Đọc sách và cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc

Ngày 21/4 hằng năm được chọn là “Ngày sách Việt Nam”, đây là ngày ra đời cuốn sách “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc có “Ngày sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đây cũng là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, phát hành sách. 

Ở Hà Nam, “Ngày sách Việt Nam” thường được diễn ra với các hoạt động trưng bày sách, giới thiệu sách hay, nói chuyện chuyên đề, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ về sách và nhất là tôn vinh những tủ sách tập thể, cá nhân góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Những hoạt động này đều do Thư viện tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức đã thu hút rất nhiều bạn đọc và những người quan tâm.

Đọc sách và cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc
Xe thư viện lưu động phục vụ các em học sinh tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý).

Không chỉ sôi động trong ngày đọc sách, tại Thư viện tỉnh, nhất là từ khi được tiếp nhận xe lưu động đã đưa sách tiếp cận gần đến bạn đọc hơn nữa, nhất là các em học sinh. Từ cuối năm 2019 – thời điểm tiếp nhận xe lưu động đến nay Thư viện tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi đưa thư viện lưu động đến các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi buổi thực hiện xe lưu động, Thư viện tỉnh đã đưa hàng nghìn bản sách với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đầy đủ thể loại đến với các em học sinh.

Bên cạnh đó, trên xe còn cung cấp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ thư viện truyền thống và thư viện hiện đại, hướng dẫn những kỹ năng tìm và đọc sách, được tiếp cận những phần mềm giáo dục trí tuệ. Đây cũng là một trong những cách thức nhằm thay đổi hoạt động thư viện truyền thống, ở đó đối tượng đến đọc và mượn sách chủ yếu là cán bộ công chức, những người nghỉ hưu, các cựu chiến binh, còn đối tượng học sinh, sinh viên lại không nhiều.

Tuy nhiên hiện nay, hệ thống thư viện công cộng trong toàn tỉnh, nhất là hệ thống cấp huyện, thị xã, thành phố lại không còn hoạt động sôi nổi như trước. Nguyên nhân là những người có tâm huyết và nghiệp vụ thư viện hầu như đã nghỉ hưu, lớp trẻ kế cận không có niềm đam mê cũng như không có hoặc ít kinh nghiệm về nghiệp vụ cũng khiến cho việc thu hút bạn đọc không hiệu quả.

Thư viện Lý Nhân, một thư viện điển hình tiên tiến cấp huyện, được thành lập từ năm 1961, đã từng là thư viện thu hút rất đông bạn đọc, có nhiều hoạt động sôi nổi và sáng tạo hướng đến bạn đọc nay cũng trầm lắng. Sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn khác, của các tiện ích công nghệ thông tin khiến sách bị coi nhẹ. Hiện chỉ còn Thư viện thành phố Phủ Lý hoạt động tương đối hiệu quả. Thư viện có kinh phí hoạt động hàng năm trên dưới 20 triệu đồng, vốn tài liệu gồm 10.550 bản sách và 15 đầu báo, tạp chí. Thư viện tổ chức phục vụ dưới hình thức kho mở - tự chọn giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm được những cuốn sách mình yêu thích.

Hệ thống thư viện cấp xã, ngoài sách luân chuyển cho các xã xây dựng nông thôn mới, cũng không có nguồn sách mới bổ sung và đặc biệt không có cán bộ chuyên trách nên cũng không phát huy được tác dụng. Tủ sách nhà văn hóa thôn, tổ phố một thời đã cho thấy rõ sự không hiệu quả trong thực hiện đưa sách đến với người dân. Với trách nhiệm cộng đồng, nhiều tủ sách gia đình, điểm đọc sách ở một số thôn, tổ phố đã rộng mở chia sẻ nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là đối với lớp trẻ. Nhưng thực tế, mặc dù với nhiều sự khuyến khích khác nhau nhưng sự tự giác hoặc chủ động tìm đến sách không nhiều. Các tủ sách, điểm đọc cơ sở hiện nay hầu hết đã đóng cửa.

Một tín hiệu đáng mừng khi hiện hệ thống thư viện trường học đang dần dần được hoàn thiện bằng việc được Thư viện tỉnh tăng cường hoạt động luân chuyển sách, phục vụ thư viện lưu động và hỗ trợ nghiệp vụ thư viện cho trường học nên phong trào đọc sách thư viện trường học đã có bước cải thiện. Việc đó, phần nào được thể hiện qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Vụ Thư viện tổ chức dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Cuộc thi có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy phong trào đọc sách trong xã hội và tìm ra những bạn trẻ ham đọc sách, có khả năng giới thiệu các cuốn sách hay, sách tốt và lan tỏa niềm đam mê đọc sách tới mọi người và bạn bè xung quanh.

Đọc sách và cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc
Các em học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020.

Tại Hà Nam, qua 2 năm (2019, 2020) tổ chức, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã được tất cả các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Năm đầu tiên tổ chức (2019), vòng sơ khảo tại tỉnh đã nhận được 18 nghìn bài dự thi của các thí sinh đến từ 91 trường trong toàn tỉnh tham gia. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn ra nhưng qua hơn 5 tháng phát động, vòng sơ khảo cuộc thi tại tỉnh đã thu hút được gần 65 nghìn bài dự thi của học sinh 193 trường học trên địa bàn toàn tỉnh; Hà Nam được Vụ Thư viện đánh giá là một trong số ít những tỉnh, thành phố có số lượng bài dự thi nhiều nhất trong toàn quốc. Những đơn vị có số bài dự thi tham gia nhiều nhất phải kể đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý); Trường THPT A Duy Tiên; Trường THPT Lý Nhân. Và những trường có bài dự thi chất lượng nhất là Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành. Các phòng giáo dục và đào tạo huyện Lý Nhân, thành phố Phủ Lý là những đơn vị tổ chức tốt cuộc thi. Qua chấm chọn vòng sơ khảo có khá nhiều bài thi có chất lượng với sự tự cảm nhận và chia sẻ cao được chọn trao giải và dự thi toàn quốc. Nhưng cũng còn một số đơn vị và học sinh tham gia cuộc thi theo phong trào. Bài thi của nhiều học sinh chép trên mạng, chép của nhau nên không thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc thi. Việc cảm nhận và chia sẻ chưa sâu sắc, việc trình bày không sáng tạo nên một số trường có số lượng học sinh tham gia đông nhưng chất lượng lại không cao.

Năm 2021, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tiếp tục được phát động, thời điểm hiện tại đã được nhiều đơn vị triển khai. Phát huy những thành tích đạt được và khắc phục những vấn đề còn tồn tại, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Hà Nam hứa hẹn sẽ góp phần khẳng định được vị trí, vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức con người, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.