Truyền thống hiếu học của người Bình Lục nhìn từ các nhà khoa bảng

Sinh sống trong vùng rốn nước đồng chiêm của vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, người dân Bình Lục từ xa xưa đã rất ham học hỏi theo nghĩa rộng. Sự học ấy đã xây đắp nên truyền thống lâu đời, liền mạch từ xưa đến nay. Không những ham học mà còn học giỏi, đỗ đạt cao, người Bình Lục đã góp phần xứng đáng tô thắm lịch sử giáo dục của tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam khoa cử đã góp phần thể hiện chính sách tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Tính từ đời vua Lý Nhân Tông, khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) thời Nguyễn đã mở được 185 khoa thi lấy đỗ 2.898 vị đại khoa, tức các nhà khoa bảng. Học hành thi cử ngày xưa cũng rất nhiều gian nan, khó nhọc đòi hỏi phải vững tâm bền chí. Thi cử cũng hết sức nghiêm ngặt, phải đỗ trúng cách (4 kỳ) thi Hương mới được thi Hội, thi Đình. Khoa cử thời phong kiến Việt Nam chia ra hai loại ngạch: Văn khoa và Võ khoa. Khoa thi tiến sĩ ngạch văn khoa được chú trọng và mở từ thời Lý, còn khoa thi ngạch võ khoa mãi đến thời Lê Trung Hưng mới được mở.

Nghiên cứu về khoa bảng Hà Nam nói chung, Bình Lục nói riêng trong thời phong kiến, ngoài việc triệt để khai thác, xử lý khoa học nguồn thư tịch cũ, còn phải hết sức chú ý đến tư liệu văn bia, thần phả, gia phả. Một mặt tăng cường khâu xử lý, đính chính xác minh những sai sót hay chưa chính xác của nguồn tư liệu cũ, mặt khác mạnh dạn bổ sung những nhà khoa bảng không có trong các cuốn sách đã xuất bản, từ những tư liệu phát hiện mới.

Khoa cử dưới thời phong kiến, Bình Lục tự hào có người đỗ đạt cao từ thời Lý ngạch Văn khoa, người đỗ đầu tiên khi khoa thi Võ khoa được mở. Hà Nam có 5 vị Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì Bình Lục có một vị. Người đạt học vị Tam nguyên trong suốt nền khoa cử Nho học của cả nước đếm trên đầu ngón tay thì Bình Lục cũng có một người.

Nhà khoa bảng đầu tiên của huyện Bình Lục là Nguyễn Cương, được ban quốc tính đổi cả họ tên thành Lý Công Bình. Ông sinh năm Tân Hợi (1071) tại làng Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá hiện nay. Bố ông là Nguyễn Khang, mẹ là Trương Thị Nguyệt đều làm ruộng. Ông bà tính nhân đức hay giúp đỡ người nghèo khổ. Khi Nguyễn Cương lên 7 tuổi cha mẹ cho đi học thầy đồ ở quê. Nguyễn Cương học tập chăm chỉ, lại thông minh. Năm Mậu Tý (1128) Nguyễn Cương tới kinh đô dự khoa thi Minh kinh bác học (khoa thi Tiến sỹ) và đỗ đạt. Vua Lý Thần Tông  thấy ông văn võ kiêm toàn liền gả công chúa Lan Hoa cho ông. Hai năm sau Chiêm Thành cử tướng Ma Na đem quân xâm phạm biên giới nước ta. Ông được triều đại tin tưởng giao cầm quân đi đánh quân Chiêm Thành ở Hoan Châu (Nghệ An ngày nay). Quân của ông đại thắng, chính ông đã chém đầu Ma Na tại trận. Vua Lý Thần Tông phong cấp cho các tướng sỹ và cho ông Cương thực ấp ở xã An Lão (Bình Lục). Ông mất ngày 10 tháng 10 năm Tân Hợi (1141) triều đình tôn phong ông là “Thượng đẳng phúc thần”, các triều sau sắc phong là “Thiên cương linh thông phù vận Đại vương”. Dân làng Thanh Nghĩa thờ ông làm Thành hoàng tại đình.

Trong lịch sử nền giáo dục và khoa cử Nho học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) giữ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu suốt 3 triều đại Lý - Trần - Hậu Lê. Thiết chế ghép này mang hai chức năng ở tầm quốc gia. Đó là nhà “Quốc tế” - Văn Miếu thờ Khổng Tử và các vị Tiên sư của Nho giáo, nhưng nổi bật và bao trùm là ở cương vị nhà “Quốc học” - Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho đất nước. Quốc Tử Giám Thăng Long thực sự là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, với cấp học cao nhất dưới chế độ phong kiến do triều đình trực tiếp quản lý từ việc định ra nội dung học tập, bổ nhiệm quan chức, cấp tiền đến việc giảng dạy thụ học của học sinh.

Người phụ trách Quốc Tử Giám, đồng thời kiêm chủ tế ở Văn Miếu được triều đình chọn lọc rất kỹ, phải là các vị danh nho, đại thần, tài cao, đức trọng, giỏi về thi thư Nho học và quản lý, thực hành công việc giảng dạy học tập. Chức vụ cao nhất quản lý toàn diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Tế tửu, giúp việc Tế tửu là Tư nghiệp, tương đương với hiệu trưởng, hiệu phó trường đại học ngày nay.

Trong quá trình tồn tại đã có 58 vị Tế tửu phụ trách Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội), trong đó có 4 vị quê Hà Nam lần lượt là Dương Bang Bản (Lê Tung), Nguyễn Mạo, Trương Công Giai và vị Tế tửu cuối cùng là Nguyễn Kỳ.

Nguyễn Kỳ người làng An Lão (xã An Lão). Ông sinh năm 1718, mất năm nào không rõ. Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo nhưng Nguyễn Kỳ rất ham học. Năm 31 tuổi (1748) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 đời vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân. Làm quan đến chức Đông các Đại học sỹ, Tế tửu.

Tương truyền do mồ côi từ nhỏ, Nguyễn Kỳ mò cua bắt ốc kiếm ăn và học lỏm chữ thầy. Thấy vậy thầy đồ thương tình đã bỏ công dạy dỗ. Ham học, lại thông minh nên Nguyễn Kỳ đã đỗ đạt cao, trở thành nhà khoa bảng có tiếng tăm.

Thi cử Nho học (Hán học) dưới thời phong kiến có 3 cấp thi: khu vực là thi Hương, quốc gia là thi Hội, thi Đình. Thủ khoa kỳ thi Hương là Giải nguyên, thi Hội là Hội nguyên, thi Đình là Đình nguyên, số người đạt Tam nguyên (đứng đầu cả 3 kỳ thi) không nhiều. Bình Lục vinh dự, tự hào có Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến - vị Tam Nguyên duy nhất của tỉnh Hà Nam.

Truyền thống hiếu học của người Bình Lục nhìn từ các nhà khoa bảng
Học sinh các nhà trường thường xuyên đến trải nghiệm học tập tại Từ đường Nguyễn Khuyến (Vị Hạ, Trung Lương, Bình Lục). Ảnh: Thế Vĩnh

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo ở làng Vị Hạ (Và) xã Trung Lương (Bình Lục). Từ thuở nhỏ, Nguyễn Khuyến học cha. Năm 1825, đi thi Hương lần thứ nhất cùng với cha, song không đỗ. Năm sau, địa phương có dịch thương hàn, ông mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột, bố mẹ vợ cùng nhiều họ hàng thân thuộc đều qua đời. Gia đình ông đời sống vô cùng khó khăn. Từ năm 1854, ông đi dạy học để có tiền tiếp tục học và đi thi. Song các khoa thi tiếp theo 1855, 1858 ông lại bị trượt. Không nản chí, ông tìm đến học Tiến sỹ Vũ Văn Lý ở xã Vĩnh Trụ (nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân). Năm 1864 ông đi thi Hương và đỗ đầu (giải nguyên). Tiếp theo ông thi Hội các khoa năm 1865, 1868 đều bị trượt. Ông ở lại kinh đô Huế vào học Quốc Tử Giám. Cho đến năm 1871, Nguyễn Khuyến liên tiếp đỗ đầu hai kỳ thi Hội (Hội nguyên), thi Đình (Đình nguyên) khi ông đã 37 tuổi. Lận đận gần 30 năm trời đèn sách, với 9 lần lều chõng đi thi, với tinh thần ham học, sự bền bỉ và một cố gắng vượt bậc, Nguyễn Khuyến là một tấm gương sáng của truyền thống hiếu học quê hương đồng chiêm Bình Lục.

Bình Lục là vùng quê có truyền thống thượng võ mà tiêu biểu là các lò võ An Bài (Đồng Du), Cát Lại (Bình Nghĩa), Vũ Bị (Vũ Bản) và xa xưa đã có nhà khoa bảng ngạch võ khoa.

Võ khoa dưới thời phong kiến chỉ có 2 kỳ thi là thi Hương gọi là “Sơ cử” và thi Hội gọi là “Bác cử”. Đỗ Sơ cử gọi là Tạo toát. Đỗ thi Bác cử gọi là Tạo sĩ. Võ khoa mãi tới năm 1724 mới có khoa thi Bác cử đầu tiên và Bình Lục có người đỗ ở khoa thi này. Ông là Trần Ngọc Cấp (1684 - 1748) người thôn Phù Tải, xã An Đổ. Sau khi đỗ đạt ông được cử giữ chức Chi thụ chánh đội trưởng, lập nhiều chiến công với triều đình.

Ngoài những nhà khoa bảng nêu trên, những tư liệu đáng tin cậy trong các sách đã xuất bản còn cho chúng ta biết các nhà khoa bảng ngạch văn khoa của huyện Bình Lục đỗ Tiến sỹ thời phong kiến: Nguyễn Khắc Hiếu, không rõ năm sinh, năm mất, người làng Thanh Khê (xã Đồn Xá), đỗ khoa Minh Kinh (Tiến sỹ) năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ. Vâng mệnh đi sứ sang nhà Minh. Làm quan đến chức Hàn lâm viện trực, học sỹ Nhập thị kinh diên.

Phạm Phổ, không rõ năm sinh, năm mất, người thôn Yên Bài (xã Đồng Du). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông. Sau ông lại thi đỗ khoa Hoành Từ (1464). Làm quan đến chức Thái tử thị giảng.

Nguyễn Tông Mại (1708 - ?) người thôn Yên Đổ, xã An Đổ, 29 tuổi đồ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.

Trần Huy Côn (1816 - ?) quê xã Vũ Bản. Năm 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Làm quan đến Thị giảng học sĩ.

Nguyễn Hoan (1858 - 1908) con ruột của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884), đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889). Ông giữ chức Tri phủ Lý Nhân, sau làm Đốc học Hải Dương.

Như trên đã đề cập, thần phả về các vị Thành hoàng làng là một nguồn tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu các nhà khoa bảng. Từ đây chúng tôi đã phát hiện trường hợp nhà khoa bảng Trần Thế Vinh người làng Văn Ấp, xã Bồ Đề được thờ làm Thành hoàng ở đình làng. Thần phả cung cấp tư liệu đáng tin cậy, cụ thể (nhiều trường hợp khác chúng tôi chưa nêu trong bài viết). Theo đó Trần Thế Vinh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân, niên hiệu Hồng Đức 5 (1475) đời vua Lê Thánh Tông (1460- 1497).

Các nhà khoa bảng Bình Lục, hội tụ và tỏa sáng truyền thống hiếu học, học giỏi của vùng đồng chiêm - rốn nước hạ lưu châu thổ sông Hồng.

Hoàng An

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy