Nghề truyền thống trống Đọi Tam

Nói về làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên chúng ta nghĩ đến một làng quê gắn bó với nghề làm trống nổi tiếng qua nhiều thế hệ.

Tương truyền, năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời. Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản nên sau này nhà vua đã cho phép hai ông lên kinh thành lập phố làm nghề. Cũng từ đây, dân làng đã tôn hai ông là “Trạng Sấm”. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, phố nghề này tuy không còn nhưng vẫn mang tên Hàng Trống ở khu phố cổ Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm trống ở Đọi Tam giờ vẫn được giữ gìn.

Trống Đọi Tam được sử dụng trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2019

Để làm được một chiếc trống phải trải qua nhiều công đoạn và vật liệu chủ yếu là gỗ mít, da trâu, tre cùng bí quyết riêng của làng nghề. Chính từ bí quyết được truyền lại nên trống ở Đọi Tam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước.


Công đoạn đầu tiên là xẻ gỗ và phơi gỗ sau khi lựa chọn được những cây gỗ mít tốt từ những vùng rừng, núi của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An...
Tiếp đến là công đoạn dựng trống bằng cách ghép những thanh gỗ vừa khít lại với nhau.

Anh Phạm Tiến Việt, một trong những người đã được công nhận thợ giỏi trong làng cho biết, một người thợ lành nghề, một ngày có thể dựng được ít nhất 10 chiếc trống.

Ở Đọi Tam, trống được sản xuất với đủ loại kích cỡ.
Công đoạn thuộc da cũng rất quan trọng, không được dày quá và cũng không được mỏng quá vì nó sẽ quyết định đến độ vang của trống. 

Sau khi thuộc da xong, tiếp đến là công đoạn phơi da. Ông Phạm Chí Oanh, người có trên 40 năm làm nghề cho biết: Để bảo đảm được độ bền của mặt trống, da phải được phơi từ 2 nắng trở lên và thời gian ít nhất phải từ 12 đến 20 tiếng đồng hồ.
Sau khi da trâu đã bảo đảm đủ tiêu chí, tiếp đến sẽ là công đoạn bưng trống do những người thợ có nhiều kinh nghiệm thực hiện, bảo đảm mặt trống được căng, mịn nhất, tạo được âm vang, trầm bổng....


Mỗi chiếc trống sau khi hoàn thiện, người thợ sẽ phải gõ thử để bảo đảm chiếc trống làm ra đủ tiêu chuẩn có tiếng to, vang, trầm.....

Ngày nay, ngoài sản xuất trống truyền thống, các cơ sở của làng Đọi Tam còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng khác như thùng rượu, bồn tắm, chậu ngâm chân... để nâng cao thu nhập
Thế Trang

Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.