Cần linh hoạt trong việc sử dụng thiết chế nhà văn hóa cơ sở

Nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, tổ phố là một trong những tiêu chí xét duyệt, công nhận danh hiệu làng, tổ phố văn hóa. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ phố thời gian vừa qua, thiết chế văn hóa này đã “vấp” phải nhiều bất cập trong việc khai thác, sử dụng vì không còn tương xứng với số lượng người dân trong các khu dân cư.

Nhà văn hóa của thôn mới sáp nhập Thanh Nộn 1, xã Thanh Sơn (Kim Bảng).

Thực hiện việc sáp nhập thôn, xóm, tổ phố, đến nay toàn tỉnh có tổng số 685 thôn, tổ dân phố, trong đó có 325 thôn, tổ phố được giữ nguyên và 360 thôn, tổ phố sáp nhập mới. Với số lượng thôn, tổ phố sáp nhập, các huyện, thành phố đều phải tiến hành việc khảo sát, lấy ý kiến nhân dân để chọn, giữ các NVH phù hợp. 

Cùng với đó, xây mới, cải tạo và chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các NVH không còn phù hợp. Theo đó, trong tổng số 360 thôn, tổ phố mới sáp nhập chỉ có 72 NVH thôn, tổ phố được giữ nguyên; 74 thôn, tổ phố đề nghị xây mới và 214 thôn, tổ phố đề nghị xin kinh phí cải tạo, nâng cấp.

Huyện Kim Bảng xây dựng NVH theo số lượng chi bộ. Khi chưa sáp nhập, huyện có 173 chi bộ tương ứng 173 NVH, sau khi sát nhập hiện toàn huyện còn 85 chi bộ, như vậy huyện Kim Bảng hiện nay chỉ cần có 85 NVH cơ sở.

Trước đây, khi xây dựng, huyện Kim Bảng đã có mẫu phác thảo và hướng dẫn diện tích tương ứng cho các khu dân cư theo số lượng người dân, trong đó có việc khuyến khích chọn các khu vực có đất lưu không có thể mở rộng về sau này. Vì vậy, có nhiều NVH trên địa bàn có diện tích rộng, xây dựng khang trang nhưng bên cạnh đó cũng có không ít NVH diện tích nhỏ, không có khuôn viên và sân cho các hoạt động thể thao.

Ngay sau khi sáp nhập thôn, xóm, huyện đã tiến hành rà soát chọn các NVH trong đó đáp ứng tiêu chí có diện tích rộng đáp ứng quy định, ở vị trí có thể mở rộng, nằm ở trung tâm khu dân cư, nhân dân đi lại thuận tiện. Kết quả, trong 85 NVH được chọn chỉ giữ nguyên trạng được 15 NVH còn 11 NVH phải cải tạo, nâng cấp và 25 NVH phải xây mới.

Đối với các NVH còn lại, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn sử dụng làm thư viện, trung tâm học tập cộng đồng, nơi vui chơi giải trí dành cho người già và trẻ em, khu thể thao, nơi sinh hoạt của các đoàn thể, các câu lạc bộ…

Thành phố Phủ Lý lại có đặc thù riêng, trong khi các phường, nhất là các phường nội thành đất chật, người dân phải xây dựng NVH liên tổ thì ở các xã, các phường mới thành lập sau khi sáp nhập một số NVH hiện đang bỏ không, toàn thành phố có 30 thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập có tổng số 67 NVH. Như vậy, số NVH được chọn sau sáp nhập là 30, các NVH thừa ra là 37.

Phường Lê Hồng Phong có số lượng NVH thừa ra nhiều nhất. Sau khi sáp nhập phường có 9 tổ dân phố, trong khi có đến 21 NVH,  thừa ra đến 12 NVH. Nhưng đây lại là phường có số hộ dân đông nhất toàn tỉnh, có tổ hơn 600 hộ dân, chi bộ trên 200 đảng viên nên nhiều NVH tuy được xây dựng kiên cố nhưng so với số dân lại quá nhỏ, không bảo đảm được nhu cầu hội họp.

Các NVH của phường vì vậy cũng đều nằm trong tình trạng phải cải tạo, sửa chữa mới bảo đảm được nhu cầu sử dụng. Đây là những NVH được chọn sử dụng. Những NVH còn lại của phường tuy đều được xây dựng mới, đều có khuôn viên và hội trường với chỗ ngồi từ 100 – 120 người nhưng do không nằm tại trung tâm, không được chọn nên hiện đang trong tình trạng bị bỏ không, cỏ cây mọc đầy, hoang hóa, xuống cấp.

Cũng giống như Kim Bảng, thành phố Phủ Lý cũng đã chỉ đạo các xã, phường có kế hoạch sử dụng các NVH thừa ra, như làm thư viện, sân chơi thể thao, hội họp các câu lạc bộ văn thể, hay làm điểm vui chơi cho người già, trẻ em…

Trên thực tế đối với các NVH có sân rộng, người dân vẫn tổ chức chơi thể thao, sinh hoạt các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ. Còn những NVH xây dựng không ở trung tâm, khuất nẻo, việc bỏ hoang là khó tránh khỏi.

Với kế hoạch chuyển những NVH đó để làm thư viện và nơi vui chơi giải trí cho người già, trẻ em, để làm được phải có thêm các trang thiết bị vui chơi, tập luyện công cộng phù hợp, phải có lượng sách đủ lớn, phong phú, đa dạng và cần có cả người tổ chức, quản lý mới thu hút được người dân. Những khó khăn này nếu không giải quyết được sẽ không khai thác được công năng của những công trình NVH, dẫn dến tình trạng lãng phí rất lớn.

Trong những năm qua, việc tập trung các nguồn lực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các địa phương khá lớn, nên để tiếp tục xây mới, tu bổ, nâng cấp NVH, việc huy động đóng góp của nhân dân là hết sức khó khăn. Hiện, các đơn vị đều đã có báo cáo đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa các NVH và đều mong muốn tỉnh có cơ chế đầu tư xây dựng, cải tạo các NVH cơ sở để tạo sự ổn định trong tổ chức, hoạt động của các thôn, tổ phố sau sáp nhập. Những NVH còn lại, chủ trương đã có nhưng việc sử dụng, tận dụng thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt của các địa phương, tránh tình trạng lãng phí khi không tiếp tục khai thác được công năng của những công trình NVH cơ sở.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.