WHO khuyến nghị 5 công cụ chống biến chủng Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các nước đẩy mạnh tiêm chủng, giám sát phát hiện sớm và điều trị F0, điều chỉnh chiến lược chống dịch phù hợp thực tế.

Takeshi Kasai, Tổng giám đốc WHO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói trong cuộc họp trực tuyến ngày 3/12, rằng nhiều quốc gia đang tiến đến "lằn ranh đỏ", khi số ca nhiễm nCoV nặng và nguy kịch vượt quá khả năng của bệnh viện và các ICU. Khi đạt tới điểm đó, chính phủ có rất ít lựa chọn ngoài áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nhân viên và hệ thống y tế, đồng thời ngăn số ca tử vong gia tăng.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan, các biện pháp kiểm soát biên giới chỉ giúp "câu giờ". Để đẩy lùi dịch bệnh triệt để, các quốc gia cần chuẩn bị cho những đợt bùng phát mới. "Bằng cách điều chỉnh các biện pháp ứng phó tùy thuộc và tình hình của từng quốc gia, sử dụng kết hợp 5 công cụ chính, chúng ta có thể tránh được lằn ranh đỏ và giảm thiểu tác động của Covid-19 đến sức khỏe cộng đồng, tránh gián đoạn kinh tế", ông Kasai nói.

Công cụ đầu tiên là vaccine. Theo WHO, những nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, số ca nhiễm nCoV nặng và tử vong giảm, kể cả ở cộng đồng có nguy cơ cao như nhân viên y tế tuyến đầu, người có bệnh nền hoặc người gặp khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ y tế.

Công cụ thứ hai là duy trì quy định về sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh hiệu quả trong các giai đoạn trước. WHO cho rằng đây vẫn là chiến lược chủ chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 nói chung và biến chủng Omicron nói riêng.

Các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, ứng phó đại dịch tùy theo tình hình thực tế của từng quốc gia. Các nước có thể tái phong tỏa nếu cần thiết, dù chúng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội.

Ông Kasai đề xuất các trường học chuyển từ cách tiếp cận trong thời buổi "không có rủi ro" sang "có rủi ro", tức là thường xuyên đánh giá nguy cơ bùng dịch và có phương pháp thích ứng phù hợp, tương tự các doanh nghiệp, nơi làm việc trong giai đoạn trước. Bằng hình thức này, trường học có thể mở cửa trở lại an toàn.

WHO khuyến nghị 5 công cụ chống biến chủng Omicron
Ông Takeshi Kasai, tổng giám đốc WHO khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong buổi họp trực tuyến tại Manila, Philippines. Ảnh: WHO

Yếu tố thứ ba là điều chỉnh cách điều trị Covid-19. Theo WHO, trong giai đoạn mới, người bệnh không triệu chứng hoặc nhiễm bệnh nhẹ có thể tự cách ly, hồi phục tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Các nước cần đảm bảo có sẵn giường và khu hồi sức tích cực cho người triệu chứng nặng.

Công cụ quan trọng thứ 4 là giám sát, phát hiện sớm F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng ở các khu vực đã ngăn chặn thành công virus hoặc những nơi có khả năng ứng phó dịch hạn chế. Thông qua giám sát chủ động, giới chức có thể phát hiện sớm những chuỗi lây truyền và xử lý có mục tiêu.

Công cụ cuối cùng là kiểm soát biên giới. WHO cho rằng các nước cần thực hiện chiến lược này dựa trên rủi ro, tính toán đến năng lực và bối cảnh địa phương, đồng thời liên tục điều chỉnh biện pháp dựa trên tình hình thực tế. Chính phủ cần lường trước khả năng xuất hiện biến chủng mới.

"Khả năng bao phủ vaccine và năng lực y tế càng cao thì biên giới càng rộng mở", ông Kasai nói. Theo ông, đây là cách để châu Á - Thái Bình Dương thích ứng, "sống chung" với virus về lâu dài, ngay cả khi có những đợt bùng phát mới trong tương lai.

"Tôi xin nói rõ, điều này không có nghĩa là từ bỏ kiểm soát Covid-19. Thay vào đó, chúng ta sẽ liên tục điều chỉnh, kết hợp các công cụ, hành động dựa trên rủi ro trong từng bối cảnh cục bộ, khi virus phát triển theo thời gian", ông Kasai nói.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy