Đưa hát văn, hầu đồng đến gần công chúng

Ra đời từ tín ngưỡng dân gian lâu đời và mang đậm tính bản địa là đạo Mẫu, nghệ thuật hát Chầu văn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa độc đáo và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Hát văn, hầu đồng đã thể hiện được sức sống của mình, được sân khấu hóa và đến gần hơn với đời sống văn hóa cư dân thành thị hôm nay.

Cách đây gần chục năm, người dân TP Phủ Lý có thói quen cứ vào tối ngày rằm hằng tháng, đến Rạp Biên Hòa để xem trình diễn hát Chầu văn do Câu lạc bộ hát Chầu văn tỉnh Hà Nam tổ chức.

Nghệ nhân dân gian ưu tú Phạm Hải Hậu, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Tôi không muốn hát văn chỉ bó hẹp trong không gian mang nặng yếu tố tâm linh, mà cần được phổ biến rộng rãi hơn với công chúng. Hà Nam là một trong những vùng đất mà hát văn đã ra đời và tồn tại. Điều này ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân. Thế nhưng, sự phát triển của các loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại đã làm cho một số môn nghệ thuật truyền thống như chèo, hát văn, dân ca... bị mai một. Dù vậy, vẫn có không ít người yêu thích hát văn, mong muốn được thưởng thức hát văn như thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Họ không có điều kiện hay vì một lý do nào đó không đến được nơi chỉ dành cho hát văn như cửa đền, cửa phủ thì chúng ta phải tìm cách đưa hát văn đến với công chúng một cách gần gũi và tiện lợi nhất.

Nghệ nhân Phạm Hải Hậu chia sẻ: “Tôi và những thành viên của câu lạc bộ luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của hát Chầu văn - nghi lễ thiêng liêng của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2017”.

Đưa hát văn lên sân khấu mặc dù đã được thực hiện từ lâu nhưng tại thời điểm đó luôn gặp những khó khăn. Nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hậu cho biết: Để Chầu văn hấp dẫn người xem, cung văn phải linh hoạt để vừa chuyển lời, giọng và nhạc cho khớp với nhau. Đi với hát là diễn xướng hầu đồng, phải sát vai. Người cung văn phải thể hiện tâm lý, tình cảm. Nhìn chung, muốn hát thành 13 lối hát hay còn gọi là cách hát như: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Hãm, Vàn, Đọc, Cờn và Dồn, cung văn phải luyện tập rất nhiều, học hỏi công phu và coi đó là “nghề” là “nghiệp” của bản thân. Hầu hết nội dung trong các giá văn cổ truyền đều ca ngợi những nhân vật tiên thoại, thần thoại, những nữ thần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, cai quản Tam phủ hay Tứ phủ; những người có công với địa phương, những nhân vật lịch sử đã được trí tưởng tượng dân gian thêu dệt một lý lịch đượm màu sắc huyền bí, siêu nhiên. Các giá văn chính gồm giá văn chầu mẫu, giá văn chầu thánh... tất cả tạo nên một niềm tin tín ngưỡng vô cùng độc đáo và nhạy cảm.

Đưa hát văn hầu đồng đến gần công chúng
Một giá đồng được biểu diễn ở sân khấu ngoài trời, tại Rạp Biên Hòa (TP Phủ Lý).

Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực từng chia sẻ, muốn bảo vệ, lưu truyền di sản phi vật thể này cần có môi trường. Có những hình thức hát văn gắn với đời sống thường ngày mà không gắn với tín ngưỡng thì vẫn nên phát triển. Vì thế, sân khấu hóa hát văn không có gì xa lạ, thậm chí nếu làm tốt, hát văn đến gần với công chúng hơn, và được hiểu ở những góc độ tích cực hơn…

Nghe có vẻ xa lạ với những quy định của nghi lễ hầu bóng trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt. Tuy nhiên, hát văn và lên đồng đã được tổ chức ở phố đi bộ trong không gian văn hóa ẩm thực của TP Phủ Lý thời gian gần đây. Hoạt động này diễn ra đúng ở vị trí của Rạp Biên Hòa trước đây, giờ dành để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân.

Ông Đỗ Tiến, một người dân ở Phường Lương Khánh Thiện mê Chầu văn như điếu đổ. Chẳng buổi trình diễn hát văn, lên đồng nào ở đây mà ông không dự. Ông nói: “Khi nghe hát văn, người nghe như được thăng hoa. Giọng hát của những nghệ nhân hát văn vừa mộc mạc, chân phương mà nghe ma mị vô cùng. Lúc chậm rãi, khi đủng đỉnh thanh tao, gần gũi mà siêu thoát, trần tục mà tiêu dao… Những điệu hát kéo người nghe trở về với thế giới thần tiên, quên đi những bộn bề cuộc sống để trải lòng mình trong những điệu hồi xốn xang của câu hát”.

Bà Nguyễn Thị Hương, người dân ở Phường Lương Khánh Thiện cũng như ông Tiến đắm đuối với hát văn những đêm câu lạc bộ biểu diễn. Gắn bó với Chầu văn gần 10 năm nay, bà Hương chia sẻ: “Cuộc sống thường ngày vất vả, bon chen, có một không gian để giải tỏa ưu phiền, được thanh thản trong vòng quay cuồng nhiệt mà đời sống thôi thúc để thư giãn, mình mới an nhiên, lắng lại được. Đến đây thấy cuộc đời nhẹ nhõm…”. 

Người đến xem đông, những nghệ nhân hát văn cũng cảm thấy vui và biểu diễn hết mình. Nghệ nhân Phạm Hải Hậu nói: “Hầu hết những người tham gia Câu lạc bộ hát văn đều nhận rõ trách nhiệm của mình trong truyền bá và bảo tồn hát văn. Không những thế, họ còn sáng tạo trong biểu diễn, hát văn cổ và hát văn lời mới ca ngợi cảnh đẹp, con người Hà Nam hôm nay. Họ hát vì tình yêu với hát văn, vì mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát văn trong đời sống văn hóa, văn nghệ hiện đại”. 

Đưa hát văn hầu đồng đến gần công chúng
Người dân đi xem hát văn, hầu đồng tại phố đi bộ ở Phủ Lý vào tối thứ 7.

Rạp Biên Hòa cũ, sân khấu ngoài trời của rạp hôm nay trở thành địa chỉ quen thuộc với những người yêu hát văn của thành phố. Nó trở thành cơ sở văn hóa nuôi dưỡng hát văn tồn tại và phát triển trong đời sống văn hóa thị thành hiện đại.

Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng: Hát văn, hầu đồng đã đến gần với công chúng thành thị hơn. Dẫu còn có những ý kiến khác, nhưng tôi nhớ lại điều mà cố GS,TS Ngô Đức Thịnh, một chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu từng chia sẻ khi ông nói về lên đồng và xã hội đương đại để thấy, hát văn và lên đồng dù thực hành ở đâu, nhưng nếu nó có giá trị cho đời sống tinh thần của con người, nó sẽ tồn tại: “Cuộc sống gấp gáp, nhộn nhịp với bao áp lực dồn nén, ức chế do sự bất cập của chúng ta trong việc làm chủ và quản lý xã hội đô thị đã thúc đẩy con người tìm đến một thế giới tâm linh để giải tỏa. Cuộc sống của con người dường như được phân chia làm hai, một bên là làm việc, tìm hiểu các cơ hội với khát vọng làm giàu, con người luôn thấy thiếu thời gian, thiếu sự thanh thản; còn một bên là đời sống tâm linh, nó vừa giúp con người giải tỏa áp lực trong đời sống hiện thực để thư giãn tinh thần, vừa tìm ở đó chỗ dựa tâm linh. Nếu chỉ có đời sống hiện thực trần tục thì con người sẽ rơi vào cảm giác quá tải, bơ vơ và thiếu tự tin”.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy