Ghi nhận phong trào văn hóa, văn nghệ trong các trường học

Nhiều năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) của các trường học và toàn ngành giáo dục đã được quan tâm phát triển tương đối rộng khắp. VHVN đã trở thành một trong những hoạt động mang tính thường xuyên của ngành, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh. Qua đó, không chỉ tạo môi trường giao lưu, học tập tích cực, hình thành các sân chơi bổ ích cho giáo viên và học sinh trong hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật, mà còn phát huy tốt các giá trị giáo dục thẩm mĩ và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong các nhà trường…

Hội thi Giai điệu tuổi hồng được các nhà trường, ngành giáo dục tổ chức vừa qua đã cống hiến cho khán giả rất nhiều tiết mục có tính chuyên nghiệp về cả khâu lựa chọn tác phẩm, chuẩn bị trang phục biểu diễn, đạo cụ phụ trợ cho tới cách biểu diễn, trình bày tiết mục. Các tiết mục đa dạng về thể loại, như múa hát tập thể, đơn ca, biểu diễn nhạc cụ… và đều thể hiện được rất rõ tài năng của các học sinh dự thi và công tác chuẩn bị chu đáo của các nhà trường.

Là một đơn vị dẫn đầu và có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ của ngành giáo dục TP Phủ Lý, nhiều năm qua, phong trào VHVN luôn được Trường Mầm non Hoa Sen duy trì hiệu quả, với một đội văn nghệ đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, thường có khoảng 30 giáo viên và học sinh tham gia. Đây là những hạt nhân tích cực, có năng khiếu văn nghệ và sự đam mê, nhiệt tình với phong trào được nhà trường lựa chọn lập đội. Hằng năm, bên cạnh các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, đội văn nghệ còn thường xuyên được triệu tập phục vụ và tham gia các sự kiện của ngành, của thành phố, của tỉnh.

Ghi nhận phong trào văn hóa văn nghệ trong các trường học
Một tiết mục dự thi tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Hà Trần

Mặc dù công việc của các cô giáo mầm non rất vất vả, nhưng được tham gia văn nghệ luôn là một niềm vui đối với các cô. Mỗi khi chuẩn bị “ra quân” biểu diễn, dù là chương trình quy mô nhỏ hay sự kiện lớn, các thành viên đội văn nghệ đều xác định phải tập luyện đến nơi, đến chốn, cống hiến cho người xem những tiết mục có chất lượng cao về cả chuyên môn, nội dung và hình thức biểu diễn. Chính vì vậy, các tiết mục biểu diễn của đội văn nghệ Trường Mầm non Hoa Sen có tính nghệ thuật cao, dần hướng đến sự chuyên nghiệp hóa. Nhiều thành viên của đội là nòng cốt cho phong trào chung của ngành khi tham gia phục vụ các sự kiện chính trị hay tham dự các liên hoan nghệ thuật toàn ngành…

Không chỉ ở Trường Mầm non Hoa Sen, phong trào VHVN thực sự trở thành một điểm nhấn của nhiều đơn vị trường học các cấp. Có dịp chứng kiến cô trò của các nhà trường tập luyện các tiết mục, chương trình VHVN mới cảm nhận hết được sự nỗ lực của các thành viên đội văn nghệ khi vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành thời gian luyện tập. Với các cô giáo, không thể bỏ lớp, bỏ học sinh để đi tập văn nghệ, buộc các cô phải tập vào cuối các buổi chiều, sau khi hết giờ làm việc. Hầu hết các tiết mục văn nghệ biểu diễn phục vụ các chương trình đều do các đội tự xây dựng kế hoạch, kịch bản, tự dàn dựng và biên đạo cho các bài múa. Các tiết mục văn nghệ luôn được làm mới về cả nội dung và hình thức biểu diễn cho phù hợp nhất với chủ đề chương trình. Do có sự đồng đều về năng lực biểu diễn, tính sáng tạo trong tập luyện, đã giúp phong trào VHVN của các nhà trường ngày càng phát triển, đóng góp nhiều thành tích trong phong trào văn nghệ quần chúng của toàn ngành.

Có thể khẳng định, thông qua phong trào VHVN, tiềm năng văn nghệ của giáo viên và học sinh các trường học tương đối mạnh. Các nhà trường đều nhận thức được tầm quan trọng của phong trào đối với việc phát triển toàn diện giáo dục nên dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có sự đầu tư cho phát triển phong trào, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên, học sinh trong đội văn nghệ tham gia đầy đủ các hoạt động do ngành, địa phương tổ chức.

Ghi nhận phong trào văn hóa văn nghệ trong các trường học
Được quan tâm, phong trào VHVN của các nhà trường đã đóng góp tích cực vào nhiều phong trào, sự kiện lớn của ngành, của địa phương.

Theo đánh giá, các đội văn nghệ của trường THPT có thế mạnh về nhảy và múa hiện đại; các trường cấp tiểu học và THCS có nhiều lợi thế về đàn, ca, đội kèn trống nghi thức; các trường mầm non lại mạnh về múa. Trên cơ sở phát huy các lợi thế, thế mạnh về văn nghệ của từng cấp học, từng đơn vị trường học, ngành giáo dục các địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng và duy trì có hiệu quả nhiều hoạt động văn nghệ mang tính tập thể như: múa hát tập thể, thi hát đồng ca, giao lưu biểu diễn văn nghệ giữa các cấp học… Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập và phát huy tốt vai trò của Hội đồng bộ môn Âm nhạc trong việc tư vấn chuyên sâu các vấn đề liên quan đến VHVN cho các nhà trường, thường xuyên kết nối và gây dựng phong trào văn nghệ cho các trường học trên địa bàn.

Phong trào VHVN trong trường học được phát triển đúng hướng không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của phong trào đối với việc phát triển năng lực toàn diện, tăng tính tự tin trong giao lưu, giao tiếp cho cả giáo viên, học sinh, mà còn kịp thời phát hiện những năng khiếu văn nghệ để lựa chọn, bồi dưỡng, tập luyện tham gia các chương trình, liên hoan văn nghệ…

Được biết, phong trào VHVN còn là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cho các nhà trường nên bản thân mỗi nhà trường cũng tự xây dựng cho mình những mục tiêu cụ thể để phát triển phong trào, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh và huy động sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh. Từ đó, xuất hiện nhiều đơn vị tiêu biểu về phong trào VHVN. Mỗi đơn vị có riêng cho mình một cách làm hiệu quả, tạo ra “màu cờ, sắc áo” không dễ bị trộn lẫn và quan trọng nhất là từ những cái riêng đó đã góp phần xây dựng cho ngành giáo dục một phong trào văn nghệ quần chúng đa dạng, phong phú và ngày càng phát triển mạnh.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.