Đi tìm câu hát dân ca…

Đã có lúc, dân ca Hà Nam cứ tưởng sẽ bị mai một bởi có sự tam sao thất bản, sự giao thoa vùng miền, sự xâm lấn của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại… Nhưng mạch chảy của dân ca Hà Nam không ngừng bồi đắp trong lòng dân để nó tiếp tục ngân vang những giai điệu làm tươi mới cuộc đời.

Một cảnh tái hiện hát đối vùng ngã ba sông Móng.

Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay,  Hà Nam đã có trên 1.000 câu lạc bộ, đội văn nghệ hát dân ca, hát chèo. Thành viên của những câu lạc bộ này là nông dân, người lao động các vùng quê nông thôn có tình yêu văn nghệ, yêu chèo, yêu dân ca. Trong số hàng nghìn câu lạc bộ này, có quá nửa là những câu lạc bộ văn nghệ mang tên dân ca Hà Nam….

Bà Nguyễn Thị Huyền, xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, thành viên Câu lạc bộ dân ca Hà Nam nói: “Chúng tôi là những người yêu thích văn nghệ, thích hát những làn điệu dân ca Hà Nam nên tụ hợp với nhau tạo thành một câu lạc bộ văn nghệ. Dân ca Hà Nam thực sự có sức hút lạ kỳ, làm xao xuyến tâm hồn những người dân lao động đến nỗi ai cũng cảm thấy trong mỗi bài hát đều nói về cuộc sống của mình, nội tâm của mình, tình yêu của mình, nỗi nhớ của mình… Tất cả đã đi qua theo thời gian, nhưng nhờ những câu hát ấy, ký ức thanh xuân của những cô gái, chàng trai nông thôn vùng quê chiêm trũng vẫn vẹn nguyên một cách sống động, trữ tình”. 

Gần 20 năm qua, bà Huyền vì yêu mến dân ca đã cùng với bạn bè mời nhạc sỹ Phạm Trọng Lực, người nghiên cứu, sưu tầm dân ca Hà Nam về truyền đạt, dạy hát. Ông Lực kể: “Có thời gian tôi ở đó cả tháng trời, dạy người ta hát, giải thích cho người ta hiểu các tích truyện trong mỗi bài dân ca. Chẳng hạn như bài “Hát mụa”: “Trên trời có đám mây xanh/ Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời/ Đôi ta muốn lấy nhau chơi/ Cái duyên không định thì trời không cho/ Những nơi chết dấp bờ tre/ Cái duyên cứ định trời xe em vào…”. Đây là một bài hát giao duyên ngã ba sông Móng, địa danh nằm trên lưu vực sông Châu, nơi tiếp giáp ba xã của ba huyện, thị Lý Nhân, Bình Lục, Duy Tiên. 

Bài hát bắt nguồn từ câu chuyện dã sử, kể về mối tình của cô gái họ Đào làm nghề đưa đò trên bến Thọ Kiều và chàng tướng quân trẻ của vua Lê Hoàn. Trong một lần đi đánh giặc qua bến sông Thọ Kiều, viên tướng trẻ cưỡi con ngựa trắng qua sông đúng lúc lũ kéo về. Cô lái đò họ Đào đang chở chàng và con ngựa trắng thì gặp dòng nước xoáy, cô chỉ cứu được chàng trai còn ngựa bị lũ cuốn trôi mất. Từ ân nghĩa này, hai người cảm mến nhau, rồi hò hẹn kết tóc se duyên. Không ngờ, chàng tướng quân đã hy sinh nơi trận mạc, bỏ lại lời hẹn ước. Cô gái họ Đào toan thề không  cùng ai kết tóc se duyên, giữ trọn mối tình thủy chung với tướng quân, nhưng cha cô đã bắt cô phải lấy một anh chàng đánh dậm vì gia cảnh quá nghèo. Gã đánh dậm vũ phu, ghen tuông đánh đập nàng chỉ vì mối tình cũ của vợ, nàng đã bỏ làng, bỏ cả dòng sông con đò ra đi...”.

Dân ca giao duyên ngã ba sông Móng mang âm hưởng chung của nhiều thể loại dân ca vùng Đồng bằng Bắc Bộ và có cả nét riêng của vùng chiêm trũng Hà Nam. Do làng Móng xưa là vùng sông nước, người dân giỏi chèo thuyền, chài lưới nên trong sinh hoạt tinh thần, giao lưu tình cảm của con người nảy sinh loại hình hát đối. 

Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực kể: “Chính mẹ tôi, nghệ nhân Nguyễn Thị Vỷ, con gái làng Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục hát cho tôi nghe những làn điệu ấy và bà bảo lúc bà đang gánh cỏ thì thấy dân làng Mạc hát một câu có tính thách đố, rồi bà hát đối lại, cứ thế cho đến khi nào một trong hai bên không đối lại được nữa thì mới gánh cỏ về. Có nghĩa là, hát đối là một hình thức của dân ca sông Móng, gắn với đời sống sinh hoạt, lao động của người dân quê tôi. Sau này nghiên cứu kỹ, tôi khẳng định, dân ca ngã ba sông Móng mang những nét đặc trưng riêng của Hà Nam, đó là trong những lời ca đều gắn tên địa danh làng xóm khu vực này, tính tình, dáng nết con người nơi đây cũng như những tập tục văn hóa của vùng quê ấy”.

Không chỉ những làn điệu dân ca ngã ba sông Móng, những làn điệu dân ca Hà Nam khác như hát Trống quân, hát Lải lê, hát Dậm Quyển Sơn… cũng dần dần được những nhà nghiên cứu sưu tầm, am hiểu về âm nhạc như Bùi Đình Thảo, Bùi Văn Cường, Phạm Trọng Lực… đi tìm, biên soạn lại. Cho đến giờ, họ đã tổng hợp được 30 làn điệu của hát Lải lê, hơn 30 làn điệu hát Dậm Quyển Sơn… Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nam đã sớm có chỉ đạo cho việc nghiên cứu, sưu tầm dân ca Hà Nam, thực hiện khai thác và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến trong đời sống xã hội. Từ đó, dân ca Hà Nam đi vào đời sống, khơi dậy trong tâm thức dân gian những cảm xúc tự nhiên về những tháng năm con người đã đi qua, vẫn còn những thao thức thời gian không xóa nhòa…

Không ngờ, có một ngày, một số nghệ sỹ chuyên nghiệp hát dân ca Hà Nam lại giới thiệu là bài hát dân ca Bắc Bộ, dân ca Quan họ Bắc Ninh… Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực khi đó rất bức xúc, ông nói: “Họ nói “Hát thầm” là dân ca Bắc Bộ ư? Có thể không gian trong bài hát là bối cảnh nông thôn mang dáng nét chung của vùng chiêm trũng, nhưng bài hát này có từ lâu rồi, do những người lao động quê tôi hát mỗi đêm trăng thanh. Họ ru con từ đời này qua đời khác. Giai điệu và ca từ của nó mang những đặc trưng của giao duyên sông Móng.”  Hay, bài “Hát mời” cũng thế, họ nói là dân ca Quan họ, nhưng những địa danh “làng Chanh”, “làng Dâu”, bến sông con thuyền… là ở sông Móng chứ! Cả một không gian sông nước mênh mang như thế, chẳng phải là ngã ba sông Móng hay sao?

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, một bài hát dân ca do cùng một người hát vào những lúc khác nhau đều không giống nhau... Chưa nói đến một bài hát dân ca do nhiều người hát thì sự khác nhau càng rõ ràng. Cái sự “tam sao thất bản” này không phải là một biểu hiện  thấp kém về giá trị nghệ thuật của âm nhạc dân gian. Ngược lại, nó thể hiện  tài năng sáng tạo vô cùng phong phú của quần chúng lao động... 

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến tính dị bản của dân ca và nó là phương thức chọn lọc và tồn tại của âm nhạc dân gian. Vì thế, chúng ta sẽ mất công vô ích khi định đi tìm cái gọi là “bản gốc” của mỗi bài dân ca… Và, nhạc sỹ Phạm Trọng Lực đã nghĩ dân ca Hà Nam trong con đường phát triển mạch nguồn của nó, sẽ chấp nhận những va chạm, giao thoa và mai một, nhưng vẫn là của cải chung của xã hội mà mỗi thành viên đều có quyền sở hữu, sử dụng nó… 

Tư duy ấy đã làm cho dân ca Hà Nam tiếp tục có một đời sống mới, vang vọng khắp đó đây, đi vào lòng người, đi vào đời sống. Nó tiếp tục trở thành cảm hứng cho nhiều sáng tác âm nhạc hiện đại mang âm hưởng dân gian của các nhạc sỹ, là cảm hứng cho nhiều người dân lao động thăng hoa trong cuộc sống còn bề bộn khó khăn…

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.