Áp dụng quy định mới xử phạt vi phạm hành chính về giáo dục nghề nghiệp từ ngày 12/12

Các quy định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong Nghị định số 88/2022/NĐ-CP mới ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12.

Áp dụng quy định mới xử phạt vi phạm hành chính về giáo dục nghề nghiệp từ ngày 1212
Ảnh minh họa

Bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định hiện hành

Ngày 26/10, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 88/2022/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022.

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định hiện hành do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Nghị định khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ban hành trước đó. Văn bản sửa đổi, bổ sung các nội dung bảo đảm phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.

Nghị định góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói chung và trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Nghị định bảo đảm tất cả các hành vi vi phạm hành chính về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đều có hình thức xử lý theo quy định.

Nghị định quy định bao quát đầy đủ, toàn diện về phạm vi, đối tượng áp dụng, các hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt và các quy định khác để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Việc làm; Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Phạt tiền tối đa 150 triệu đồng với vi phạm hành chính về giáo dục nghề nghiệp

Nghị định số 88/NĐ-CP nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Nghị định cũng quy định 4 hình thức xử phạt bổ sung. Đó là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Theo Nghị định số 88/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Hộ kinh doanh, hộ gia đình có mở lớp đào tạo nghề vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì được coi là tình tiết tăng nặng để làm căn cứ xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 1 năm.

Với vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo, người dạy, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định; Bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá định mức giờ giảng theo quy định.

Phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo, người dạy không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ để giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hoặc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Các mức phạt cụ thể như: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp; Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ nhà giáo cơ hữu theo từng ngành, nghề, trình độ đào tạo theo các mức sau: Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với đào tạo trình độ sơ cấp; Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Phạt tiền đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ học sinh, sinh viên trên giáo viên, giảng viên theo các mức: Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm tỷ lệ học sinh, sinh viên trên giáo viên, giảng viên vượt từ 30% đến dưới 50%; Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm tỷ lệ vượt từ 50% đến dưới 100%; Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm tỷ lệ vượt từ 100% trở lên.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trước đó, Nghị định số 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện từ năm 2015 đến 2021. Qua đó, các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục xử phạt, đúng mức xử phạt, áp dụng đúng các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt 100%. Các vụ, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm dần qua các năm cả về số lượng và mức độ vi phạm.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 79/2015/NĐ-CP, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 116 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính. 76 tổ chức và 23 cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

Các cơ quan thanh tra còn ban hành một số biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp vi phạm. Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thanh tra hủy bỏ kết quả kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp với gần 14 nghìn người học.

Riêng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hồ sơ 1 vụ việc vi phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự.

Tính đến tháng 6/2021, toàn quốc có 131 thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 120 thanh tra của 63 sở lao động-thương binh và xã hội các địa phương.

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy