Đề tài huyền tích trên sân khấu chèo Hà Nam

Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nam (nay là Đoàn Nghệ thuật Chèo thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam) đã dựng một số vở chèo khai thác những huyền tích ở địa phương, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa dấu ấn văn hóa, bồi đắp những giá trị mới trong đời sống xã hội, điển hình là: “Thi Sơn huyền tích”, “Đất thiêng nơi Mả Dấu”, “Huyền tích bến Lảnh Giang”…

Được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống nhân gian, huyền tích bắt đầu từ một nguyên cớ sử thực nào đó, rồi sáng tạo, phát triển theo cảm quan của dân chúng. Ở đó, chính sử và huyền thoại hòa quyện, chúng ta có thể nhận ra vang bóng của chính sử qua huyền tích, cũng như nhờ huyền tích, những câu chuyện chính sử trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, nhiều màu sắc hơn. Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nam (nay là Đoàn Nghệ thuật Chèo thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam) đã dựng một số vở chèo khai thác những huyền tích ở địa phương, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa dấu ấn văn hóa, bồi đắp những giá trị mới trong đời sống xã hội, điển hình là: “Thi Sơn huyền tích”, “Đất thiêng nơi Mả Dấu”, “Huyền tích bến Lảnh Giang”…

Đề tài huyền tích trên sân khấu chèo Hà Nam
Cảnh trong vở Đất thiêng nơi Mả dấu.

“Thi Sơn huyền tích” (dựng năm 2016) dựa trên huyền tích vùng núi Cấm (Thi Sơn, Kim Bảng). Nội dung xoay quanh chuyện tình đẹp nhưng đẫm nước mắt của chàng Trúc, nàng Thi. Họ yêu nhau say đắm nhưng sẵn sàng hi sinh tình yêu và tính mạng bản thân để chống lại thế lực gian ác, bảo vệ bình yên cho dân làng. Chàng Trúc vì chiến đấu với lũ thủy quái, bảo vệ rừng cây mọc bên sông bấy lâu chắn bão lũ, che chở cho dân làng mà bị chúng hãm hại đến mù hai mắt. Còn nàng Thi kiệt sức vì dùng máu của mình để cứu loài cỏ quý hiếm (là thuốc chữa bệnh cho người dân) trước nguy cơ tuyệt chủng. Quyết tâm bảo vệ lẽ phải và sự dũng cảm hi sinh của họ cuối cùng đã tiêu diệt được những kẻ ác bá, giúp dân làng qua cơn hoạn nạn, hưởng cuộc sống yên bình. Thái úy Lý Thường Kiệt sau khi chinh phạt phương Nam đại thắng trở về, đi qua làng Canh Dịch (Quyển Sơn ngày nay) đã dừng chân dạy dân cấy lúa, chăn tằm. Ngài truyền thượng lệnh bảo vệ “cỏ Thi”, trồng thêm “Trúc” giữ núi Cấm, giữ làng để mãi mãi lưu danh một Thi Sơn huyền tích.

Đề tài huyền tích trên sân khấu chèo Hà Nam
Cảnh trong vở Huyền tích bến Lảnh Giang.

“Đất thiêng nơi Mả Dấu” (dựng năm 2019) khai thác huyền tích lưu truyền vùng Bảo Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm)- quê nội Lê Đại Hành hoàng đế với việc ông nội ngài được hổ táng (ngôi mộ còn gọi là Mả Dấu, hiện vẫn lưu dấu tích nơi đây). Chính vùng đất thiêng này là nơi phát tích triều Tiền Lê với chiến công “phá Tống, bình Chiêm” lừng lẫy lịch sử dân tộc cùng với mối tình huyền thoại giữa Thái hậu Dương Vân Nga và Lê Đại Hành. Vở diễn đã tạo được dấu ấn thành công nhất định, đoạt Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019.

“Huyền tích bến Lảnh Giang” (dựng năm 2020) là vở chèo được tạo tác từ hình ảnh Quan lớn Đệ Tam (thờ ở đền Lảnh Giang, Mộc Nam, Duy Tiên). Ngài là danh thần thời Hùng Vương thứ 18, có công giúp Hùng Duệ Vương chống giặc Thục Phán, được vua phong “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần”. Nội dung vở chèo nói về nàng Thị Quý vô cùng xinh đẹp ở trang Hoa Giám, vì cứu dân làng bến Lảnh Giang thoát khỏi lũ lụt nàng đã hi sinh thân mình cho Thủy thần. Khi nàng lội xuống dòng sông thì có một luồng sáng quấn lấy nàng, rồi trong cơn mê giữa đáy nước rực hồng, nàng đã trở về nhân gian trong hình thù khác lạ. Từ đó nàng Quý mang thai, rồi đến một ngày, nàng  chuyển dạ, sinh hạ một bọc, nở ra ba con rắn khiến nàng Quý vô cùng sợ hãi nhưng ba con hoàng xà lập tức lột lốt rắn biến thành ba chàng trai vạm vỡ, khôi ngô (ba chàng trai đó chính là Phạm Vĩnh, Phạm An, Phạm Lạc). Ba chàng trai từ biệt mẹ, trở về các xứ, Phạm Lạc trở về trang Đào Động, Phạm An về nơi sông nước xứ Thanh Do, Phạm Vĩnh thì ở lại bến Lảnh Giang nơi dòng xuôi cửa bể. Ba chàng trai phải ẩn dật trong thân xác hoàng xà cho đến ngày được trao truyền Thiên Mệnh.

Đề tài huyền tích trên sân khấu chèo Hà Nam
Cảnh trong vở Huyền tích bến Lảnh Giang.

Lúc bấy giờ đất Văn Lang đang trong cơn nguy biến bởi lũ giặc phương Bắc tràn sang với ý định cướp ngôi vua nên đức vua đã kêu gọi tìm hiền tài cứu nguy cho quốc thống. Phạm Vĩnh đã xin được đi dẹp giặc, sau đó chàng cho vời hai người em trở về trang Hoa Giám, cùng chiêu nạp quân sỹ, rèn giáo, luyện binh, quyết báo đền non sông, dẹp yên giặc dữ. Bằng thân pháp của danh thần, với lòng quả cảm và mưu trí hơn người, Phạm Vĩnh cùng hai người em và quân sĩ đã phá tan đạo quân thủy bộ của giặc, giành chiến thắng khải hoàn. Nhờ có công dẹp giặc nên ngài được vua Hùng phong làm Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần và được tôn vinh là “Quan lớn Đệ Tam”. Danh tướng Phạm Vĩnh hóa thân trở thành vị danh thần trong tâm thức của muôn dân. Với niềm kính trọng, biết ơn, tôn vinh ân đức của ngài, nhân dân đã xướng danh ngài là Thái tử Đệ Tam, bốn mùa hương khói thờ phụng tại đền Lảnh Giang. Và “Huyền tích bến Lảnh Giang” là một dấu ấn thành công của sân khấu chèo Hà Nam với đề tài huyền sử. Sau buổi biểu diễn tại Lễ hội đền Lảnh Giang và Tuần văn hóa du lịch Lảnh Giang (năm 2020) để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách, vở chèo “Huyền tích bến Lảnh Giang” ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội (năm 2021) được đông đảo công chúng yêu thích.

Thông qua khai thác đề tài từ những huyền tích, sân khấu chèo Hà Nam đã chuyển tải tới khán giả những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc, những thông điệp rất đời, rất mới hôm nay. Mối tình chàng Trúc - nàng Thi (Thi Sơn huyền tích) không chỉ dừng lại ở một thiên diễm tình mà qua đó còn gửi gắm những thông điệp chưa bao giờ là xưa cũ. Đó là những kẻ mưu mô, thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng; là minh chứng sâu sắc về sức mạnh của tình đoàn kết trong cộng đồng, xã hội sẽ luôn chiến thắng mọi tai ương, dịch bệnh, cường quyền, ác bá. Qua hình ảnh Lê Hoàn (Đất thiêng nơi Mả Dấu) dày công khổ luyện, dốc lòng, dốc sức lập nghĩa quân mưu cầu việc nước ở quê nội Bảo Thái để rồi có ngày dân làng hân hoan đón Thập Đạo Tướng Quân về thăm quê sau khi ông cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, đã để lại bài học sâu sắc ngợi ca những con người biết hy sinh và dấn thân vì cộng đồng; ngợi ca tình làng nghĩa xóm, luôn đùm bọc, chia sẻ ngọt bùi, giúp đỡ nhau khi gặp gian khó, nguy nan… Hình ảnh Quan Lớn Đệ Tam (Huyền tích bến Lảnh Giang) giúp người xem hiểu hơn về công lao của vị danh thần có công giúp dân chiến thắng giặc ngoại xâm và vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống, đã nêu lên thông điệp rất đời rằng cái đẹp, cái thiện, công lý không phải tự nhiên có được mà là thành quả của cuộc chiến đấu sinh tử với cái xấu, cái ác, cái bất công, bạo quyền.

Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, lý do đầu tư khởi dựng những tác phẩm nghệ thuật khai thác từ huyền tích bởi đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, luôn gắn bó với đời sống tinh thần, phản ánh tâm thức, khát vọng của nhân dân. Đưa những đề tài này lên sân khấu chèo sẽ mang đến một hình thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động, dễ tiếp cận và cũng là cách thức quảng bá về mảnh đất, con người Hà Nam đến với đông đảo khán giả yêu nghệ thuật truyền thống. Thêm nữa, các huyền tích thường chứa đựng bài học nhân văn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc.

Những vở chèo được dàn dựng từ đề tài huyền tích ở quê hương sông Châu, núi Đọi đã đem đến trải nghiệm thú vị, phù hợp thị hiếu hiện đại, song luôn bảo đảm “làm mới tích xưa” mà không sai lệch thông điệp. Bởi vậy, không chỉ người dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng mà còn thu hút, nhận được sự tán thưởng, mến mộ của đông đảo khán giả khắp mọi miền. Đó là nguồn động lực để Hà Nam tiếp tục khai thác, bảo tồn, phát huy vốn quý văn hoá dân gian, để sân khấu chèo với chức năng thẩm mĩ - giáo dục sẽ góp phần nâng cao nền tảng đời sống tinh thần cho công chúng, làm cho công chúng thêm hiểu, thêm yêu mến lịch sử quê hương, đất nước qua các tác phẩm sân khấu.

Hoàng Oanh (Sở VHTT&DL)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.