Trách nhiệm với cộng đồng

Những ngày đầu tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đã có tới hàng chục tấn lợn phải mang đi tiêu hủy. Có gia đình thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng. Lợn nhiễm DTLCP phải mang đi tiêu hủy làm quặn lòng người chăn nuôi. Người thì suy sụp, người phải tạm lánh đi chỗ khác để không phải chứng kiến sản nghiệp của gia đình bỗng chốc bị tiêu tan. Có người không cầm được nước mắt khi nhìn đàn lợn con, lợn thịt đang lớn chờ ngày xuất chuồng phải mang đi tiêu hủy. Bàng hoàng và ngơ ngác vì tài sản, vốn liếng tích cóp không thể cứu vãn!

Phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường xung quanh ổ dịch. Ảnh: Mạnh Hùng

Thiệt hại như vậy nhưng người dân không giấu dịch. Ngược lại, khi thấy lợn sốt cao, tiêu chảy chính các hộ dân đã trình báo với cơ quan chức năng đến xác định bệnh dịch. Khi có kết quả dương tính với vi rút DTLCP, hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm Luật Thú y, chủ động hợp tác với chính quyền địa phương nhanh chóng mang lợn đi tiêu huỷ. Đây là hành động đẹp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Bởi chính người chăn nuôi hiểu rằng một khi lợn đã nhiễm DTLCP thì rất nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ lợn chết là 100%, cần phải nhanh chóng xử lý tiêu hủy ngay. Ngăn chặn dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh không chỉ giúp khoanh vùng, xử lý, khống chế, dập tắt dịch bệnh kịp thời mà còn tránh được dịch bệnh lây lan ra cả khu vực, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của cả cộng đồng.

Trước đây, đã từng có tình trạng người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy bán tháo đàn vật nuôi khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và thiệt hại lớn. Nay người dân tự nguyện cung cấp thông tin, tiêu hủy đàn vật nuôi nhiễm bệnh thể hiện sự chuyển biến lớn về nhận thức trong phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm không chỉ với những người chăn nuôi giống mình mà là trách nhiệm với cả cộng đồng. Điều đó cũng cho thấy, công tác thông tin tuyên truyền cũng như công tác quản lý, kiểm tra giám sát của các cấp, ngành chức năng thực sự hiệu quả. Chia sẻ thiệt hại với người chăn nuôi, cấp uỷ, chính quyền các cấp kịp thời động viên và thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định.

Thiên tai, dịch bệnh là không thể nói trước được. Nó có thể xảy ra bất cứ khi nào, song khi ý thức trách nhiệm của người chăn nuôi được nâng lên cùng với sự vào cuộc của cấp, ngành chức năng chắc chắn nguy cơ phát dịch sẽ được giảm thiểu; dịch xảy ra sẽ nhanh chóng được khống chế, dập tắt.

Thanh Bình

Tiến Đoàn, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy