Nói không với kháng sinh - đúng hay không đúng?

Trải qua gần 30 năm kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh, tôi nhận thấy, người bệnh đến với chúng tôi với các thái cực trong qua niệm sử dụng thuốc kháng sinh.

Nhiều người nhất quyết không sử dụng kháng sinh mặc dù đã được các bác sĩ giải thích rằng tình trạng của người bệnh hoặc người nhà của mình phải sử dụng kháng sinh do tình trạng nhiễm trùng của bệnh mắc phải.

Không ít người dùng kháng sinh cho đến khi cảm giác triệu chứng giảm là dừng ngay vì  lo ngại độc tính của thuốc kháng sinh.

Nhiều người khác nhất quyết đòi dùng kháng sinh kể cả bác sĩ có giải thích tình trạng của người bệnh hoặc người nhà của mình KHÔNG PHẢI sử dụng kháng sinh do tình trạng bệnh của họ không phải do nguyên nhân nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, không ít người tự mua thuốc tại hiệu thuốc để uống theo hướng dẫn của người bán hàng mà không biết đó là kháng sinh.

Dĩ nhiên cũng có những người tuân thủ sử dụng kháng sinh theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ khám và kê đơn.

Nói không với kháng sinh  đúng hay không đúng

Dùng kháng sinh không đúng cách gây ra tình trạng kháng kháng sinh

Chính sự bối rối, không biết được mình lựa chọn cách thức nào là phù hợp là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh, là nguyên nhân gây chết 700.000 người trên toàn thế giới mỗi năm, theo một báo cáo gửi lên Chính phủ Anh.

Nhiều công ty dược đã nỗ lực hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh như Allergan, AstraZeneca, DSM Sinochem Pharmaceuticals, Roche, GSK Pharma, Johnson & Johnson, Merck, Novartis, Pfizer, Sanofi và Shionogi và 13 nhà sản xuất thuốc lớn bao gồm Cipla và Wockhardt từ Ấn Độ đã hợp tác đưa ra lộ trình chống lại tình trạng kháng thuốc (AMR) vào năm 2020.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp cấp cao lịch sử để thảo luận về kế hoạch chống lại siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Các nhà lãnh đạo thế giới tập hợp và nói về các cách chống lại sự kháng thuốc kháng sinh. Thật hiếm khi có một chủ đề sức khỏe đạt đến mức độ này tại Liên Hợp Quốc. Là một phần của nỗ lực, các nhà sản xuất thuốc cam kết làm sạch ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh và thực hiện các bước để hạn chế việc lạm dụng thuốc.

Lộ trình thực hiện tuân theo Tuyên bố Công nghiệp được ký kết vào tháng 1/2016 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới bởi hơn 100 công ty và hiệp hội thương mại trong một tuyên bố chung. Các công ty cũng cho biết họ cam kết giảm thiểu tác động đến môi trường trong sản xuất kháng sinh, giám sát việc sử dụng kháng sinh, cải thiện khả năng tiếp cận và khám phá các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và phát triển kháng sinh, vắc xin và chẩn đoán mới.

Kháng thuốc kháng sinh (AMR) là quá trình tự nhiên mà vi khuẩn và các vi sinh vật khác phát triển khả năng kháng lại các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Một báo cáo của Bloomberg trích dẫn Ngân hàng Thế giới cho biết: sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được gọi là siêu vi khuẩn đe dọa tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp.

Sử dụng KHÁNG SINH đúng – phù hợp - đủ liều

Ví dụ: khi bạn sốt, đau họng… mà nguyên nhân do nhiễm lạnh, lúc này mà bạn sử dụng kháng sinh là không phù hợp.

Nhưng nếu nguyên nhân gây sốt, đau họng…lại do nhiễm liên cầu Beta tan huyết nhóm A mà bạn không sử dụng kháng sinh và sử dụng không đúng loại kháng sinh có thể diệt được loại liên cầu này, thì có khả năng bạn sẽ bị biến chứng toàn thân như: viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim... Những bệnh này ảnh hưởng nặng nề tới người bệnh, gia đình và xã hội.

Khi sử dụng kháng sinh, bác sĩ mới là người cân nhắc được lợi ích chữa bệnh và độc tính của kháng sinh. Ví dụ như khi sử dụng kháng sinh nhóm Quinnolone độc tính gây tổn thương tim gấp 3 lần so với nhóm Amoxiciline do tăng gánh nặng của lượng máu quay trở lại tim ở ngày thứ 31-60 sau khi sử dụng thuốc. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo khi sử dụng kháng sinh nhóm Quinnolone có thể gây tổn thương vĩnh viễn thần kinh ngoại vi, biểu hiện bằng ngứa ran, bỏng rát hoặc đau như kim châm tay và chân.

Nói không với kháng sinh  đúng hay không đúng

Nếu người bệnh bị nhiễm khuẩn: viêm màng não, nhiễm trùng huyết… mà không có kháng sinh để sử dụng, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Thời gian sử dụng kháng sinh cũng tùy theo chủng vi khuẩn và loại bệnh. Ví dụ với các nhiễm khuẩn thông thường của đường hô hấp trên, bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh 7 ngày. Nếu nhiễm liên cầu Beta tan huyết nhóm A sẽ sử dụng Peniciciline G trong 14 ngày. Một số bệnh lý nhiễm khuẩn xoang có thể dùng kháng sinh liều thấp kéo dài 3 tháng hoặc thậm chí có những kháng sinh điều trị các bệnh lý đặc biệt của phổi, cần sử dụng trong 2 năm hoặc kháng sinh phòng thấp có thể kéo dài nhiều năm tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, thận trọng với kháng sinh là đúng, nhưng bệnh nhân phải theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ./.

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào (BV ĐH Y Hà Nội)

VOV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy