Dịch tả bùng phát toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 29 quốc gia đang trải qua đợt dịch tả năm nay, trong đó có 13 nước không bùng dịch vào năm ngoái.

Đợt dịch bắt đầu ở Afghanistan vào tháng 6, sau đó lan sang Iran, Iraq, Pakistan và Syria. Các đợt bùng phát tiếp theo ở Caribe, Châu Phi, Trung Đông và Nam Á, do hàng loạt quốc gia trải qua hạn hán, lũ lụt và xung đột vũ trang. Nhóm dân cư lớn phải di chuyển, mất khả năng tiếp cận với nước sạch và các thiết bị vệ sinh. Hàng trăm nghìn người bị bệnh, gây sức ép lên nguồn cung vaccine mà các cơ quan y tế toàn cầu đang phân phối.

Lebanon là một ví dụ về sự gia tăng của bệnh tả. BBC đưa tin đợt bùng phát cuối cùng của quốc gia là 30 năm trước. Đến ngày 6/10 năm nay, các ca tả bắt đầu xuất hiện, số bệnh nhân tiếp tục tăng lên hàng trăm người. Tuy nhiên, vì không có các xét nghiệm chẩn đoán đơn giản, chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lên đến hàng nghìn người. Chính phủ Lebanon hiện ghi nhận ít nhất 220 ca bệnh và 5 ca tử vong.

Theo BBC, trung bình mỗi năm có 20 quốc gia ghi nhận ca bệnh. Trong khi đó, năm nay ít nhất 29 nước đã tuyên bố dịch tả bùng phát. WHO gọi đây là hiện tượng "chưa từng có".

"Tả là căn bệnh có thể gây tử vong trong vòng một ngày, nhưng cũng dễ dàng điều trị. Việc chữa bệnh nhanh chóng là rất quan trọng", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu khai mạc họp báo về Covid-19 và các vấn đề y tế khác.

Dịch tả bùng phát toàn cầu
Các bệnh nhân đang được điều trị bệnh tả tại Bệnh viện Trung tâm Gheskio ở Port-au-Prince, Haiti, tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Theo WHO, nguồn cung vaccine tả đang thiếu hụt nghiêm trọng. Tổ chức đã phải giảm khuyến cáo tiêm từ hai liều xuống còn một liều. Hai phần ba trong số 36 triệu liều vaccine đường uống sản xuất vào năm 2022 đã hoặc sẽ sớm được vận chuyển. Cameroon, Kenya, Malawi và Pakistan sẽ nhận số vaccine còn lại để tiêm liều thứ hai khẩn cấp.

Tả là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy nhiều nước, dẫn đến mất nước, hiểu niệu và trụy tuần hoàn. Bệnh thường lây nhiễm qua nguồn nước ô nhiễm, thức ăn hoặc động vật có vỏ.

Ước tính mỗi năm, thế giới ghi nhận từ 1,3 đến 4 triệu trường hợp nhiễm bệnh, từ 21.000 đến 143.000 ca tử vong, theo Cơ quan Y tế Công cộng Quốc tế. Những trường hợp triệu chứng nặng cần can thiệp nhanh bằng kháng sinh hoặc truyền dịch.

Bệnh tả có thể gây tử vong trong vòng vài giờ. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau khi người bệnh phơi nhiễm hoặc uống nước thải có chứa vi khuẩn. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy. Song bệnh có thể tiến triển thành mất nước nghiêm trọng, gây chết người hoặc khiến các cơ quan ngừng hoạt động. Trẻ em có nguy cơ tử vong đặc biệt cao.

Hầu hết người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng bằng cách uống nhiều nước. Điều quan trọng nhất là nguồn nước phải an toàn và hợp vệ sinh.

Theo Thục Linh/VnE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.