Các bệnh nguy hiểm ở trẻ từ nay đến cuối năm

Viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm… tăng từ nay đến cuối năm do thời tiết thất thường; một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Theo các chuyên gia của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, viêm đường hô hấp, thủy đậu, tiêu chảy, sởi, cúm... vào giai đoạn giao mùa thường có xu hướng tăng do điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Từ nay đến cuối năm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết sẽ vào đỉnh dịch nên phải tăng cường phòng ngừa, để tránh tình trạng "dịch chồng dịch" ở trẻ.

Các chuyên gia VNVC chia sẻ thêm, đợt giãn cách xã hội vừa qua, nhìn ở mặt tích cực khi cộng đồng ý thức cao về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe không chỉ giúp phòng Covid-19 mà góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, hiện giờ, trẻ đi học lại, người lớn đi làm, bắt đầu cuộc sống "bình thường mới" có thể khiến cho các bệnh phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn.

Tay chân miệng

Phụ huynh nên cảnh giác và tăng cường phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, nhất là các trẻ dưới 5 tuổi. Đỉnh dịch tay chân miệng hàng năm thường từ tháng 9 đến tháng 11. Ghi nhận từ tuần cuối tháng 9, có 640 ca tay chân miệng, cao nhất tính theo tuần kể từ đầu năm đến nay. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), 3 tuần trong tháng 9, trung bình mỗi ngày có hơn 30 trẻ cần điều trị nội trú.

Các chuyên gia VNVC cho biết, tay chân miệng nguy hiểm ở chỗ lây lan rất nhanh và mạnh, nhất là môi trường đông trẻ như ở trường mầm non. 2 tuýp virus tay chân miệng thường gặp nhất ở nước ta gồm coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trong đó, Enterovirus 71 thường gây ra các biến chứng thần kinh, thậm chí gây ra viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim... rất nặng nề. Hiện tay chân miệng chưa có vaccine. Biện pháp phòng ngừa cần thiết cho trẻ gồm giữ bàn tay sạch, thường dọn dẹp không gian sống, rửa sạch đồ chơi; ăn chín, uống sôi.

Sốt xuất huyết

Song hành cùng bệnh tay chân miệng thời điểm cuối năm, còn phải kể đến sốt xuất huyết. Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 70.000 ca sốt xuất huyết, tập trung ở miền Nam (hơn 40.000 ca), miền Trung (hơn 23.000 ca).

Các chuyên gia VNVC cho biết, dự báo số ca sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, có thể đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11. Do chưa vào đỉnh dịch nên chưa thể lường trước được diễn tiến hoặc sự phức tạp của căn bệnh này. Sốt xuất huyết là căn bệnh thường gặp ở nước ta nhưng không thể xem thường. Bởi trung gian truyền bệnh là muỗi vằn luôn có sẵn trong môi trường, nhất là vào mùa mưa tại vùng thôn quê.

Muỗi vằn có thể xuất hiện cả vào ban ngày, thường buổi sáng, tối. Trẻ con rất năng động, dễ ra mồ hôi nên dễ bị muỗi tấn công. Các chuyên gia VNVC cho biết thêm, hiện sốt xuất huyết đã có vaccine phòng nhưng chưa có mặt tại Việt Nam.

Việc phòng bệnh cho con nên được đặt lên hàng đầu. Cha mẹ cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ màn, không chơi chỗ tối, gần ao hồ, bụi rậm, có thể sử dụng biện pháp kem bôi thoa phù hợp để tránh muỗi đốt trẻ; diệt muỗi, đậy kín các chậu nước... Phụ huynh cần lưu ý quan sát con thường xuyên trong giai đoạn này. Dấu hiệu sốt nhẹ, phát ban kín đáo thoáng qua mà cha mẹ bỏ sót trong giai đoạn sớm của bệnh nhưng diễn tiến bệnh có thể nhanh và nặng.

Viêm đường hô hấp

Trong giai đoạn thu đông, bệnh lý rất đặc trưng là viêm đường hô hấp. Viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA, thậm chí viêm tai giữa ở trẻ có thể tăng cao. Viêm đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản, viêm phổi. Hầu hết, viêm đường hô hấp là do những tác nhân như virus, vi khuẩn rất đặc trưng như virus hô hấp hợp bào (RSV), phế cầu, liên cầu, tụ cầu, adenovirus... Bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ, giữ vệ sinh cơ thể, cha mẹ cần nhớ súc họng, miệng mỗi ngày, giữ ấm cho con khi mùa lạnh sắp đến.

Các bệnh viêm đường hô hấp, thậm chí viêm phổi đã có một số vaccine dự phòng như vaccine phòng Haemophilus influenza týp B (có trong vaccine 5 trong 1, 6 trong 1); vaccine phòng phế cầu (nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết). Phụ huynh cho con tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.

Các bệnh nguy hiểm ở trẻ từ nay đến cuối năm
Viêm đường hô hấp là bệnh phổ biến ở trẻ vào thời điểm cuối năm. Ảnh: healthxchange.

Cúm

Cúm là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường dễ khiến hệ miễn dịch suy yếu nên dễ mắc bệnh. Các đối tượng dễ mắc cúm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Cách phòng bệnh quan trọng là tiêm vaccine. Vaccine cúm có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Nếu trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine, các thành viên trong gia đình tiêm phòng cúm đầy đủ là cách giúp bảo vệ cho trẻ nhỏ tốt hơn.

Covid-19

Ngoài các bệnh lý theo mùa thường tăng cao vào thời điểm cuối năm, năm nay còn xuất hiện thêm Covid-19. Theo đại diện Bộ Y tế, dự báo mùa đông năm nay sẽ khốc liệt với các nước trong phòng chống Covid-19.

Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế, Covid-19 có thể kéo dài đến năm sau. Mọi người không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế tụ tập nơi đông người...

Bạch hầu

Bạch hầu năm nay bùng phát ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam, trường hợp tử vong nhiều hơn các năm nên khiến không ít người lo lắng.

Theo các chuyên gia VNVC, bạch hầu không phải là bệnh theo mùa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp... nhưng điều kiện thời tiết từ nay đến cuối năm thuận lợi cho tác nhân gây bệnh. Bạch hầu xảy ra những ca rải rác, lẻ tẻ ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, ở địa phương có độ bao phủ vaccine cao rất khó xảy ra bệnh. Hiệu quả sau tiêm của vaccine bạch hầu đạt được rất cao.

Vì vậy, nếu trẻ em, người lớn chưa tiêm vaccine bạch hầu thì cần chủng ngừa sớm. Đồng thời, lưu ý tiêm nhắc vaccine bạch hầu cho trẻ em lớn và người lớn để duy trì hiệu quả bảo vệ của vaccine trong cộng đồng.

Các bệnh nguy hiểm ở trẻ từ nay đến cuối năm
Tiêm vaccine giúp chủ động phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Ảnh: freepik.

Ngoài các bệnh trên, từ nay đến cuối năm, sởi, thủy đậu, tiêu chảy cũng có thể tăng cao. Trong bối cảnh Covid-19, kèm theo các bệnh truyền nhiễm, để tránh "dịch chồng dịch", cha mẹ cần tăng cường đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, thường xuyên cho con vận động...

Các chuyên gia VNVC nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp quan trọng, an toàn và hiệu quả để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các bệnh đã có vaccine phòng ngừa thì trẻ em và cả người lớn nên tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi tiêm vaccine, cơ thể được tập luyện "đánh trận giả" để khi có mầm bệnh thật tấn công, khả năng phòng chống bệnh tốt hơn. Hiện nay, nhiều loại vaccine như cúm, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu... với hiệu quả phòng bệnh đạt hơn 90%.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy