Hát then tại sao được so sánh là “điệu hát thần tiên”?

Hát then là loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Không ai biết chính xác hát then có tự bao giờ nhưng mỗi khi được nghe hát then ở vùng núi cao nhiều người có cảm nhận như đang được nghe “điệu hát thần tiên”…

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI,  khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng xây dựng thành quách có hai vị quan nhà Mạc yêu thích đàn hát đã chế tạo ra đàn tính tẩu và lập ra tốp hát để phục vụ hát cung đình. Người dân thấy hay nên học và lưu truyền ra các vùng lân cận, hát then ra đời từ đó.

Hát then là loại hình nghệ thuật tổng hợp nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian, được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang hát vào những dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải hạn cầu may trừ tà, cầu mưa cầu mùa, chữa bệnh…

Hát then cổ

Hát then luôn đi liền với đàn tính tẩu, khi xưa người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ. Hát then là cầu nối giữa con người với trời đất và thế giới thần linh. Thông qua các bài then con người bày tỏ nỗi niềm, thể hiện ước vọng, mong muốn các vị thần tiên nghe thấu. Lời ca tiếng đàn bay bổng, thanh âm trong trẻo ngỡ như khúc nhạc trên tiên giới, nhiều người vì thế thường so sánh hát then giống như “điệu hát thần tiên”, điệu hát nơi tiên cảnh…

Hát then được sân khấu hóa

Hát then nhiều năm trở lại đây không chỉ dừng lại ở thực hành nghi lễ, một loại hình nghệ thuật trình diễn trong dân gian mà được sân khấu hóa, có nhiều cải biên so với trước kia. Ngoài các làn điệu then cổ thường được trình diễn ở các nghi lễ tín ngưỡng với các nghi thức truyền thống xuất hiện thêm nhiều làn điệu cải biên phù hợp hơn với các nghi thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Hát then giờ đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái mà đã trở thành một loại hình nghệ thuật thưởng thức quen thuộc đối với các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Người hát then là nam hoặc nữ thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng cầm cây đàn tính vừa đàn vừa hát có thể hát một mình, có thể hát tốp ca. Người hát then cũng có thể là nhiều người trong đó có người vừa đàn vừa hát, có người vừa sử dụng chùm xóc vừa múa những động tác nhẹ nhàng.

Một gia đình người Tày hát then

Bên cạnh những bài then truyền thống vẫn được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian, dựa trên giai điệu then cổ, nhiều người sáng tác ra những bài then ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi thiên nhiên núi rừng được phát trên các đài và  được đông đảo nhân dân các dân tộc trong cả nước yêu thích.

Với những giá trị văn hóa tinh thần, sáng tạo nghệ thuật độc đáo, hát then đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được lập hồ sơ gửi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo dulichvietnam.com.vn

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy