Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ: Tôi đã viết “Có một con đường” để tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ vốn có tình cảm rất đặc biệt với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh ngành giao thông - vận tải thời ông còn công tác, người đã gắn bó và để lại những dấu ấn đậm nét trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Lê Xuân Thọ đã viết nhiều ca khúc về giao thông vận tải, và “Có một con đường” là ca khúc ông viết dành tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Cách đây tròn 10 năm, trong chương trình Nghệ thuật “Huyền thoại một con đường”, kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn được tổ chức tại Quảng Bình, giai điệu ca khúc “Có một con đường” của nhạc sỹ Lê Xuân Thọ vang lên, nhắc nhớ về con đường Trường Sơn huyền thoại. Tất nhiên, đó không phải là lần đầu tiên ca khúc ấy vang lên, nhưng là thời điểm để người ta biết đến tác giả của “Có một con đường” là ai.

Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ.

Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ nói với tôi: Thời điểm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (từ 1982 – 1986), diễn ra một hội nghị lớn của ngành. Mấy anh em được giao tổ chức hội nghị đó quen biết mình, đến tận nhà đặt vấn đề sáng tác nhanh cho một bài hát về ngành để tặng cho đại biểu và hát biểu diễn tại hội nghị.

Khó quá! Thời gian gấp gáp thế này làm sao đây? Tôi bảo mấy anh em cứ ngồi đây, tôi lên phòng viết xem. Ngồi mãi không thể viết được, tiếng thời gian cứ tích tắc trôi qua. Rồi bất ngờ, trong đầu nghĩ ra đầu đề “Có một con đường…”, rồi sau đó cứ tiếp tục những ca từ “Có một con đường, thời ta đánh Mỹ. Có một con đường, đi suốt quê hương. Có một con đường, đi qua thời đại. Con đường kiên cường, con đường Trường Sơn… Nhớ lúc bom rơi, đoàn xe vượt lửa. Nhớ những đêm trăng, rừng thơm phong lan. Nhớ mắt người em, đứng gác bên đường. Nhớ lúc hành quân qua dòng suối nắng. Nhớ mọi vui buồn một thời đấu tranh. Nhớ một con đường, ngời ngời chiến công… Đất nước hôm nay, đường xa rộng mở. Khúc hát tương lai, gọi ta đi xa.  Náo nức tàu xe, nối những công trường. Mãi mãi lòng ta, vẫn còn nhắc nhớ. Có một con đường, ngời ngời chiến công...”.

Viết xong đã 23h đêm, mấy cậu vẫn ngồi đợi, tôi gọi họ lên nghe luôn bài hát. Tất cả reo lên, hay quá anh ơi! Hay quá! Giờ anh chép lại cho chúng em đi đánh máy luôn. Đồng thời, mấy anh em cũng đến nhà ca sỹ Ngọc Tân, Kiến Thành đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam để hát bài hát đó. 

Hôm diễn ra hội nghị, họ kẹp bài hát này trong tập tài liệu phát cho đại biểu, bài hát cũng được biểu diễn luôn. Rất nhiều người thích bài hát, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hỏi, ai đã sáng tác bài này? Mấy anh em giới thiệu tôi với tư cách là một kỹ sư cầu đường, làm việc trong ngành, Trung tướng ngạc nhiên lắm. Cũng từ đó, tôi và Trung tướng biết nhau, quý mến nhau vô cùng.

Bài hát ra đời sau 4 tiếng  “đặt hàng”, nhưng lại trở thành một bản nhạc nền cho nhiều chương trình nghệ thuật về Trường Sơn, phim tư liệu về Trường Sơn. Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ nói, ông sáng tác bài hát này với một tấm lòng trân trọng gửi đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người đã gắn bó và để lại những dấu ấn đậm nét trên con đường Trường Sơn huyền thoại và nhiều con đường khác. Vốn là kỹ sư cầu đường, cả cuộc đời Lê Xuân Thọ cũng gắn bó với những cây cầu và những con đường, ông thấu hiểu sự cống hiến và hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sỹ, công nhân ngành giao thông – vận tải thế nào.

Nhạc sỹ - Nhà nghiên cứu Hồ Quang Bình, lúc còn sống đã nói, nếu không có thời gian gắn bó với ngành giao thông vận tải thì Lê Xuân Thọ khó có những bài hát về giao thông hay như “Nhịp cầu Sông Mã”, “Gặp em cô gái mở đường”, “Đi suốt chiều dài đất nước”, “Tình ca người mở đường”, “Nối những đường tàu thống nhất”, “Bài ca Giao thông vận tải”… và “Có một con đường”. Nhạc sỹ Huy Thục, người đồng hương của nhạc sỹ Lê Xuân Thọ cũng nói thế.

Khi nói về ca khúc “Có một con đường”, nhạc sỹ Lê Xuân Thọ khẳng định: “Tôi không viết về con đường cụ thể nào và tôi cũng không biết sau này sẽ có con đường mang tên con đường Hồ Chí Minh được khởi công từ con đường mang tên đường Trường Sơn. Con đường tôi muốn nói trong ca khúc của mình là con đường mang ý tưởng của Bác Hồ đi tới toàn dân”.

Tôi có thắc mắc, tại sao nhạc sỹ nói sáng tác bài này để dành tặng cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà không có một từ nào nhắc đến Trung tướng? Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ cười hiền hậu: “Đúng thế! Toàn bộ lời bài hát không hề có từ nào về đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nhưng trong lòng tôi, trong suy nghĩ của tôi, ông ấy là Tư lệnh ngành giao thông vận tải, 10 năm là Tư lệnh Binh đoàn 559 Trường Sơn, người để lại những dấu ấn đậm nét nhất khi lập kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, được mệnh danh là người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn những năm chống Mỹ. Nói đến con đường 559 không thể không nói đến ông ấy. Tên tuổi cùng với sự cống hiến của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn gắn liền với Trường Sơn huyền thoại. Năm nay, đúng tròn 60 năm mở con đường này, Trung tướng đã ra đi…”.

“Có một con đường” viết theo lối tự sự, giai điệu tha thiết, tự hào với điệp khúc nhắc nhớ những kỷ niệm gắn với Trường Sơn huyền thoại… Chính điệp khúc của bản nhạc đã làm cho người nghe cảm thấy yêu tha thiết con đường, đặc biệt với những ai đã từng sống và chiến đấu ở Trường Sơn không thể không trào dâng cảm xúc nhớ thương, tự hào và mãi mãi không quên.

Bài hát ra mắt trong thời điểm chiến tranh đã kết thúc, Nam – Bắc thống nhất, vị Tư lệnh Trường Sơn lâu năm nhất đã trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, càng khẳng định ý nghĩa của con đường trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta; một con đường xuyên thời đại, một con đường làm nên lịch sử, một con đường sống và mãi mãi sống trong trái tim, nỗi nhớ của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ ta những năm chống Mỹ… Tôi thích ca từ của bài hát này, giản dị mà hàm chứa. Tôi thích tiết tấu và giai điệu của nó, vì như một dòng chảy tâm tư, nó đưa người ta đi, đưa người ta đến với con đường trong cảm xúc vừa bay bổng, vừa nhẹ nhàng, vừa tha thiết, vừa cất cao tự hào. Và cũng giống như nhiều bài hát về giao thông, “Có một con đường” cho thấy Lê Xuân Thọ vô cùng lãng mạn, vô cùng bay bổng trong tâm hồn. Ông luôn có cái nhìn lạc quan, thương mến đối với cuộc sống, công việc,  đồng chí, đồng đội. Ông yêu tự nhiên, luôn cảm động trước vẻ đẹp của tự nhiên dù đó là lúc bom lửa chiến tranh.

Ông nói: “Những người làm giao thông thực ra rất lãng mạn và có trí tưởng tượng phong phú, sinh động. Khi chuẩn bị làm một con đường hay một cây cầu, chúng tôi được đưa đến những vùng đất hoang sơ, dựng lán và dựng bạt để ở. Khung cảnh hoang sơ của những dòng suối, những con sông hiện ra trước mắt không phải ai cũng có cơ hội được ngắm nhìn đâu. Và khi những cây cầu hay những con đường được hoàn thành, cảm xúc của chúng tôi khó diễn tả thành lời. Đó là cuộc sống, là tình yêu được chắp cánh, nối dài những ước mơ và trở thành hiện thực”.

Có lẽ vì thế, bài hát viết tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là một trong những hình dung vô cùng thú vị về nghề nghiệp, về sự tương cảm giữa hai con người trên một trận tuyến…

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy