Bình Lục nỗ lực học và làm theo Bác, xây dựng huyện phát triển bền vững

Cách đây tròn 65 năm, ngày 14/1/1958, cùng với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam, Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Lục vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và dự hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh. Cùng với ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của nhân dân tỉnh nhà và huyện Bình Lục trong công tác chống hạn, bảo đảm cho sản xuất, Bác đã về thăm cán bộ, nhân dân đang tham gia lao động tại công trường thủy lợi đắp đập Cát Tường, thuộc xã An Hòa (nay thuộc thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) khen ngợi, động viên tinh thần cố gắng hoàn thành con đập để kịp thời đưa nước về cấy hết diện tích.

Để ghi nhớ công ơn và ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm, năm 2011 Khu lưu niệm Cát Tường được khởi công xây dựng tại nơi Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa năm xưa. Cây đa lưu niệm được nhân dân trồng để ghi dấu nơi Bác Hồ về thăm nay đã cao lớn, cổ thụ, cành lá sum suê che mát cả một vùng, soi bóng xuống dòng sông Sắt lung linh như một nhân chứng lịch sử, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam nói chung, của huyện Bình Lục nói riêng. Tự hào với niềm vinh dự đón Bác về thăm, 65 năm qua, cùng với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam, Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Lục đã luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bình Lục nỗ lực học và làm theo Bác xây dựng huyện phát triển bền vững
Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) tham quan, tìm hiểu về Khu lưu niệm Cát Tường. Ảnh: Thế Trang

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, cùng với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Nam, Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Lục đã không ngừng phấn đấu, vươn lên, đóng góp sức người, sức của trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đất nước thống nhất, Đảng bộ, nhân dân Bình Lục tiếp tục chung sức, đồng lòng, vượt qua những tháng ngày thiếu lương thực, vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng để phát triển kinh tế. Việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong sản xuất nông nghiệp: khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động; khoán hộ... đã thổi luồng gió mới vào đời sống nông dân nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cùng với các ngành nghề khác, xây dựng quê hương lớn mạnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, phát triển, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, những lợi thế về địa lý, thiên nhiên, con người, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, nhân dân Bình Lục đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ một vùng đất chiêm trũng, thuần nông điển hình, Bình Lục đã dần trở thành một huyện phát triển năng động. Mảnh đất “rốn nước đồng chiêm” Bình Lục hôm nay không còn cảnh chiêm khê, mùa úng, không còn hộ đói, mạng lưới đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp, mở rộng, cứng hóa bề mặt, hệ thống kênh mương và trục đường chính nội đồng được chỉnh trang, bê tông hóa. Kinh tế qua từng năm và từng nhiệm kỳ duy trì đà tăng trưởng nhanh, ổn định, cân đối, phù hợp theo định hướng phát triển chung của tỉnh Hà Nam.

Năm 2019, Bình Lục được công nhận huyện nông thôn mới với sự phát triển đồng đều, bền vững, diện mạo vùng quê Cát Tường cũng như mọi vùng quê trong huyện có sự khởi sắc mạnh mẽ. Năm 2022, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Bác về thăm, Bình Lục nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/18 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Thu nhập bình quân đầu người tăng 9,3%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,6%, thu ngân sách đạt 145,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13%. Các chủ trương mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội như phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm chủ lực; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung lãnh đạo, triển khai mạnh mẽ; văn hóa xã hội phát triển toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao.

Bình Lục nỗ lực học và làm theo Bác xây dựng huyện phát triển bền vững
Một tuyến đường ở xã nông thôn mới An Đổ (Bình Lục). Ảnh: P.V

Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, tạo chuyển biến căn bản về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phong cách làm việc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ LLVT và nhân dân. Thực hiện Chỉ thị 05, Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn huyện hiện đang duy trì 225 mô hình học tập, làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Nội dung hoạt động của các mô hình học tập, làm theo Bác dần trở thành việc làm thường xuyên, tạo sức lan tỏa tích cực và gắn liền với nhiệm vụ chính trị của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong huyện. Tiêu biểu như các mô hình: “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Ngày thứ bảy với dân”, “Hợp tác xã sản xuất nông sản sạch”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Bể thu gom rác thải ngoài đồng”, “Cán bộ, hội viên cựu chiến binh thực hành tiết kiệm theo gương Bác - tham gia phong trào quyên góp ủng hộ từ thiện, nhân đạo và ủng hộ xóa nhà không an toàn cho hội viên cựu chiến binh và nhân dân gặp khó khăn” và nhiều mô hình khác có nội dung gần sát với thực tế đời sống.

Cùng với những mô hình của tập thể, thực tế đời sống cũng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là những tấm gương đã không ngừng tự giác rèn luyện, phấn đấu vươn lên tiếp nối truyền thống anh hùng, văn hiến của quê hương trong học tập, lao động, công tác và hoạt động xã hội, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cuối năm 2022, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Bác về thăm, Huyện ủy Bình Lục đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về: xây dựng huyện Bình Lục đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; nghị quyết về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022 - 2025… thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, hành động quyết liệt trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm là dịp để Đảng bộ, nhân dân Bình Lục cùng với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà bồi đắp nhân lên niềm tin, lòng tự hào để càng vững tin bước tiếp con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Với lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao to lớn của Bác, Đảng bộ, nhân dân Bình Lục nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh như Bác kính yêu hằng mong muốn.

                 

Vũ Trùng Dương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Lục

.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy