Nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màn phổi

Nguyên nhân tràn dịch màn phổi phổ biến gồm lao màng phổi, ung thư phổi, viêm phổi, suy thận mạn…; tùy thuộc căn nguyên sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màn phổi
Ảnh minh họa

Hỏi:

Cháu mới điều trị tràn dịch màng phổi cách đây hai tháng, trong quá trình điều trị có lấy dịch để xét nghiệm và được kết luận là dịch viêm. Trước đó hai năm, cháu cũng từng bị tràn dịch. Sau khi điều trị thì hết viêm nhưng hay bị đau và tức ngực. Từ đó đến giờ, tình trạng của cháu có lúc đau nhiều, đau ít; đôi lúc khó thở tức ngực.

Cháu vẫn duy trì thể dục và tập thở để chống dầy dính nhưng cách đây hai tuần cháu đi khám lại, bác sĩ bảo bị dày dính. Cháu muốn hỏi là sao cháu lúc đau, lúc lại chỉ hơi tức ngực, cứ vận động mạnh là lại đau? Bác sĩ có thể cho cháu biết cách luyện tập để chống dày dính? (Hoàng Nguyên)

Trả lời:

Theo những gì bạn mô tả, bạn bị tràn dịch màng phổi hai năm trước và bây giờ bị tái phát. Có rất nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi. Ở Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh phổ biến gồm: lao màng phổi, ung thư phổi, viêm phổi - màng phổi, suy thận mạn, xơ gan cổ trướng... Triệu chứng của tràn dịch màng phổi đa dạng, tùy vào căn nguyên gây bệnh nhưng thường gặp như: đau hoặc tức ngực, ho khan hoặc ho có đờm, sốt có hoặc không kèm theo rét run, mệt mỏi, ăn uống kém... Bạn cần được thăm khám kỹ lưỡng và làm các thăm dò cần thiết để tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị triệt để.

Dịch màng phổi đặc biệt trong viêm màng phổi có thể kích thích vào các thụ thể thần kinh cảm giác đau ở màng phổi gây đau và tức ngực, đau tăng khi hít thở sâu, vận động mạnh, khi nói to hoặc cảm giác không thể hít thở sâu. Nếu dịch nhiều có thể chèn ép vào các cơ quan trong lồng ngực gây khó thở. Tình trạng này để lâu ngày dịch sẽ vách hóa gây dày dính màng phổi, hạn chế thông khí.

Trường hợp của bạn dịch đã gây dày dính màng phổi thì bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ xem căn nguyên gây bệnh, mức độ dày dính như thế nào có cần phải can thiệp phẫu thuật không. Nếu dày dính ít không phải can thiệp phẫu thuật thì vẫn gây triệu chứng đau trong quá trình hô hấp đặc biệt khi hô hấp gắng sức. Vì vậy, các bài tập thở giúp hỗ trợ phục hồi hoạt động cũng như tăng cường chức năng của phổi, giảm biến chứng của tình trạng dày dính màng phổi. Bạn có thể tập thở hoành hoặc thở bằng dụng cụ như: bóng, phế dung kế...

Tập thở hoành: cơ hoành là cơ hô hấp chính của cơ thể nằm bên dưới phổi, tập luyện thở bằng cơ hoành sẽ giúp người bệnh tăng cường hoạt động hô hấp và tiết kiệm năng lượng. Cách thực hiện: người bệnh có thể ngồi hoặc nằm, đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực. Người bệnh hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển, sau đó hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Tập thở bằng dụng cụ như: bóng, phế dung kế... như hình vẽ có thể giúp làm nở phổi và phổi di chuyển qua lại mà không dính lại. Bạn cần phải kiên trì tập thở hằng ngày, duy trì đều đặn để có hiệu quả.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy