Khàn giọng có phải là một triệu chứng của COVID-19 không?

Một số người mắc COVID-19 đã báo cáo về việc phát triển tình trạng khàn tiếng. Tuy nhiên, bạn có nên lo lắng mình có thể mắc COVID-19 nếu đột nhiên bị khàn giọng không?

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, khi bạn bị khàn giọng, giọng của bạn nghe như hơi thở, khàn khàn hoặc không tự nhiên. Nó thường sẽ nhẹ hơn về âm lượng hoặc thấp hơn về âm vực và cổ họng của bạn có thể cảm thấy ngứa. Khàn giọng thường là một triệu chứng của các vấn đề trong các nếp gấp thanh quản.

Mối liên hệ giữa khàn giọng và COVID-19

Một số dữ liệu đã chỉ ra, COVID-19 có thể dẫn đến khàn giọng. Một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Tiếng nói (Journal of Voice) vào tháng 3/2021 cho thấy 70 trong số 160 bệnh nhân mắc COVID-19 mắc chứng rối loạn giọng nói (Dysphonia) - đây là một thuật ngữ gọi chung cho các vấn đề về giọng nói, bao gồm cả khàn giọng. Tình trạng này được đánh giá là từ nhẹ đến trung bình ở 69 bệnh nhân, kéo dài hơn 2 tuần ở 33 bệnh nhân và hơn một tháng ở 11 người.

Khàn giọng có phải là một triệu chứng của COVID19 không

Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 6/2020 đã phân tích dữ liệu từ 702 bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình tại 19 bệnh viện ở châu Âu. Trong số đó, 188 (khoảng 27%) mắc chứng rối loạn giọng nói, với phụ nữ có nhiều khả năng phát triển triệu chứng này hơn nam giới. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chứng rối loại này có thể gặp ở 1/4 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức độ nhẹ đến trung bình nên được coi là một triệu chứng của bệnh lây nhiễm này.

Tại sao COVID-19 có thể gây khàn giọng?

Khàn giọng không phải là triệu chứng xuất hiện duy nhất đối với bệnh COVID-19. Ông Amesh A. Adalja, Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nhận định, việc virus đường hô hấp gây khàn giọng là rất phổ biến. Đây không phải là một triệu chứng đặc trưng của COVID-19 mà là một biến chứng chung của nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nhiễm trùng đường hô hấp trên, bao gồm COVID-19, có thể gây đau họng. Đó có thể là kết quả của tình trạng viêm dây thanh âm hoặc chảy dịch mũi sau, dẫn đến những thay đổi trong giọng nói.

“Ho, một triệu chứng chính của COVID-19, chắc chắn cũng ảnh hưởng đến thanh quản và dẫn đến khàn giọng’, ông William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Trường Đại học Y Vanderbilt, chia sẻ.

Theo ông Omid Mehdizadeh,  bác sĩ tai mũi họng tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John, California (Mỹ), ho sẽ dẫn đến viêm, khiến dây thanh quản của bạn sưng lên và kém linh hoạt. Khi điều đó xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến cao độ giọng nói và khiến giọng trở nên khàn khàn. Bất kỳ loại viêm nào trong dây thanh đều có khả năng gây ra khàn tiếng. Nếu bạn mắc COVID-19 nặng và được điều trị bằng steroid dexamethasone, bạn có thể bị trào ngược axit, gây kích ứng cổ họng và dẫn đến khàn giọng.

Tuy nhiên, hầu hết các yếu tố có thể gây khàn giọng này đều có khả năng phát triển sau khi bạn mắc các triệu chứng khác của COVID-19. Nói cách khác, khàn giọng đột ngột không có khả năng là dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nên làm gì nếu giọng nói của bạn bị khàn?

Các chuyên gia khuyến nghị, nếu bạn bị khàn giọng, không bị đau, không khó thở hoặc sưng tấy và không có các triệu chứng khác, đừng lầm tưởng đó là do COVID-19. Bạn nên giữ cơ thể đủ nước, nói ít và để giọng nói của bạn được nghỉ ngơi. Mặt khác, nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần và không có lý do rõ ràng, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám./.

VOV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy