Xây dựng và thực hiện chế độ đặc thù cho vận động viên thành tích cao

Trong 10 năm (2010 – 2020), thể thao thành tích cao tỉnh Hà Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật trong các kỳ đại hội, các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, thể thao thành tích cao của tỉnh tham gia 20 - 25 giải thể thao khu vực và quốc gia, đạt 70 - 80 huy chương các loại; đóng góp từ 70 - 75 lượt vận động viên (VĐV) cho các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Để thể thao thành tích cao Hà Nam phát triển cao hơn nữa, ngoài tăng số lượng VĐV đào tạo tập trung còn rất cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đặc thù và định mức cấp phát trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu của VĐV.

Chế độ dinh dưỡng là mức ăn hằng ngày được tính bằng tiền cho các VĐV. Số tiền này sẽ được điều chỉnh khi giá cả thị trường biến động tăng trên 10%. Tính từ năm 2008, mức tiền ăn hằng ngày của VĐV tuyển tỉnh là 90 nghìn đồng/VĐV, tuyển trẻ 70 nghìn đồng/VĐV và tuyển năng khiếu 50 nghìn đồng/VĐV. Trong thời gian tham gia thi đấu, mức tiền này được tăng lên 120 nghìn đồng/VĐV tuyển tỉnh và 90 nghìn đồng/VĐV cả  2 tuyển trẻ và năng khiếu. Sau nhiều lần điều chỉnh, áp dụng Thông tư điều chỉnh mức độ dinh dưỡng đặc thù cho VĐV thành tích cao của Bộ Tài chính, từ năm 2018 đến nay, các VĐV Hà Nam được ăn với chế độ hằng ngày 220 nghìn đồng/VĐV tuyển tỉnh, 175 nghìn đồng/VĐV tuyển trẻ và 130 nghìn đồng/VĐV tuyển năng khiếu. Trong thời gian thi đấu tiền ăn của các VĐV được tăng lên 290 nghìn đồng/VĐV tuyển tỉnh, 220 nghìn đồng/VĐV tuyển trẻ và năng khiếu. 

Xây dựng và thực hiện chế độ đặc thù cho vận động viên thành tích cao
Phong Phú Hà Nam đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển quốc gia (ảnh Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia hội quân tập luyện cho mùa giải năm 2021).

Cùng với chế độ tiền ăn là chế độ tiền công hằng ngày dành cho các VĐV. Tuy nhiên, chế độ tiền công của các VĐV từ năm 2018 trở về trước rất thấp, không đủ đóng bảo hiểm. Năm 2019, áp dụng các văn bản của Trung ương và của tỉnh các VĐV tuyển tỉnh bắt đầu được đóng bảo hiểm và tiền công được quy ra tiền lương là 180 nghìn đồng/VĐV/ngày (26 ngày/tháng). Các VĐV tuyển trẻ và năng khiếu lần lượt nhận tiền công là 75 và 55 nghìn đồng thì được hỗ trợ 75 nghìn đồng/VĐV/ngày để có tiền đóng bảo hiểm.

Như vậy, có thể thấy mức độ tiền ăn và tiền công của các VĐV thành tích cao cơ bản đã được cải thiện, nhưng nếu so với các tỉnh trong khu vực, các chế độ này không bằng làm nảy sinh tâm lý so sánh trong lực lượng VĐV, gây khó khăn trong việc giữ chân các VĐV có thực lực và giàu kinh nghiệm. 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng thể thao thành tích cao của tỉnh, hướng tới khẳng định vị thế của mình, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ra Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định một số chế độ, chính sách đãi ngộ, định mức cấp phát trang thiết bị tập luyện và thi đấu đối với huấn luyện viên, VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Hà Nam trình HĐND thảo luận, thống nhất ra nghị quyết thực hiện.

Theo phạm vi điều chỉnh về một số chế độ, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao, chế độ dinh dưỡng đối với VĐV trong thời gian tập trung tập huấn mức ăn hằng ngày tăng lên 240 nghìn đồng đối với VĐV tuyển tỉnh, 200 nghìn đồng với VĐV tuyển trẻ và 140 nghìn đồng với VĐV tuyển năng khiếu. Chế độ dinh dưỡng đối với VĐV trong thời gian tập trung thi đấu với tuyển tỉnh 320 nghìn đồng/ngày, tuyển trẻ và tuyển năng khiếu 240 nghìn đồng/ngày. Trong tờ trình có đề ra mức chi đặc thù khác đối với VĐV, như: VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc được hưởng chế độ dinh dưỡng 480 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian không quá 60 ngày. VĐV tham gia các giải thi đấu sẽ được hưởng chế độ thực phẩm chức năng là 50 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian không quá 60 ngày đối với Đại hội TDTT toàn quốc, 45 ngày đối với giải vô địch quốc gia và 30 ngày đối với các giải khác.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, mức lương theo quy định một số chế độ đãi ngộ với VĐV cũng được đưa ra, cụ thể VĐV còn được hỗ trợ thêm tiền hằng tháng, như: VĐV đạt Huy chương Vàng (HCV), Huy chương Bạc (HCB) tại giải vô địch quốc gia; Huy chương Đồng (HCĐ) giải vô địch quốc gia môn Bóng đá nữ; thi đấu hạng đội mạnh quốc gia môn Bóng chuyền; huy chương tại Đại hội TDTT  toàn quốc hoặc HCB, HCĐ tại Giải vô địch Đông Nam Á (hoặc tại SEAgames) mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/người/tháng. VĐV đạt HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á (hoặc tại SEAgames), HCB, HCĐ tại Giải vô địch châu Á hoặc tại Asiad mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/người/tháng. VĐV đạt HCV tại Giải vô địch châu Á hoặc tại Asiad hoặc HCB, HCĐ tại Giải vô địch Thế giới hoặc tại Olympic mức hỗ trợ 15 triệu đồng/người/tháng. VĐV đạt HCV tại Giải vô địch Thế giới hoặc tại Olympic mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tối đa VĐV được hưởng hỗ trợ kể từ ngày VĐV đạt tiêu chuẩn huy chương đến kỳ tiếp theo của giải đấu vô địch (giải vô địch quốc gia, giải vô địch Đông Nam Á, giải vô địch châu Á, giải vô địch thế giới) hoặc kỳ tiếp theo của Đại hội (Đại hội TDTT toàn quốc, SEAgames, Asiad, Olympic). 

Một chế độ nữa cũng được trình là VĐV thể thao của Hà Nam trong thời gian được triệu tập vào cấp đội tuyển quốc gia, ngoài được hưởng nguyên chế độ tiền lương, tiền hỗ trợ tại địa phương theo quy định còn được hỗ trợ thêm bằng tiền mặt hằng tháng, như sau: Đội tuyển quốc gia 6 triệu đồng/người/tháng; đội tuyển trẻ quốc gia 4 triệu đồng/người/tháng; đội tuyển trẻ các lứa tuổi quốc gia 3 triệu đồng/người/tháng. Mức chi hỗ trợ được tính theo thời gian mà VĐV có mặt thực tế được triệu tập vào cấp đội tuyển quốc gia theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác đã được đưa ra trước đây nhưng  chưa có quy định cũng được đưa ra đợt này. Đó là các chính sách hỗ trợ VĐV vừa tham gia tập luyện thi đấu, vừa tham gia học chuyên nghiệp với sự hỗ trợ tiền học phí, học bù; chính sách đãi ngộ với các VĐV thuộc đối tượng được hỗ trợ ngoài lương không còn khả năng thi đấu thôi làm VĐV mà đã tốt nghiệp các trường TDTT, có bằng cấp chuyên môn phù hợp thì được xét tuyển đặc cách vào làm việc tại ngành giáo dục – đào tạo, hoặc ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Tờ trình cũng trình nội dung cụ thể về trang thiết bị tập luyện thường xuyên, tập huấn và thi đấu của 8 môn thể thao mà Trung tâm HL&TĐ TDTT đang huấn luyện.

Với tính chất đặc thù, các VĐV được tuyển chọn tập luyện tập trung tại Trung tâm HL&TĐ TDTT từ khi mới 12 – 13 tuổi, đến độ tuổi đạt thành tích cũng phải mất ít nhất từ 3 – 5 năm, sau đó đến độ tuổi chín muồi và thoái trào thường vào khoảng trên dưới 30 tuổi. Với VĐV đây là quãng thời gian có thể cống hiến, nhưng với xã hội đây là độ tuổi gọi là sung sức và phấn đấu tốt nhất trong công việc. Hết độ tuổi đó, không còn thi đấu, không có các chế độ, các VĐV rất cần có các chính sách trọng dụng đúng với trình độ năng lực, sở trường và những gì họ đã tận tâm cống hiến trong khoảng thời gian thi đấu và giành thành tích cho thể thao tỉnh nhà.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.