Vì sao người bệnh tiểu đường thường xuyên mất ngủ?

Tăng đường huyết làm tăng cảm giác khát và đi tiểu thường xuyên, hạ đường huyết khiến người bệnh tiểu đường đổ mồ hôi, đánh trống ngực gây khó ngủ.

Tiểu đường là căn bệnh mạn tính gây ra sự gián đoạn trong quá trình chuyển hóa đường (glucose), dẫn đến lượng đường trong máu cao. Chăm sóc, điều trị bệnh tiểu đường hướng đến mục tiêu giải quyết hoặc kiểm soát lượng đường trong máu. Các biện pháp gồm kiểm soát căng thẳng, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc...

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Clin Endocrinol Metab của Mỹ năm 2020, các nhà nghiên cứu chỉ ra ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngược lại, người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, buồn ngủ vào ban ngày và chất lượng giấc ngủ kém. Trong hơn 11.320 người được nghiên cứu, khoảng 39% người mắc bệnh tiểu đường bị mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém.

Theo lý giải của các nhà khoa học, bệnh tiểu đường và giấc ngủ có mối liên hệ với nhau vì khi lượng đường trong máu của người tiểu đường cao (tăng đường huyết) có thể làm tăng cảm giác khát và đi tiểu. Đi tiểu thường xuyên làm giấc ngủ bị gián đoạn. Với người bị hạ đường huyết, họ thường bị đổ mồ hôi, đánh trống ngực và mơ màng. Những cảm giác này khiến người bị tiểu đường khó đi vào giấc ngủ sâu.

Vì sao người bệnh tiểu đường thường xuyên mất ngủ
Người bệnh tiểu đường cần theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ảnh: Freepik

Khi ngủ không đủ giấc, nội tiết tố sẽ bị mất cân bằng, làm giảm mức độ leptin (hormone cảm giác no) và tăng mức độ ghrelin (hormone đói). Sự rối loạn nội tiết tố này cũng dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn, làm tăng lượng đường trong máu. Các nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ giữa các vấn đề về giấc ngủ với kháng insulin, tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Cụ thể, thiếu ngủ có thể làm tăng kháng insulin tăng lượng đường trong máu quá giờ có thể làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường nhiều khả năng mắc các tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, bệnh thần kinh ngoại biên và hội chứng chân tay bồn chồn...

Chứng ngưng thở lúc ngủ

Tại Mỹ, chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến khoảng 2/3 số người mắc bệnh tiểu đường. Ngưng thở khi ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó, nhịp thở của một người bắt đầu và ngưng lại liên tục trong đêm. Ngưng thở khi ngủ thường xuyên có thể làm thiếu oxy trong máu. Tình trạng này xảy ra do xẹp đường thở trên tái phát và có liên quan đến tình trạng viêm toàn thân và căng thẳng oxy hóa. Đối với người mắc tiểu đường, ngưng thở khi ngủ gây rối loạn dung nạp glucose do kháng insulin. Tình trạng ngưng thở khi ngủ càng nghiêm trọng thì việc kiểm soát đường huyết bị tác động nhiều hơn.

Vì sao người bệnh tiểu đường thường xuyên mất ngủ
Người mắc tiểu đường hay gặp vấn đề về giấc ngủ. Ảnh: Freepik

Bệnh lý thần kinh ngoại biên tiểu đường

Bệnh thần kinh ngoại biên tiểu đường là dạng tổn thương dây thần kinh do bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến bàn chân, cẳng chân, bàn tay và cánh tay. Đây là loại bệnh thần kinh phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tại Mỹ, bệnh lý này ảnh hưởng từ 30-50% người mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh thần kinh ngoại biên tiểu đường có thể gây đau, tê, ngứa ran và tạo ra cảm giác nóng. Nó có liên quan đến rối loạn giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ kém. Thiếu ngủ làm tăng độ nhạy cảm của cơn đau.

Hội chứng chân tay bồn chồn

Hội chứng chân tay bồn chồn khiến chân phải cử động thường xuyên vào ban đêm, dù đang nghỉ ngơi. Các triệu chứng của nó giống với bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm đau, rát, tê, ngứa ran... Tình trạng này làm giảm chất lượng giấc ngủ và là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch.

Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Quản lý rối loạn giấc ngủ thường đòi hỏi nhiều bước để giảm các triệu chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và giấc ngủ đang gặp vấn đề do kiểm soát lượng đường trong máu, bạn nên tập trung tìm hiểu và thực hiện các giải pháp đưa lượng đường trong máu về mức ổn định.

Ngoài các phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến khích, bạn cũng nên quan tâm đến giấc ngủ như tạo môi trường ngủ thông thoáng, vừa đủ ánh sáng, hạn chế caffeine trước khi ngủ, tập thể dục thường xuyên, giảm cân nếu béo phì...

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy