lửa” nghệ thuật chèo
Một buổi tập luyện của CLB hát dân ca và chèo thôn Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý.

Phong trào hát chèo tại tổ dân phố Đông Ngoại, phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên đã có từ rất lâu. Bẵng đi một thời gian, những tưởng tiếng chèo đã rơi vào quên lãng hoặc chỉ còn trong ký ức của các cụ cao niên, nhưng bằng tình yêu của người dân nơi đây với bộ môn nghệ thuật này, từ năm 2016 tiếng chèo lại rộn ràng trên đất Đông Ngoại. CLB văn nghệ tổ dân phố Đông Ngoại đã thu hút được 28 thành viên thường xuyên tham gia, trong đó, người cao tuổi nhất là 73, ít tuổi nhất là 50. Tuy hoạt động trên tinh thần tự nguyện, song CLB có đầy đủ các thành phần, từ đạo diễn, nhạc sỹ, nhạc công và 6 diễn viên chuyên hát chèo. Một yếu tố quan trọng để CLB duy trì hoạt động hiệu quả chính là sự quan tâm của chi bộ, tổ dân phố. Ngoài việc phát động toàn dân ủng hộ quỹ mua trang phục, nhạc cụ, thăm hỏi thành viên khi ốm đau, gia đình có hiếu, hỷ, mỗi năm, tổ dân phố còn hỗ trợ CLB từ 3-5 triệu đồng để hoạt động.

Bà Vũ Thị Sơn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Hát chèo đã đi vào đời sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Những giai điệu chèo ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn, giúp mỗi người thêm yêu thương gia đình, làng xóm, quê hương. Trước đây, chúng tôi duy trì tập đều đặn vào tối chủ nhật hằng tuần tại nhà văn hóa, song do các thành viên bận việc gia đình nên hiện tại chúng tôi tổ chức tập khi có sáng tác mới hoặc chuẩn bị cho các sự kiện của tổ dân phố, của phường. Có những người dù tuổi đã cao nhưng giọng ca vẫn trong trẻo, các điệu múa vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng.

Những vở chèo thường được người dân Đông Ngoại biểu diễn cho nhau xem vào các dịp hội làng, rằm Trung thu, mừng thọ các cụ, hay trong các sự kiện quan trọng của địa phương. Cùng với sự quan tâm của tổ dân phố thì sự đón nhận, cổ vũ nhiệt tình của bà con nhân dân chính là động lực để các thành viên nuôi dưỡng đam mê, thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là chèo ngày càng phát triển trên mảnh đất Đông Ngoại.

CLB có một dàn nhạc với những tay nhị, tay sáo vững vàng. Nhạc cụ phục vụ biểu diễn được trang bị đầy đủ như sáo, nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn bầu, đàn líu, organ, ghi-ta, hồ, trống và loa thu. Không chỉ tập luyện, biểu diễn các làn điệu chèo cổ, thành viên CLB còn tự sáng tác và dàn dựng các làn điệu chèo mới phản ánh chân thực hơi thở cuộc sống, sự đổi thay của quê hương. Những câu chèo cổ xen lẫn những điệu chèo mới thôi thúc lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cứ thế ngân nga, hòa quyện...

Từ lâu, chèo là niềm tự hào với người dân làng Gốm, xã Thụy Lôi (Kim Bảng). Làng Gốm không chỉ đẹp với những con đường thẳng tắp, xanh mướt, mà còn đẹp bởi tình yêu chèo của nhiều người dân. CLB hát dân ca thôn Gốm với 16 thành viên nòng cốt không khác nào một đại gia đình, ở đó họ cùng ca hát, trò chuyện, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Họ đến với chèo bằng cả tình yêu, niềm say mê và một tâm hồn nghệ thuật đáng trân trọng. Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, giao lưu với các đơn vị…, các thành viên CLB sẵn sàng bước lên sân khấu, đem tiếng hát phục vụ bà con. Họ tham gia vì vui, vì phong trào văn nghệ, họ hát say sưa, nhiệt tình để cuộc sống luôn vui vẻ và tươi mới. Mỗi lúc CLB tập luyện, trong khoảng không gian tĩnh lặng khi màn đêm buông xuống, tiếng hát chèo ngân nga, vang vọng khiến lòng người thêm náo nức, rộn ràng.

Theo chủ nhiệm CLB Nguyễn Thị Luyện, mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng sự nhiệt tình của người dân yêu chèo như chúng tôi không hề thuyên giảm. Bằng chứng là những buổi luyện tập, giao lưu, chị em đều rất hăng say. Chúng tôi đều là nông dân, nhưng lên sâu khấu thì hăng hái lắm. Ai cũng hát tự nhiên, tràn đầy sức sống. Chèo đã thấm vào máu đến mức mỗi khi có thời gian rảnh, CLB lại tập hợp để hát cho nhau nghe. Đắm mình vào từng câu chữ, điệu múa mới thấy tinh thần mình sảng khoái cỡ nào, mọi lo toan, mệt nhọc dường như tan biến hết. Chúng tôi thường xuyên sưu tầm các vở diễn, hoạt cảnh, ca cảnh trên mạng để học tập. Tất cả các tiết mục được lựa chọn đi biểu diễn phục vụ nhân dân hay các sự kiện chính trị của địa phương, các hội thi đều được đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng từ nội dung đến trang phục, diễn viên, nhạc cụ…

Có thể khẳng định, việc bảo tồn nghệ thuật chèo qua các CLB văn nghệ tại nhiều địa phương trong tỉnh là một cách làm rất sáng tạo và hiệu quả, đưa chèo đi sâu hơn vào đời sống của nhân dân, giúp thế hệ trẻ tiếp cận một cách dễ dàng. Việc ra đời và duy trì hoạt động hiệu quả của các CLB chèo hay CLB văn nghệ đã góp phần làm cho văn hóa địa phương càng đậm đà, giàu bản sắc. Dẫu rằng vẫn còn đó những trăn trở về việc trao truyền cho thế hệ sau bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc, song với tâm huyết, trách nhiệm, những người nông dân yêu chèo đang góp phần quan trọng giữ lửa cho chèo, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương ngày một phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.