Mạng xã hội có thể gây chứng chán ăn tâm thần

Sử dụng mạng xã hội thường xuyên dễ khiến thanh thiếu niên tự ti về ngoại hình, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống, thậm chí chán ăn tâm thần.

Nghiên cứu do Viện Sức khỏe Toàn cầu, Đại học College London thực hiện, đăng trên tạo chí PLOS Global Public Health, đầu tháng 3. Mục tiêu của các chuyên gia là đánh giá mối liên hệ giữa mạng xã hội và thói quen ăn uống kém lành mạnh của người trẻ. Các nhà khoa học chỉ ra rằng sử dụng Facebook, TikTok, Instagram và Snapchat thường xuyên khiến thanh thiếu niên trở nên lo lắng về ngoại hình, có thể dẫn đến chứng rối loạn ăn uống và sức khỏe tâm thần kém.

Nghiên cứu lớn phân tích dữ liệu từ 50 công trình nhỏ hơn ở 17 quốc gia, liên quan đến thanh thiếu niên từ 10 đến 24 tuổi. Các chuyên gia tập trung so sánh việc tiếp xúc với mạng xã hội có thể gây tổn hại ở một mức độ nhất định đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các báo cáo cho thấy 91% thanh thiếu niên ở Anh và Mỹ sử dụng mạng xã hội, hơn 50% kiểm tra tài khoản ít nhất một lần mỗi giờ. Chuyên gia chỉ ra rằng nhiều nội dung trên nền tảng truyền thông số, đặc biệt là Instagram và Snapchat, chỉ tập trung vào ngoại hình, khiến phụ nữ lo ngại thái quá về cân nặng của mình. Điều này thúc đẩy chế độ ăn kiêng kém lành mạnh, tình trạng lo lắng và các triệu chứng trầm cảm.

Mạng xã hội có thể gây chứng chán ăn tâm thần
Nhiều thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Ảnh: Freepik

Người trẻ dùng mạng xã hội quá nhiều dễ xấu hổ về cơ thể, cảm thấy tự ti, dẫn đến đến bệnh lý rối loạn ăn uống. Các chuyên gia nhận định trên các nền tảng trực tuyến, thanh thiếu niên rất ý thức về trọng lượng, hình dáng cơ thể, lượng calo nạp vào mỗi ngày và chế độ tập thể dục. Đây là những yếu tố tâm lý cốt lõi ảnh hưởng đến hành vi ăn uống lệch lạc.

Nghiên cứu khác xuất bản vào tháng 3/2022 cũng phát hiện khoảng 52% trẻ em gái và 45% trẻ em trai lựa chọn bỏ bữa, tập thể dục nặng và thể hiện các hành vi liên quan đến rối loạn ăn uống. Trong số các tình nguyện viên, khoảng 75% bé gái và 70% bé trai có ít nhất một tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Instagram.

Một trong những hậu quả trầm trọng của chứng rối loạn ăn uống là bệnh chán ăn tâm thần. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân, thậm chí không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng khi trọng lượng cơ thể giảm thấp đáng kể.

Bệnh này chia thành hai loại, một là người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt. Hoặc bệnh nhân tiêu thụ thực phẩm, nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.

Tại Mỹ, tỷ lệ mắc chứng chán ăn tâm thần suốt đời chiếm khoảng 0,6% ở dân số trưởng thành. Tỷ lệ mắc ở nữ giới gấp 3 lần nam. Căn bệnh thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, đặc biệt ở giai đoạn dậy thì. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh khi dưới 15 tuổi ngày càng tăng. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê.

Theo các chuyên gia, cách để hạn chế tình trạng này là xác định những người dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Độ tuổi tối thiểu được khuyến nghị có tài khoản trực tuyến là 13. Thanh thiếu niên cần được giáo dục về lợi ích và tác hại của các nền tảng này.

Thục Linh (Theo Medical Live Science)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.