Bùi Văn Việt - Nhạc sỹ của thiếu nhi

Tiếp cận với âm nhạc từ nhỏ nhờ sống cạnh người chú là nhạc sỹ Bùi Đình Thảo, Bùi Văn Việt nhen nhóm tình yêu âm nhạc từ đó. Tuy nhiên, ông không theo nghề sáng tác, mà làm việc ở lĩnh vực mỏ địa chất ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Mãi đến khi gần nghỉ hưu, ông mới dành thời gian cho âm nhạc, trong đó ưu tiên những ca khúc viết cho thiếu nhi.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng Duy Tiên, tuổi thơ gắn bó với đồng đất chiêm trũng, được hoà mình trong không gian sáng tác âm nhạc của người chú ruột là nhạc sỹ Bùi Đình Thảo, Bùi Văn Việt đã ấp ủ trong mình một tình yêu nghệ thuật dồi dào. Dù ông không chọn âm nhạc là con đường đi của cuộc đời mình, nhưng âm nhạc đã ảnh hưởng sâu sắc đến lẽ sống và nhân cách con người ông. Ngoài những sáng tác trữ tình, Bùi Văn Việt đã để một khoảng trời riêng dành cho thiếu nhi. Ông muốn mình là người tiếp bước cha anh trong mảng đề tài này, bởi  tuổi thơ và tình yêu tuổi thơ với ông là những tình cảm trong sáng và đáng trân trọng nhất.

Bùi Văn Việt  Nhạc sỹ của thiếu nhi
Ông Bùi Văn Việt trong không gian riêng của mình dành cho âm nhạc.

Những bài hát đầu tiên sáng tác cho trẻ em là những bài hát về mái trường, về cuộc sống của những thiếu nhi vùng cao như “Ngày khai trường”, “Mùa thu đến trường”, “Mái trường của em”, “Mùa xuân theo em đến trường”, “Trường em nắng gió trên cao”, “Ruộng bậc thang”, “Tự hào biển đảo quê hương”… Bao nhiêu năm gắn bó với vùng đất Lào Cai nắng gió, mây mù, Bùi Văn Việt không chỉ yêu thương mảnh đất này mà còn yêu quý những đứa trẻ nơi đây. Đó là con em của 3.000 công nhân vùng mỏ, con em đồng bào dân tộc sống trong các bản làng. Hàng chục năm trời sống ở Lào Cai, ông không chỉ dành tâm huyết cho công việc mà còn dành sự quan tâm đặc biệt cho thiếu nhi. Ông đã từng cùng cán bộ nhân viên công ty đến các trường học, thăm các bản làng và thực tế đời sống của bà con trong mỗi dịp đầu năm học, Tết đến Xuân về. Cảm thấu cuộc sống thiếu thốn của thiếu nhi vùng cao, hiểu được mơ ước của các em, ông đã cầm bút viết nên những khuông  nhạc đầu tiên với những rung động chân thành: “Cam Đường vùng đất quê em”, “Thương quá mầu nâu”, “Hát mãi tên anh người anh hùng áo chàm”, “Tự hào trường em trường Bình Minh”, “Bình minh mặt trời, bình minh trường em”. Năm 2011, ca khúc “Trường em nắng gió trên cao” đã được các em học sinh Lào Cai biểu diễn ở cuộc thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc, đoạt Huy chương Bạc.

Những ca khúc viết cho thiếu nhi của Bùi Văn Việt sâu lắng và dịu dàng như chính tâm hồn ông. Câu từ trong đó giản dị và trong sáng dễ đi vào lòng người. Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Liên chia sẻ: “Bùi Văn Việt khá tinh tế trong thưởng thức và sáng tác âm nhạc, từ ca từ đến bố cục và cách thức tổ chức âm điệu trong tác phẩm, ông cũng tỏ ra là người rất chuyên nghiệp”. Thế nhưng, Bùi Văn Việt lại không học ở một trường lớp đào tạo bài bản nào về âm nhạc. Ông tự học và tự mày mò sáng tác theo cách riêng của mình và đó là góc nội tâm riêng của ông khi từ bé sống bên cạnh người chú ruột là nhạc sỹ Bùi Đình Thảo. 

Bùi Văn Việt  Nhạc sỹ của thiếu nhi
Ông Bùi Văn Việt chụp ảnh lưu niệm với các em thiếu nhi vùng cao.

Ông kể, khi đang là sinh viên đại học (1968 – 1973) tôi đã theo học ghi ta và học nhạc. Về cơ bản đã có kiến thức về nhạc. Nhưng sau khi ra trường, làm việc trong một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, lại quá bận rộn với công việc nên cũng gác lại niềm yêu thích của mình, rồi tự nhiên không quan tâm nữa. Mãi đến năm 2008, bấy giờ tôi đã 58 tuổi, Công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên – Tổng giám đốc, tôi thấy rằng sự nghiệp của mình đã hoàn thành, giờ là lúc tôi trở lại với niềm yêu thích của mình – Âm nhạc! Và suy nghĩ về sáng tác đầu tiên của tôi phải là một ca khúc dành tặng cho 3.000 công nhân công ty.

Trong số những ca khúc Bùi Văn Việt sáng tác, có lẽ mảng đề tài dành cho thiếu nhi làm ông trăn trở nhiều nhất. Ông đã nghe, đã sống trong từng ca từ và giai điệu của những ca khúc như “Đi học”, “Em đi giữa biển vàng”, “Đôi bàn tay thơm”, “Bà thương em”.... của nhạc sỹ Bùi Đình Thảo, nên khi ông thể hiện khả năng sáng tác của mình cũng bắt đầu từ xúc cảm về tuổi thơ của những trẻ em miền núi nơi ông đang sống và công tác. Ông đã hoà mình vào đời sống ấy, đã nhìn về thiên nhiên theo cảm thức của trẻ thơ miền núi để rồi bắt đầu những ca từ mang chất thơ như “Trường em nắng gió trên cao”, “Cam Đường đất mỏ quê em”.

Ông nói: “Khi nhạc sỹ Bùi Đình Thảo sáng tác bài hát “Đi học” phổ thơ Nguyễn Đình Chính với nét giai điệu dân ca Tày, tôi cũng đã nghĩ về một bài hát của bản thân khi viết về mái trường vùng cao. Nơi lưng chừng núi, lưng chừng mây, những ánh mắt trẻ thơ long lanh rọi qua ô cửa sổ tranh tre nứa lá với vô vàn mơ ước... Tất cả là màu xanh và cảm thức cũng xanh trong những giai điệu có vẻ như thân quen, nhưng lại khá mới mẻ và đầy sáng tạo”. Bùi Văn Việt đã sống trong khung trời đó và luôn nghĩ rằng đó là không gian tuyệt vời nhất mà cuộc đời mình đã sống và trải nghiệm. Ông đã đi qua những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào và thiếu thốn; đã sống những ngày khó khăn nhất bởi chiến tranh. Đó là những ngày tháng mưa bom khốc liệt, con đường đến trường của ông là con đường nắng gió khắc nghiệt. Ông nói: “Tôi không quên từng ngày đi qua và không quên mình đã cắp sách đến trường với chiếc mũ rơm che đầu thời chiến. Nhưng tuổi thơ ấy đã cho tôi một nghị lực và sự quyết tâm.”

Khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho sáng tác, đặc biệt là mảng đề tài dành cho thiếu nhi. Ông cũng thường xuyên về thăm quê hơn. Vì thế, ba sáng tác mới viết cho thiếu nhi Duy Tiên của ông đã được học sinh một số trường học của thị xã thể hiện thành công trong cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” như “Tự hào Duy Tiên quê ta”, “Âm vang trống hội Tịch điền”, “Em là chủ nhân tương lai”. Với giai điệu hồn nhiên, trong sáng, bài hát “Âm vang trống hội Tịch điền” thực sự làm cho thiếu nhi Duy Tiên có một niềm tự hào về truyền thống và lịch sử quê hương mình: “Trên cánh đồng rực rỡ cờ hoa/ Chào mừng xuân mới quê ta mở hội/ Ngày vui đến bốn phương sum vầy/ Cùng nhau ta rước vua về đi cày…”. Bùi Văn Việt nói rằng, ông vẫn đang viết tiếp cho thiếu nhi, viết đến khi nào trái tim ông ngừng đập!

Với ngót 20 bài hát sáng tác cho thiếu nhi, Bùi Văn Việt đã tạo cho mình một phong cách âm nhạc riêng. Khi còn sống, nhạc sỹ Hoàng Lương, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: Dẫu không phải là một nhạc sỹ chuyên nghiệp, nhưng Bùi Văn Việt đã luôn mang trong trái tim mình một cảm xúc âm nhạc đặc biệt, cảm xúc ấy có con đường thể hiện riêng biệt. Sáng tác cho thiếu nhi của anh làm tôi thích thú, hồn nhiên, trong sáng như chính tâm hồn và cuộc sống của tuổi thơ!

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.