Tại sao cơn ho trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm?

Những cơn ho vào ban đêm có thể không đến từ cảm lạnh mà do trọng lực, không khí khô hoặc mắc chứng trào ngược dạ dày.

Cơn ho có thể phục vụ một mục đích hữu ích là loại bỏ chất gây kích thích hoặc giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, ho kéo dài vào ban đêm có thể không đến từ các bệnh cảm cúm, cảm lạnh. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể hình thành nên các cơn ho vào ban đêm.

Do trọng lực

Khi cơ thể trong trạng thái nằm, chất nhầy sẽ bắt đầu đọng lại và chảy xuống cổ họng. Lúc này, các cơ quan thần kinh ở khu vực này sẽ trong trạng thái bị kích thích, hình thành nên các cơn ho.

Trào ngược dạ dày

Những người mắc bệnh trào ngược dạ dày cũng thường bị ho khi nằm xuống. Nguyên nhân do lượng axit trong khoang bụng sẽ trào ngược lên thực quản, khiến cổ họng phản xạ ra các cơn ho do đang bị kích thích.

Hội chứng chảy dịch mũi sau

Chất nhầy được sản xuất liên tục bên trong mũi để chống lại nhiễm trùng. Khi cơ thể sản xuất thêm chất nhầy nhiều hơn bình thường sẽ hình thành nên hội chứng chảy dịch mũi sau (Post nasal drips). Khi nằm xuống, dịch từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống đến thành sau họng, gây ra các triệu chứng như cảm giác vướng họng, đau họng, ho, ngứa họng.

Tại sao cơn ho trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm
Ho kéo dài vào ban đêm khiến người bị ho rơi vào trạng thái mệt mỏi. Ảnh: Freepik

Không khí khô

Không khí khô có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghẹt mũi, đau họng, ho vào ban đêm. Theo Everyday Health, những người thường bị ho vào ban đêm có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để cổ họng được thông thoáng, làm dịu cơn ho. Ngoài cách làm trên, người bị ho cũng có thể đặt những bát nước trong phòng. Khi bay hơi nước sẽ tạo thêm độ ẩm cho không khí, khiến bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn.

Dị ứng

Cơn ho vào ban đêm của bạn có thể do môi trường xung quanh. Các chất gây dị ứng môi trường phổ biến bao gồm mạt bụi, lông thú cưng, nấm mốc, nấm mốc. Nếu ho khan vào ban đêm kèm theo các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, ngứa hoặc khó thở thì rất có thể đó là do dị ứng với môi trường.

Cách làm dịu cơn ho

Theo Mayo Clinic, hầu hết các cơn ho đều liên quan đến cảm lạnh và cúm. Chúng có thể mang lại lợi ích cho việc giải phóng tắc nghẽn ở phổi, đường hô hấp. Tuy nhiên, giấc ngủ cũng rất quan trọng để cơ thể khỏe mạnh. Nếu cơn ho khiến bạn khó ngủ, hãy thử các mẹo sau:

Ngậm thuốc ho: trước khi ngủ, hãy ngậm một viên thuốc ho hoặc kẹo cứng để làm dịu cơn ho khan và cổ họng.

Uống đủ nước: cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong cổ họng. Ngoài ra, mỗi người cũng nên uống thêm một ít nước ấm trước khi ngủ để làm dịu cơn ho.

Dùng mật ong: theo các chuyên gia y tế, thêm mật ong vào chất lỏng ấm như nước hoặc trà hoặc chỉ uống một hoặc hai muỗng cà phê là giải pháp giảm ho rất hiệu quả. Ngoài ra, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy, mật ong cũng giúp giảm ho về đêm ở trẻ em từ 2-18 tuổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi uống mật ong vì nó có thể gây ngộ độc.

Giữ chỗ ngủ thông thoáng: vệ sinh phòng ốc và giường ngủ sạch sẽ là một trong những cách hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn và mạt bụi. Do đó, hãy tập thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ, làm dịu cơn ho trước khi đi ngủ.

Kê cao gối: khi nằm xuống, chất nhầy sẽ tự động đọng lại. Vì thế, cách tốt nhất để chống lại lực hấp dẫn này là kê thêm gối cao từ 15-20 cm. Điều này sẽ giúp đường hô hấp thông thoáng, các chất nhầy không đọng lại ở phía sau cổ họng.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.