Hào hùng âm hưởng những ca khúc về phụ nữ Việt Nam thời chống Mỹ

Gần nửa thế kỷ qua, những tác phẩm âm nhạc về hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn được tôn vinh là những “bài ca đi cùng năm tháng”, tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực và dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc nước nhà.

Nói đến mảng ca khúc viết về hình tượng người phụ nữ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều khán, thính giả yêu âm nhạc dường như lập tức nhớ ngay đến âm hưởng hào hùng mà cũng rất đỗi tươi vui, duyên dáng ngân lên từ nhạc phẩm “Bài ca Phụ nữ Việt Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với giai điệu và những lớp ca từ giàu chất anh hùng ca: “Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng/Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng/Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống/Xứng danh đã trao tặng người trung hậu, đảm đang”.

Trong “Bài ca Phụ nữ Việt Nam” hình ảnh người phụ nữ “ba đảm đang”, tay cày, tay súng, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hiện lên hết sức khỏe khoắn, oai phong nhưng cũng rất mực đằm thắm, đôn hậu, tươi tắn chất thôn quê: “Cây súng thép khoác bên mình ta xốc tới/Vẫn không quên tình yêu ngô, lúa, sắn, khoai”…

Các nữ thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Điểm nhanh những ca khúc về đề tài ca ngợi hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nét nổi bật chung dễ nhận thấy nhất là: dù là ở chốn hậu phương hay nơi tiền tuyến, chân dung về các thế hệ con cháu Bà Trưng, Bà Triệu cũng đều hiện lên sáng rõ phẩm chất cao đẹp và giàu tính nhân văn - phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong ca khúc “Hai chị em” của nhạc sĩ Hoàng Vân, phẩm chất cao đẹp, nhân văn ấy hòa quyện, vút cao thành những âm hưởng vừa mang đậm chất ngợi ca, vừa sâu sắc niềm tự hào, ngưỡng mộ: “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình/Hai chị em trên hai trận tuyến/Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang/Trang sử vàng chống Mỹ, cứu nước, sáng ngời tên những cô gái Việt Nam”;“Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển, hỏi rằng có gì đẹp trong cô gái Việt Nam/Đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ/Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang/Từng cây lúa, từng cây súng, rất tự hào của cô gái Việt Nam”…

Với ca khúc “Đường cày đảm đang” (An Chung) phẩm chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam lại được thể hiện bằng những giai điệu tha thiết, bằng những lớp ca từ mộc mạc, gần gũi cùng một lối “kể chuyện âm nhạc” hết sức tự nhiên, duyên dáng và đầy ngẫu hứng: “Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang/Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng /Đào đắp mương dẫn nước quanh làng/Tiếng hát ba đảm đang”; “Ở làng quê ta cày bừa giờ gái thay trai /Từng luống cao đồng trũng ruộng ngoài /Cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài /Thay trai nay gái đua tài”.

Cùng khai thác, tạo dựng về hình tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trên tuyến đầu chống quân xâm lược nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương lại có sự thành công đến bất ngờ khi chọn hình ảnh những “liền chị” đảm đang, trung hậu nơi miền quê Kinh Bắc giàu bản sắc truyền thống dân tộc trong ca khúc “Những cô gái Quan họ”: “Quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp, đảm đang/Việc nước, việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên”; “Ai ngang qua Đông Hồ/Một chiều nắng rẽ thăm nàng Tố nữ/Ba mùa gối nhau gái hội lim dàn quân trên đồng/Lúa năm tấn vượt lên xanh ngát màu xanh trên tầm đạn thù”…

Điểm thành công nổi bật ở khía cạnh nghệ thuật trong những ca khúc viết về người phụ nữ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là mặc dù đậm chất anh hùng ca nhưng khúc thức đơn giản, linh hoạt và giai điệu, ca từ luôn có sự gần gũi, dung dị, mộc mạc, trong sáng như chính thực tế thanh tân, sôi nổi, hào hùng của cuộc sống lao động, xây dựng, chiến đấu ở khắp các mặt trận chốn hậu phương hay nơi tiền tuyến.

Chính bởi vậy nên ngay khi ra đời, các ca khúc về mảng đề tài này lập tức được công chúng hào hứng đón nhận và nhanh chóng trở thành những bài hát thuộc nằm lòng trong giới phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Hãy cùng lắng nghe, cùng cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam Anh hùng, bất khuất trong chiến đấu nơi tiền phương khói lửa: “Hôm qua chưa hề vác nặng, em chưa từng vượt suối, qua bưng, em chưa từng giãi nắng dầm mưa/Hôm nay em là chiến sĩ vai dạn dày, vững vàng bước chân/Lòng người đang độ mùa xuân/Trào dâng niềm vui đánh Mỹ, dẫu hiểm nguy em không nề”(Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ); hoặc: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng/Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát/Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu/Em đi bắc những nhịp cầu, nối những con đường Tổ quốc yêu thương/Cho xe thẳng tới chiến trường” (Cô gái mở đường; nhạc sĩ Xuân Giao)…

Trên khắp các nẻo đường, mặt trận nơi tiền phương nóng bỏng, hình tượng người phụ nữ Việt Nam trên tuyến đầu chống Mỹ hừng hực khí thế, đầy ắp sức thanh xuân hiển hiện sống động dưới nhiều góc độ phản ánh, khắc họa của các nhạc sĩ trong hàng loạt ca khúc nổi tiếng thời kỳ này. Đó là: “Em ở nơi đâu” (Phan Nhân): “Hỡi người con gái trong lửa đạn vẫn hát cười vui/Tuổi xuân em phơi phới như năm xưa đi mở đường/Chỉ nghe tiếng hát mà lòng anh yêu thương”; là “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương): “Chào em cô gái Lam Hồng/Giữa tiếng bom gào đạn dội vẫn nghe vang vang câu hò trên đường”. Đó là “Người con gái Pa Kô” (Huy Thục): “Người con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ/Dù gian khổ vượt núi băng rừng/Dù mưa bom em không ngại chi/Đi đánh Mỹ giữ núi rừng/Gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến/Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường/Gửi bộ đội Bác Hồ dân thương mà dân quý nhiều lắm/Giặc chưa hết chưa về…”; là “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp): “Ai nhanh tay vót bằng tay em/Chim hót không hay bằng tiếng hát em/Mỗi mũi tên nhọn sắc căm thù/Xiên thây quân cướp nào vô đây”...

Hòa cùng âm hưởng của những bản anh hùng ca đậm chất thanh tân, lạc quan, tươi sáng nhưng nhạc sĩ Doãn Nho trong ca khúc “Người con gái sông La” lại có những nét khắc họa độc đáo, tạo nên hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với vẻ đẹp rất riêng, thiêng liêng, mãnh liệt, giàu sức sống: “Em vừa mười tám tròn, đẹp như xuân sang/Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang/Ơi người con Xô viết”; “Quân thù xéo nát đất này từng ngày mà em đứng đó, tóc xanh tung bay/Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”…

Xuyên suốt các tác phẩm âm nhạc về đề tài người phụ nữ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là âm hưởng hào hùng, đầy ngẫu hứng và mang đậm phong cách ngợi ca, ngưỡng mộ về phẩm chất cao đẹp, nhân văn của những thế hệ con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, những thế hệ phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy