Ô nhiễm nguồn nước sông Đà - vẫn chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”

Mấy ngày qua, người dân Hà Nội vô cùng lo ngại khi biết nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng nước thải sinh hoạt bốc mùi là do doanh nghiệp đổ trộm dầu thải ra khe núi sát suối Trâm (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) làm váng dầu lan tới kênh dẫn nước của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (VIWASUPCO). Hiện, toàn bộ số dầu thải đã được công nhân thu gom và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu nước để đi kiểm tra. 

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc, không chỉ là vấn đề nước đầu nguồn ô nhiễm mà là vấn đề chậm trễ, trốn trách nhiệm trong xử lý của đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân thủ đô. Bởi theo như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, khoảng 21h ngày 8/10, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình phát hiện quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu. Đến trưa ngày 9/10, bảo vệ của Công ty VIWASUPCO  phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân và báo cáo với lãnh đạo công ty để có hướng xử lý nhưng mãi đến ngày 14/10, có nghĩa là 5 ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội nổi váng, Công ty VIWASUPCO mới báo cáo với ngành chức năng và sau đó đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian, xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy; đồng thời huy động toàn bộ công nhân đi kiểm tra và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra.

Ô nhiễm nguồn nước sông Đà không phải là chuyện hy hữu, bởi thực tế, việc ô nhiễm nguồn nước do các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường đã xảy ra ở rất nhiều địa phương trong những năm qua. Mặc dù, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nêu rõ hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017; nhiều doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường cũng đã bị áp dụng các chế tài xử phạt nhưng tình trạng vi phạm dường như vẫn chưa được cải thiện mà lại có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn. 

Điều đáng nói là hầu hết các vụ vi phạm về xả thải ra môi trường đều do người dân phát hiện và báo chí phản ánh. Vậy, vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các ngành chức năng và các cấp ủy, chính quyền ở đâu? Đến bao giờ tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ được giải quyết dứt điểm?

Phải chăng các chế tài xử phạt theo qui định của pháp luật vẫn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, thêm vào đó, sự buông lỏng trong công tác kiểm tra, thanh tra và sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng của các doanh nghiệp khiến cho việc xử lý vi phạm những qui định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lâu nay chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy