Đổi mới đánh giá, xếp loại học viên giáo dục thường xuyên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Đổi mới đánh giá xếp loại học viên giáo dục thường xuyên
Giờ học thực hành của học sinh. Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định về "Các loại kiểm tra, đánh giá" (Điều 6a) như sau: Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học viên theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên mức độ cần đạt của môn học quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.

Khuyến khích đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, đạo đức, lối sống

Dự thảo cũng quy định: Các bài kiểm tra, đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm kiểm tra là một số nguyên hoặc số thập phân. Phần thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Hình thức kiểm tra, đánh giá gồm: Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Khuyến khích đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học viên trong mỗi học kỳ, cả năm học. Kết quả nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học viên không ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, được giáo viên các môn học phối hợp với giáo viên chủ nhiệm sau mỗi học kỳ tham khảo khi xếp loại hạnh kiểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Giáo dục thường xuyên nhằm mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, những năm qua, hoạt động giáo dục thường xuyên được ngành giáo dục chú trọng đổi mới và đạt được kết quả tích cực.

Hoạt động giáo dục thường xuyên hiện nay khá đa dạng, gồm các hoạt động xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ, dạy học văn hóa theo chương trình giáo dục trung học, hoạt động bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng…

VGP News

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.