Những hành vi đáng lên án

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ số khẩu trang không rõ nguồn gốc tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV thuộc địa phận xã Đại Cương, huyện Kim Bảng. Ảnh: Trung Dũng

Mấy ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện thông tin về việc các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ một lượng khẩu trang y tế rất lớn không rõ nguồn gốc, nhãn mác, nơi xuất xứ; thậm chí có hàng tấn khẩu trang có dấu hiệu đã qua sử dụng được lưu giữ tại một kho phế liệu tại ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) và hơn 600 khẩu trang đã sử dụng được thu gom và cất giấu tại một căn nhà trên địa bàn huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hà Nam cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nam thu giữ 500 chai rửa tay sát khuẩn không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Qua theo dõi các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng liên quan lợi dụng tâm lý lo ngại của người dân trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 đã “găm hàng” trục lợi; thậm chí có những đối tượng còn sản xuất và tiêu thụ các loại khẩu trang y tế, nước sát khuẩn kém chất lượng... Chưa khi nào trên thị trường, 2 mặt hàng: khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn lại “nóng” như thời điểm vừa qua. Những sản phẩm này luôn trong tình trạng khan hiếm và được bán với giá “ảo”, cao hơn nhiều so với giá trị thực. Điều này khiến cho người tiêu dùng hết sức lo lắng và bức xúc. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang lây lan ngày càng nhanh và rộng trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu về khẩu trang y tế và nước sát khuẩn sẽ càng trở nên khan hiếm. Khi “cung không đủ cầu”, nhiều doanh nghiệp, tư thương đã bất chấp sức khỏe, lợi ích của cộng đồng, sản xuất và kinh doanh những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để trục lợi kiếm lời. Đối với những trường hợp này, đạo đức và văn hóa kinh doanh dường như đã bị che mờ bởi những lợi ích kinh tế. 

Được biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt; một mặt, khuyến khích các doanh nghiệp dệt may tổ chức sắp xếp dây chuyền, triển khai công nghệ để tập trung sản xuất khẩu trang (dù đây vốn không phải là mặt hàng sản xuất chủ lực của nhiều doanh nghiệp), nhằm nhanh chóng ổn định thị trường khẩu trang trong nước; mặt khác, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước cùng các lực lượng chức năng ráo riết vào cuộc, xử lý mạnh tay và nghiêm khắc đối với mọi trường hợp cố tình vi phạm hay trục lợi từ dịch Covid-19. Việc tàng trữ, thu gom và tăng giá bán bất hợp lý hay chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng… ra nước ngoài để phòng, chữa bệnh thông qua kênh kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử cũng sẽ đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật.

Những hành vi găm hàng, trục lợi, buôn bán hàng kém chất lượng... là vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức kinh doanh. Những hành vi này cần phải lên án.

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy