Những đội văn nghệ của người cao tuổi

Những hạt nhân văn nghệ ấy, trẻ thì 60, nhiều đã 70, 75 tuổi, ban ngày vẫn đi làm, rồi giúp con cháu việc nhà, nhưng cứ tối đến, hoặc ngày mưa gió không đi làm được họ lại tập hợp để say sưa với những điệu múa, lời hát, vở kịch.

Trong hầu như tất cả các hội nghị, lễ hội ở thôn 2, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý đều có sự tham gia biểu diễn của đội văn nghệ thôn. Với các bài hát ca ngợi Đảng, Hồ Chủ Tịch, ca ngợi quê hương đất nước, rồi tiết mục kịch ngắn, tiểu phẩm hài, đội văn nghệ của những phụ nữ cao tuổi đã mang đến những món ăn tinh thần hấp dẫn.

Một tiết mục văn nghệ của người cao tuổi thôn 2, xã Phù Vân, TP.Phủ Lý

Không chỉ biểu diễn ở thôn, xã, đội văn nghệ còn đi giao lưu ở một số địa phương trong tỉnh, được người dân đón nhận. Bà Phạm Diệu Liên, năm nay 69 tuổi, nguyên đội trưởng Đội văn nghệ thôn 2 cho biết đội văn nghệ của thôn đã có từ 15-16 năm nay, trực thuộc Chi hội Phụ nữ thôn, với số thành viên duy trì thường xuyên khoảng trên chục người. Hiện tại đội có 10 thành viên, đều ở độ tuổi trên 60 đến gần 70 tuổi. Dù đã ở tuổi này nhưng các bà vẫn tham gia làm đồng, giúp con cháu việc nhà, có bà còn ở trong đội chuyên làm bê tông. Tuổi cao, vẫn tham gia làm các công việc nhà nông vất vả, nhưng tình yêu đối với văn nghệ giúp các bà vẫn thu xếp được thời gian tập luyện thành công các tiết mục.

Bà Liên cho biết đội duy trì sinh hoạt 1-2 lần/tháng. Mỗi khi chuẩn bị có sự kiện biểu diễn, vì ban ngày còn phải đi làm nên các thành viên tập hợp vào buổi tối để tập luyện. Lớn lên và trưởng thành trong những năm tháng cách mạng hào hùng của dân tộc, lại đều là những người yêu văn nghệ từ thời trẻ nên các bà đều thuộc hầu hết các ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác, quê hương đất nước. Vì thế khi tập luyện các bà chỉ hát để khớp nhạc, tập động tác khi lên sân khấu cho phù hợp và đẹp, đều, không phải học lời.

Với các bài múa các bà xem trên mạng, sau đó học ở mỗi bài một ít, tạo thành một bài múa riêng phù hợp. Các bà cũng tự sáng tác ra những vở hài ngắn. Ở mỗi nơi đến biểu diễn, tùy vào nội dung sự kiện, đội đều lên kế hoạch tập những tiết mục phù hợp. Ví dụ hội nghị phụ nữ thì hát, múa những bài về chị em, về truyền thống phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cựu chiến binh biểu diễn những ca khúc về chiến trường, người lính. Hội làng biểu diễn những tiết mục ca ngợi Đảng, Bác, tình yêu quê hương đất nước. Trung thu của các cháu chủ yếu diễn những tiết mục tấu hài….

Hội viên người cao tuổi hiện đang là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa phương

Bà Liên cũng như các bà trong đội văn nghệ cho biết việc tham gia tập luyện và biểu diễn, các tiết mục được người dân đón nhận làm cho các bà rất vui, như một động lực tinh thần lớn trong đời sống. Vừa tham gia biểu diễn ở hội nghị tổng kết năm của Chi hội phụ nữ thôn, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, những ngày này đội văn nghệ lại đang tập luyện để chuẩn bị cho hội làng và lễ ra mắt các câu lạc bộ văn nghệ của xã.    

Chiếu chèo của Câu lạc bộ văn nghệ thôn Đông Ngoại (xã Châu Giang, huyện Duy Tiên) có 13 người gồm cả nhạc công và diễn viên, người ít nhất là 60 tuổi, nhiều nhất đã 73 tuổi. Bác Lê Xuân Trường, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đông Ngoại, đồng thời là một thành viên của chiếu chèo cho biết dù tuổi cao nhưng các bác vẫn tham gia làm đồng, công tác xã hội, giúp con cháu việc nhà. Mọi người đến với chiếu chèo vì niềm đam mê với những làn điệu truyền thống của dân tộc. Chiếu chèo thường biểu diễn các làn điệu chèo cổ, dựng hoạt cảnh, ca cảnh với nội dung về quê hương đổi mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ.

Trong các thành viên có một số bác có khả năng sáng tác, thường xem các tiết mục trên mạng, học hỏi và về viết lời cho phù hợp, sau đó đưa ra tập luyện. Các tiết mục của chiếu chèo thôn Đông Ngoại không chỉ biểu diễn ở thôn, xã mà còn được chọn đi biểu diễn ở huyện, tham gia giao lưu với một số địa phương khác, thực sự tạo nên sự cuốn hút, trở thành món ăn tinh thần ý nghĩa của người dân địa phương, đồng thời góp phần tích cực vào việc gìn giữ những làn điệu cổ truyền của dân tộc. 

Ở các thôn xóm bây giờ thanh niên đi làm công ty tối ngày, người trung tuổi bận mải làm ăn. Người cao tuổi, dù vẫn tham gia lao động, giúp con cháu, tùy theo sức khỏe từng người, nhưng cơ bản thư nhàn hơn. Và họ chính là lực lượng tham gia sôi nổi nhất, tích cực nhất vào các hoạt động, sự kiện ở địa phương, đặc biệt là các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Ở hầu khắp các thôn xóm bây giờ đều có các đội, câu lạc bộ văn nghệ của người cao tuổi. Các cụ tham gia tập luyện, biểu diễn vì niềm đam mê ca hát, vì trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ở các  hội nghị, sự kiện ở xã, thôn xóm bây giờ các tiết mục văn nghệ của người cao tuổi chiếm đa số, thực sự trở thành món ăn tinh thần cho người dân địa phương. Tham gia hoạt động văn nghệ cũng giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới.

Yên Chính 

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy